HLV Alen Stajcic cười và nói về điều này: “Với họ, thế là đã hết thời gian cho bóng đá trong ngày. Đây là lúc họ dành cho công việc riêng”.
Sau mỗi bữa ăn trưa, Kathryn Gill, một trong những ngôi sao hàng đầu của bóng đá nữ Úc, lại ngồi làm việc miệt mài bên laptop đến tận chiều. Tiền đạo cao nghều này là một minh chứng cho khả năng vừa đá bóng hay vừa học giỏi của các nữ sinh viên Úc. Cụ thể, bên cạnh 32 bàn thắng trong 65 lần khoác áo tuyển Úc, Kathryn Gill có hai tấm bằng đại học (một bằng cử nhân tâm lý học ở Đại học Edith Cowan và một bằng cử nhân kinh tế ở Đại học Mở của Úc). Hiện cô làm quản lý cho một quỹ tài trợ ở Úc.
Kathryn Gill chia sẻ: “Vì làm nghĩa vụ với đội tuyển nên tôi được nghỉ phép một số ngày. Dù vậy, việc phải thu xếp thời gian để vừa có thể đá bóng, vừa làm việc thật sự rất khó nên tôi tốt nghiệp đại học muộn đến mấy năm”.
Không chỉ Kathryn Gill, ở đội tuyển nữ Úc còn nhiều cầu thủ không toàn tâm toàn ý cho nghiệp “quần đùi áo số”. Chẳng hạn Stephanie Catley, hậu vệ trái 20 tuổi của tuyển Úc, sẽ chuẩn bị vào học ngành y ở Swinburne - đại học xếp trong top 400 trên thế giới - vào năm học tới.
Stephanie Catley cho biết: “Cha và anh tôi từng thi đấu bóng đá nên tôi cũng có đam mê với bóng đá ngay từ khi 6 tuổi, và luôn nỗ lực để được thi đấu trong màu áo đội tuyển Úc. Nhưng khi lớn lên tôi dần cảm thấy mình còn nhiều đam mê khác ở các ngành sinh học và vật lý. Do đó tôi quyết định sẽ theo đuổi cả hai con đường: cầu thủ chuyên nghiệp và trở thành giáo viên sinh học”.
HLV Stajcic cho biết trong số 23 cầu thủ ông mang đến VN, hơn phân nửa đã tốt nghiệp đại học hoặc đang học đại học. Phần lớn trong đó lại làm những ngành nghề chẳng liên quan gì đến bóng đá. Điều này khiến Giải vô địch bóng đá nữ của Úc (W-League) dù khá đẳng cấp nhưng chỉ hoạt động dưới hình thái bán chuyên nghiệp. Các CLB ở W-League chỉ tập luyện khoảng hai giờ mỗi ngày vào buổi sáng, thi đấu mỗi dịp cuối tuần và phần lớn thời gian còn lại cầu thủ đến trường học hoặc đi làm.
Tập luyện nhàn nhã như vậy nhưng tuyển nữ Úc vẫn chứng tỏ được sức mạnh của mình khi thường xuyên vượt qua vòng bảng ở World Cup và chỉ bị đánh giá kém hơn so với Mỹ, Đức hoặc Thụy Điển - những đội tuyển mạnh nhất của bóng đá nữ. HLV Stajcic giải thích: “Bóng đá nữ Úc phát triển nhờ vào thể thao học đường. Tuy mỗi ngày các nữ tuyển thủ Úc tập luyện với thời lượng rất ít nhưng họ lại tập đều đặn từ năm 6 tuổi”.
Bóng đá là một trong những môn thể thao phổ biến với hơn 100.000 phụ nữ chơi bóng ở Úc. Dù vậy, Úc chỉ có tám CLB chuyên nghiệp thi đấu ở W-League, còn lại phần đông cầu thủ có thể là sinh viên thi đấu cho các đội bóng của trường đại học hoặc các cầu thủ trong độ tuổi 8-15 thi đấu ở các CLB bóng đá dành cho học sinh. Những CLB này chủ yếu do trường học quản lý, tạo nên một thói quen tập luyện và thi đấu cho các học sinh từ nhỏ.
HLV Stajcic cho biết con gái 8 tuổi của ông hiện cũng đang thi đấu cho một CLB trẻ ở Sydney với thời lượng tập luyện ba buổi/tuần. Ông nói: “Nếu con gái tôi muốn trở thành một cầu thủ, nó cần làm quen với việc sắp xếp thời gian giữa việc chơi bóng và học hành một cách chuyên nghiệp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận