Snh viên cao đẳng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: T.H.
Bộ Lao động - thương binh và xã hội vừa công bố dự thảo thông tư về chương trình môn học tiếng Anh.
Theo đó môn học này trang bị cho người học các kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Anh cơ bản trong đời sống, học tập và hoạt động nghề nghiệp sau này. Đồng thời được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề đào tạo.
Tuy nhiên, cả nhà trường và người học đều cho rằng khó thực hiện.
Người học phải có đủ kiến thức, bốn kỹ năng
Theo dự thảo thông tư này, sau khi học xong môn học tiếng Anh, người học bậc cao đẳng đạt được trình độ năng lực ngoại ngữ bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cụ thể: phải sử dụng được các câu giao tiếp cơ bản; có thể nghe và xác định các thông tin gia đình, các hoạt động hàng ngày…
Về kỹ năng nói, phải biết tự giới thiệu bản thân, gia đình, nghề nghiệp, biết chỉ đường, giới thiệu sản phẩm công nghệ… Về đọc, phải đọc hiểu các bài đọc có liên quan đến nơi chốn, các món ăn thức uống phổ biến, kỳ nghỉ, cách chào đón năm mới ở các quốc gia, sự phát triển của công nghệ...
Về viết, phải biết viết câu và đoạn văn ngắn về các chủ đề có liên quan đến bản thân, sở thích, mô tả nhà ở, thức ăn và đồ uống, các lễ hội và dịp đặc biệt, sở thích…
Về năng lực tự chủ và trách nhiệm, người học phải nhận thức được tầm quan trọng, có trách nhiệm trong việc sử dụng tiếng Anh trong đời sống, học tập và nghề nghiệp, có thể làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong việc áp dụng tiếng Anh...
Theo dự thảo, nội dung môn học này gồm 12 bài học, mỗi bài 8 giờ học, gồm 4 giờ học lý thuyết và 4 giờ học thực hành. Bên cạnh đó, còn có 8 giờ ôn tập và kiểm tra gồm 3 giờ lý thuyết, 3 giờ thực hành và 2 giờ kiểm tra.
Thời gian thực hiện là 120 giờ trong đó lý thuyết 57 giờ; thực hành, thảo luận, bài tập 57 giờ và kiểm tra 6 giờ.
Cần lộ trình và chuẩn tiếng Anh theo từng ngành nghề
TS Lê Lâm - hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho rằng nếu chỉ áp dụng theo dự thảo trên sẽ khó về tính hiệu lực và hiệu quả.
"Trước đây các trường đã bắt buộc học tiếng Anh theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT, chuẩn đầu ra trình độ B hoặc A2. Tuy nhiên chưa có khảo sát đánh giá cụ thể năng lực của sinh viên, các kỹ năng chưa được kiểm chứng. Đối với các em tùy khối ngành sẽ có năng lực ngoại ngữ khác nên nếu bắt buộc như một năng lực để tốt nghiệp đi làm thì sẽ khác, mục tiêu khác", ông Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, nếu tổ chức đào tạo đảm bảo chất lượng và đạt được chuẩn như trên không phải là điều dễ dàng. Môi trường trường học và doanh nghiệp hiện nay cũng hiếm nơi có cơ hội cọ xát tiếng Anh. Nên tốt nhất là các trường xây dựng theo lộ trình và theo ngành nghề chuẩn tiếng Anh phù hợp.
ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng chuẩn này ổn nhưng chương trình sẽ khó áp dụng.
Theo ông, việc dạy tiếng Anh cho sinh viên là cần thiết ở cao đẳng. Hiện sinh viên yếu nhất là kỹ năng nghe do ở bậc dưới học sinh ở các tỉnh ít có cơ hội rèn luyện và để cải thiện cần nhiều thời gian. Trong khi chương trình đào tạo cao đẳng hiện nay thời gian thực hành nhiều, sinh viên ít tập trung học tiếng Anh.
"Ở trường chúng tôi sinh viên cao đẳng nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ khá nhiều. Theo tôi nên quy định ngoại ngữ là chuẩn đầu ra, về chương trình không nên quy định cứng mà để các trường mềm dẻo. Tùy theo năng lực người học, các trường sẽ xây dựng phương án cụ thể để tổ chức giảng dạy", ông Sơn kiến nghị.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM lại cho rằng quy định chuẩn đầu ra tiếng Anh là việc nên làm. Vấn đề làm sao để sinh viên đạt chuẩn này mới là việc cần bàn.
"Để sinh viên đạt chuẩn này trường tôi đã tăng giờ dạy lên (miễn phí), quy định giảng viên phải có chứng chỉ quốc tế mới được dạy. Thời đại này mà không biết tiếng Anh là không được. Các trường phải tự nâng cấp mình lên và dần nâng năng lực ngoại ngữ sinh viên trường mình lên", ông Lý nói.
Cần cải thiện chất lượng dạy tiếng Anh ở trường
Nhiều sinh viên cho rằng việc dự thảo trên quy định quá chi tiết các kỹ năng chỉ là hình thức và gây khó người học, trong khi việc quan trọng hơn là cần phải có giải pháp cụ thể và quy định về việc tổ chức giảng dạy môn tiếng Anh ở các trường lại không thấy.
Thái Hữu Hiền, sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết trong 3 năm học sinh viên trường này phải vượt qua 3 học phần tiếng Anh và có chứng chỉ tiếng Anh trình độ B mới đủ chuẩn tốt nghiệp.
Tuy nhiên, Hiền thú nhận: "Tôi và nhiều bạn chủ yếu chỉ học cho qua môn. Các học phần tiếng dạy ở trường không chú trọng khả năng giao tiếp mà chủ yếu là viết, văn phạm. Vốn tiếng Anh học ở trường chỉ để đọc và hiểu những từ vựng thông dụng, ra đi làm không sử dụng được".
Còn P.V, sinh viên năm cuối Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II, cho biết trong 3 năm học, sinh viên chỉ cần một lần vượt qua kỳ thi tiếng Anh do trường tổ chức để đủ điều kiện tốt nghiệp. "Năm nhất tôi đã đăng ký học nhưng chỉ được vài buổi học khá chán, tôi bỏ học luôn. Tôi nghĩ cải thiện việc dạy tiếng Anh ở trường là việc cần thiết nhất", V. nói.
Trong khi B.D.H, sinh viên năm 3 Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho rằng cần quy định cụ thể chuẩn đầu ra ngoại ngữ phù hợp cho từng ngành học bậc cao đẳng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận