23/11/2014 12:40 GMT+7

​Cô Trâm chuyển giới

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - Đã gần sáu năm trôi qua từ ngày thầy giáo Phạm Văn Hiệp (Bình Phước) phẫu thuật chuyển giới thành cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm.

Cô Trâm và học trò trong buổi luyện thi môn hóa - Ảnh: Yến Trinh

Tôi gặp lại người phụ nữ chuyển giới này khi chị vừa kết thúc buổi dạy ôn thi đại học ở Q.1, TP.HCM. Giọng nói truyền cảm, váy áo nền nã, chị nói rằng mình đang sống những ngày tháng hài lòng nhất của cuộc đời: tình yêu riêng tư lẫn đam mê sư phạm.

Tôi hỏi chị có buồn không khi dư luận gắn tên mình với hai chữ “chuyển giới” mỗi khi nhắc đến. Chị đáp rằng đó cũng là cách để chị ghi nhớ quá trình chuyển đổi giới tính của mình. Chị lớn lên ở thị trấn Chơn Thành, trong gia đình tám anh chị em.

“Tôi là con út. Từ năm lớp 1, tính tình tôi đã giống con gái. Tôi hay chơi với mấy chị gái, thấy ai tô son là thích lắm. Lúc đó tôi cũng chưa rõ về giới tính mình” - chị kể. Đến năm lớp 7, chị cảm nhận rõ ràng hơn thân thể của một đứa con trai nhưng lại phát triển như nữ giới. 

Ước muốn trở thành con gái đúng nghĩa luôn thôi thúc Phạm Văn Hiệp, dù thời điểm những năm 2000 chuyện phẫu thuật chuyển giới còn khá xa vời và cái nhìn của xã hội cho những người như Hiệp rất đỗi nặng nề.

Mặc cảm, đau khổ, bế tắc, “nhưng nếu cứ như vậy, tôi sẽ trở thành gã “bê đê” bị đời chọc ghẹo, không có tri thức lẫn vị trí trong xã hội. Tôi quyết định mình chỉ còn con đường học thật giỏi để không bị khinh rẻ” - chị nói.

Dồn hết sức cho việc học, chị trở thành sinh viên Học viện Ngân hàng (nay là Đại học Ngân hàng) và Đại học Tổng hợp khoa luật. Rồi chị yêu một Việt kiều Mỹ. Yêu nhưng làm sao đây nếu anh ta biết mình mang hình hài đàn ông? Chị đi đến quyết định quan trọng: nghỉ học, đi dạy kèm để dành tiền qua Thái Lan phẫu thuật. 

Ngày cũng như đêm, ròng rã sáu năm dạy kèm và luyện thi đại học cho học sinh, “thầy Hiệp” cũng tích cóp được chi phí phẫu thuật. Một mình qua Thái Lan, đơn độc, giấu gia đình, chị nói đùa nếu lúc đó lỡ... chết luôn ở bển cũng không ai biết! Trải qua những cú sốc khi trở về VN trong hình hài mới, chị nói giờ đây chẳng còn gì để chị sợ hãi nữa vì mọi thứ đã nếm trải hết rồi.

“Tôi còn nhớ như in tối 26-4-2008 khi tôi về thăm nhà. Mẹ thấy tôi thành phụ nữ, khóc nức nở. Ba đang bệnh nặng nên tôi không dám gặp. Người dân lấy đá chọi vô nhà. Con nít thấy tôi ở đâu là chạy theo hò hét. Ai cũng coi tôi là thứ gì đó chứ không phải người”.

Điều an ủi nhiều nhất đối với chị có lẽ là sự ủng hộ của dư luận với việc chuyển giới của mình, và cả việc chị được chính quyền chấp nhận làm giấy tờ tùy thân thành nữ. Cả khi đối mặt nguy cơ hủy quyết định chuyển giới vào năm 2009, dư luận cũng đứng về phía “cô giáo Trâm”. 

Thiên hạ hay nói những người chuyển giới thường có tài, riêng cô giáo Trâm thì có lẽ đó là khả năng sư phạm. Sau khoảng thời gian không biết làm gì để tồn tại, Trâm bắt đầu nhận ôn luyện cho các học sinh cá biệt.

Chị kể: “Tôi dạy kèm toán, lý, hóa, sinh cho các em và nói với phụ huynh nếu không hiệu quả sẽ không lấy tiền. Ban đầu chỉ có vài em đến học với tôi. Rồi các em đậu tốt nghiệp, đậu đại học, phụ huynh bắt đầu tin tưởng. Dần dần học trò nhiều hơn”. Nhiều học trò giờ đã tốt nghiệp đại học, đi làm vẫn giữ liên hệ thân thiết với “cô Trâm”. 

“Cuộc sống của tôi giờ đã đủ, cuộc đời cũng mỉm cười với tôi nhiều lần, giờ đây tôi cũng phải mỉm cười với những học trò khó khăn để các em có bước đầu vào đời thuận lợi” - chị nói.

Lớp học của chị dù là ban ngày hay buổi tối đều không ngớt tiếng cười đùa. Mỗi khi có em nào không hiểu bài, chị thường gọi riêng em đó để trao đổi lại. Em nào lên lớp mặt rầu rĩ chị cũng hỏi thăm tận tình. Đặc biệt với những em không lấy học phí, chị cũng tế nhị không bao giờ nói nặng lời khi giảng bài vì sợ các em tủi thân.

Chị Ngọc Quỳnh, học miễn phí cô Trâm bốn tháng nay, chia sẻ: “Tôi đang đi làm, ôn thi lại khối A vì muốn thay đổi cuộc sống hiện tại. Cô Trâm nghe tôi kể hoàn cảnh đã không lấy tiền học. Cô dạy tận tâm và học lớp của cô thoải mái lắm”.

Trò chuyện một lúc lâu, cô giáo Trâm mới kể về dự định chuyến đi Mỹ đầu năm sau thăm người yêu mà chị âu yếm gọi là “ông xã” của mình. Yêu nhau tính ra hơn mười năm nhưng hai người chưa một lần gặp mặt. Một phần là quãng thời gian chị chưa chuyển giới, một phần sau đó cuốn vào cuộc mưu sinh.

Chị nói đó là người đàn ông chị biết ơn vì đã thương chị bằng trái tim thật thà và dìu chị qua những nỗi đau thân phận bằng những cuộc chuyện trò (qua mạng, điện thoại) được duy trì hơn một thập kỷ. Chị bày tỏ: “Tôi cũng như những phụ nữ khác, mơ một tấm chồng, một đứa con. Để đạt ước mơ đơn sơ ấy, tôi đang từng ngày vun đắp cho tình yêu để đời mình về bến bình yên”.

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên