13/01/2018 15:13 GMT+7

Cổ vật hồi hương: Sự trở về của đồ gốm cổ Chu Đậu

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Nhiều hiện vật trong số hàng nghìn món gốm Chu Đậu từng được trục vớt từ con tàu đắm Cù Lao Chàm, lưu lạc nước ngoài, đang dần được các nhà sưu tập đưa về cố hương.

Hàng trăm nghìn món gốm Chu Đậu trục vớt được từ con tàu đắm Cù Lao Chàm từng bị bán đấu giá với giá rẻ mạt khiến các nhà chuyên môn vô cùng tiếc rẻ. Thế nhưng, khá nhiều hiện vật trong số đó sau nhiều năm lưu lạc ở nước ngoài đang lần lượt được 

Cổ vật hồi hương: Sự trở về của đồ gốm cổ Chu Đậu - Ảnh 1.

Nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng và chiếc hũ gốm quý giá - Ảnh: THÁI LỘC

Nói thật, tôi cũng không ngờ mình sở hữu được vì nó quá hiếm, quá đặc biệt, lại chuyền sang biết bao tay chơi cả vòng Trái đất!

Nhà sưu tập Thành Hải Dương

Hiện vật 354 và chiếc ấm rồng

Căn nhà của nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng (chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam) ở sâu trong con hẻm đường Lê Quang Định (TP.HCM), cạnh ngôi chùa Già Lam có rất nhiều bộ sưu tập gốm sứ quý hiếm. 

Nhưng sưu tập quý hiếm đặc biệt bậc nhất trong số đó vẫn là gốm Chu Đậu với hàng ngàn món, một số trong đó được các chuyên gia đánh giá xứng đáng hàng quốc bảo, trong đó có quả bồng họa cảnh một bến cảng tấp nập thuyền bè với nét vẽ bằng vàng thật xen lẫn màu xanh. 

Hay như cái nghiên mực hình con nghê và chiếc ấm hình đôi thiên nga chưa thấy xuất hiện cái thứ hai cho đến nay... Có lẽ đó chính là lý do mà nhà sưu tập này được mệnh danh là... ông Dòng "Chu Đậu".

Ông dẫn chúng tôi lên căn phòng "Chu Đậu" ở tầng hai. Đó thực sự là một gian trưng bày ngăn nắp, quy củ toàn những hiện vật quý hiếm về dòng gốm đặc biệt của VN giai đoạn cuối Trần - Lê. 

Ông lấy trên kệ một chiếc hũ gốm vẽ xanh trắng, cao hơn gang tay vẽ ba tầng hoa văn tuyệt đẹp và cho biết ông mang về từ một cuộc đấu giá ở Mỹ với giá khá rẻ, 3.500 USD.

Dưới đáy cái hũ này còn dán con tem tròn, ghi mấy chữ: "Saga. Hoi An Hoard. Visal 2677". Saga là tên viết tắt của Công ty Saga Horizon của Malaysia và Visal là Công ty Trục vớt cứu hộ Việt Nam. Và Hội An nữa, chắc chắn là từ con tàu đắm Cù Lao Chàm. 

Trong catalogue về các hiện vật Chu Đậu ở phiên đấu giá tại Hoa Kỳ của Công ty Butterfields, cái hũ này được đánh số 354, là một hiện vật cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16.

Trong kho đó, nhà sưu tập Nguyễn Minh Hóa (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã mua được chiếc ấm rồng gốm dòng Chu Đậu tại cuộc đấu giá chủ đề "Nghệ thuật cổ xưa" của Hãng Gorny & Mosch ở Munich, Đức. Chiếc ấm dạng hình rồng có xuất xứ từ Hội An, Việt Nam, niên đại thế kỷ 15-16, dài 20,5cm, cao 22cm, bằng gốm men trắng vẽ lam.

Cổ vật hồi hương: Sự trở về của đồ gốm cổ Chu Đậu - Ảnh 3.

Ấm rồng đặc biệt trên tay nhà sưu tập Nguyễn Minh Hóa - Ảnh: THÁI LỘC

Trở về sau 24 năm

Thành Hải Dương, nhà sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh, cho biết: "Đây là lần đầu tiên một chiếc đĩa Nội Phủ Thị Đông cỡ lớn và rất hiếm, quý vừa được đấu giá từ một nhà đấu giá Interencheres ở Toulou, miền bắc nước Pháp. Tôi là người may mắn mua được nó và chiếc đĩa này đang trên đường về nước". 

Chiếc đĩa mà Dương nói có đường kính 27cm, size lớn nhất từng được phát hiện với hiệu đề dành cho Đông cung thế tử được mua với mức giá sau thuế lên đến 74.000 euro (chưa kể tiền bảo hiểm và công vận chuyển).

Trong sưu tập đồ sứ ký kiểu quý hiếm của mình, chiếm phần lớn là những món cổ vật hồi hương mà Thành tham gia mua lại của các nhà đấu giá và cộng đồng Việt kiều khắp thế giới. Và trong số những cổ vật hồi hương ấy, có chiếc tô Khánh Xuân Thị Tả thời Lê - Trịnh, vẽ rồng và lân đường kính 21cm. 

Ngoài giá trị mỹ thuật đặc trưng thời đại, điều đặc biệt nhất chính là nó có lai lịch rõ ràng. Dưới thời phong kiến, chiếc tô là vật gia bảo của một vị quan tổng trấn Sơn Nam Hạ. Giai đoạn kinh tế khó khăn, tô được bán cho một người chơi đồ cổ ở Sơn Tây, và đến năm 1990 thì anh Q., một Việt kiều, mua lại đưa sang Mỹ bán cho một nhà sưu tập ở California, Mỹ.

Năm 2014, hiện vật tiếp tục được nhà sưu tập S.N. (ở TP.HCM) mua lại và đưa về Việt Nam. Sau đó ông S.N. chuyển cho ông H. - một "đại gia ngành thép" đất Sài thành. 

Sau nhiều lần "dạm ngõ", Thành Hải Dương "rước" được chiếc tô về lại Hà Nội, nơi "xuất dương" của nó đúng 24 năm trước. Dương tâm sự: "Nói thật, tôi cũng không ngờ mình sở hữu được vì nó quá hiếm, quá đặc biệt, lại chuyền sang biết bao tay chơi cả vòng Trái đất!".

Tô quý giá thời Tự Đức

Giữa tháng 5-2015, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng (Huế) bất ngờ nhận một cuộc điện thoại từ Bangkok, Thái Lan báo tin có một cái tô "đồ Huế" vừa được mua với giá 300 USD. Người mua vừa mang khỏi cửa hàng! Xem qua ảnh, anh Hoàng trả lời: "Tôi sẽ trả hơn 30 triệu đồng nếu đem nó về Việt Nam". Đó chính là tô "Long phượng trình tường" (vẽ rồng và chim phượng hoàng bay trong mây), dáng trẹt lòng, rộng 18,8cm, cao 9,5cm, là đồ ngự dụng thời Tự Đức.

Từ nhiều năm trước, phong trào chơi đồ sứ ký kiểu trong nước tăng cao, được người chơi lùng mua ráo riết. Giá cả các món đồ thuộc dòng này tăng đột biến, đặc biệt là những tô đĩa "Khánh Xuân" thời Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, và đồ thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong... Nhiều chiếc đĩa "Khánh Xuân", đồ "Nội Phủ" có thời điểm giá lên đến hàng tỉ đồng nhưng ở trong nước không còn nhiều nên dân buôn đồ cổ tản ra nước ngoài lùng mua đồ sứ ký kiểu để mang về nước bán.

Theo lời anh Hoàng, trong mấy năm trước, nhiều người trong giới cổ vật bắt gặp khá nhiều đồ sứ ký kiểu của Việt Nam bày bán tại các cửa hàng đồ cổ các nước lân cận ở châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines hay Singapore. Đặc biệt nhiều nhất là ở Pháp và Mỹ. Và dĩ nhiên, nó đã được dân chơi cổ vật trong nước tìm mua để mang về lại việt Nam. Cuộc hồi hương đồ cổ này có một lý do duy nhất: giá trong nước cao hơn giá nước ngoài.

Tìm thấy áo vua

aovua

Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng với chiếc áo vua tìm được từ Lào - Ảnh: Thái Lộc

Một chiếc áo của vua triều Nguyễn, tương truyền là của vua Hàm Nghi lúc ông ra Tân Sở, Quảng Trị để mưu đồ kháng Pháp, đã được nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng tìm thấy và cất công mang về từ bên Lào.

Chiếc áo quý này hiện nằm trong sưu tập trang phục triều Nguyễn mà ông Hoàng nhượng lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM. Ngày 21-12-2016, trong triển lãm "Vàng son nhung gấm", hiện vật này chính thức trình làng tại bảo tàng và nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách trong và ngoài nước...

Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về Chiếc áo của đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại - từ Pháp trở về

TTO - Vài năm trở lại đây, có một vấn đề văn hóa hết sức thú vị: nhiều cổ vật quý giá của nước ta một thời bị thất thoát ra nước ngoài nay có khuynh hướng lần lượt hồi hương.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên