Sản xuất giày dép xuất khẩu sang thị trường châu Âu của một doanh nghiệp - Ảnh: T.V.N.
Với hơn 85% dòng thuế - chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU - sẽ về 0 từ sau năm 2020, giá trị xuất khẩu của hàng Việt sang thị trường EU được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) cũng cảnh báo rằng không phải các DN Việt sẽ "đương nhiên" được hưởng ưu đãi về thuế suất mà phải chủ động thay đổi, điều chỉnh để đáp ứng các điều kiện, hàng rào kỹ thuật mà nhà nhập khẩu sẽ dựng lên.
* Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE (tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN - VASEP):
Nhiều dòng thuế 0% cho hàng thủy sản
Luôn chiếm 17-18% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của VN, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của VN, sau Mỹ.
Do đó, việc ký kết EVFTA sẽ có tác động rất tích cực đến xuất khẩu thủy sản của VN bởi rất nhiều dòng sản phẩm đang chịu mức thuế cao sẽ về mức 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, các dòng sản phẩm khác cũng sẽ được giảm thuế về 0% sau đó từ 3-7 năm.
Chẳng hạn, nhiều sản phẩm thủy sản chế biến của VN đang chịu mức thuế khá cao (20%) khi xuất sang EU hiện nay sẽ được giảm ngay về 0% sau khi EVFTA như tôm sú đông lạnh, hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến... Surimi từ 14,2% về 0%.
Các sản phẩm đang có mức thuế từ 6-8% như mực, bạch tuộc đông lạnh, cá cờ kiếm... cũng giảm về 0%...
Ngoài việc giảm thuế, EVFTA còn giúp thủy sản VN có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác (như Ấn Độ, Thái Lan).
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu VN cũng đối diện với các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn...
* Ông DIỆP THÀNH KIỆT (phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN - Lefaso):
Cú hích cho ngành da giày
Da giày là một trong những ngành hàng được hưởng lợi lớn sau khi EVFTA được thông qua.
Với lộ trình giảm thuế về 0% sau 7 năm, trong đó ước có trên 37% số dòng sản phẩm da giày sẽ được áp dụng mức 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, sẽ góp phần tạo cú hích cho các DN trong ngành này.
Riêng túi xách sẽ hưởng lợi ngay, do thuế được giảm về 0% ngay khi FTA đi vào thực thi.
Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế ưu đãi từ EVFTA, các DN bắt buộc phải đáp ứng được các tiêu chuẩn do EU đặt ra, chứ không "đương nhiên" được hưởng thuế suất ưu đãi.
Trong năm 2018, thị trường EU chiếm khoảng 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 16 tỉ USD của ngành da giày.
Do đó, ngay sau khi EVFTA được thực thi, tăng trưởng xuất khẩu của ngành này vào thị trường EU dự báo sẽ vượt trên 12%/năm trong năm đầu tiên và sẽ tăng trên dưới 10% vào những năm tiếp theo.
* Ông NGUYỄN ĐỨC THUẤN (chủ tịch Tập đoàn Thái Bình):
Phải cạnh tranh với doanh nghiệp FDI
EVFTA được ký kết vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với các DN Việt trước những DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành.
Chắc chắn các DN FDI sẽ tận dụng cơ hội này tốt hơn các DN Việt do đã có sự chuẩn bị kỹ càng, với sự đầu tư chuyên sâu nhờ tiềm lực về vốn cũng như hạ tầng sản xuất, hệ thống quản trị chuyên nghiệp...
Để không bị bỏ lại phía sau, các DN Việt phải "chạy" rất nhiều, cấp tốc cải tổ mô hình sản xuất mới có thể chia được "miếng bánh" xuất khẩu lên đến hơn 5 tỉ USD/năm khi EVFTA được thực thi.
Riêng với Tập đoàn Thái Bình, chúng tôi kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sang EU sẽ tăng trưởng từ 15-20% kể từ năm 2020 trở đi.
* Ông VŨ TIẾN LỘC (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN - VCCI):
Tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ
Việc ký kết EVFTA, không chỉ kim ngạch xuất khẩu của VN sang thị trường này được kỳ vọng sẽ tăng cao trong những năm tới mà thu hút đầu tư cũng có thể tăng lên gấp 2-3 lần hiện nay.
Tuy nhiên, các DN Việt cũng phải chủ động nhiều hơn, bởi không chỉ phải cạnh tranh khi ra thị trường thế giới mà còn phải cạnh tranh ngay chính sân nhà, ngay trên thị trường nội địa.
Trong khi đó, DN Việt chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Do vậy, để nâng cao năng lực cho DN cần có các hoạt động hỗ trợ, đào tạo, tư vấn, tiếp sức cho DN, đặc biệt là DN siêu nhỏ cần có chương trình hành động đồng bộ của Chính phủ và VCCI sẽ tham gia tích cực vào chương trình này.
Đặc biệt, cần tạo dựng tính liên kết giữa các DN lớn và DN nhỏ. Đến nay, FDI vẫn là ốc đảo, thiếu sự liên kết với DN vừa và nhỏ trong nước.
Đặc biệt, khoảng 70-80% trong số các DN được hỏi đều không biết và nắm được thông tin về các hiệp định CPTPP và EVFTA.
Điều đó cho thấy ngay cả thông tin, DN cũng chưa tiếp cận được, chưa biết và hiểu được các FTA này tồn tại. Đây là thách thức cần phải giải quyết.
* Ông ĐẶNG HOÀNG GIANG (phó chủ tịch, tổng thư ký Hiệp hội Điều VN - Vinacas):
Doanh nghiệp phải chủ động
EU là thị trường xuất khẩu nhân điều lớn nhất của VN, sau Mỹ, nên việc ký kết EVFTA sẽ đem lại thêm nhiều cơ hội cho ngành điều.
Dù các sản phẩm điều của VN xuất khẩu sang EU hiện không chịu mức thuế cao nhưng việc giảm thuế về 0% sẽ giúp các DN trong ngành này đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu sang EU.
Thị trường EU, đặc biệt là Đức và Hà Lan, vẫn là những thị trường quan trọng của hạt điều VN trong thời gian tới và nhu cầu về hạt điều tại các quốc gia này vẫn có xu hướng tăng.
Các DN trong nước cần tận dụng cơ hội của EVFTA cũng như chủ động tìm hiểu thông tin để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận