"Trên cương vị là Chủ tịch nước, tôi sẽ đồng hành với chính quyền TP.HCM, chung tay với Chính phủ, các bộ ngành nhằm thúc đẩy các chính sách tạo điều kiện tốt nhất để TP.HCM phát huy được vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước."

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ. Trong cuộc trao đổi, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh vai trò "anh Hai Nam Bộ", vị trí đầu tàu của TP.HCM. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá chiếc áo thể chế chung áp dụng cho cả nước là không vừa đối với TP.HCM.

Và phần lớn thời gian trong cuộc trả lời phỏng vấn với Tuổi Trẻ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dành để nói về việc tháo gỡ nút thắt để TP.HCM phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Biến truyền thống hào hùng thành sức mạnh phát triển - Ảnh 1.

* Trong chương trình hành động, Chủ tịch nước đặt mục tiêu "đưa TP.HCM thành hình mẫu của cả nước". Cam kết, kỳ vọng này sẽ được ông thực hiện ra sao trên vai trò Chủ tịch nước và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM khi trúng cử?  

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Biến truyền thống hào hùng thành sức mạnh phát triển - Ảnh 2.

- TP.HCM từ lâu đã là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục của cả nước. Đến nay, vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước tiếp tục được khẳng định bằng việc đóng góp hơn 1/5 GDP và gần 30% ngân sách cả nước. Trong khu vực và thế giới, TP.HCM cũng đang dần định hình mình thành một trung tâm kinh tế và tài chính, tiếp tục giữ vững vai trò "Anh Hai Nam Bộ" đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ĐBSCL cũng như cả nước. Đồng thời, trong bối cảnh dịch bệnh như vừa qua, TP đã thực hiện khá tốt "mục tiêu kép", duy trì hoạt động kinh tế và đời sống xã hội trong điều kiện bình thường mới.

Tuy nhiên, cũng do vai trò là một siêu đô thị đặc biệt của cả nước nên ở một số lĩnh vực, chiếc áo thể chế chung áp dụng cho cả nước là không vừa đối với TP.HCM. Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ cũng như cả hệ thống chính trị đều nhận thấy bản thân TP.HCM đang gặp nhiều nút thắt trong phát triển và thực tiễn cũng đã ban hành một số nghị quyết giúp tạo ra sự đột phá cho TP.HCM, song hiện vẫn còn nhiều khó khăn và công việc phải làm.

Trên cương vị là Chủ tịch nước, là ĐBQH, tôi sẽ nỗ lực cùng với Đoàn ĐBQH TP.HCM thúc đẩy cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là hệ thống pháp luật, trong đó có sửa đổi Luật đất đai, bảo vệ tài sản đầu tư, quyền và cơ hội kinh doanh của người dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, hiệu quả, khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh, tìm kiếm giải pháp, cơ chế đột phá để phát triển TP.HCM.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Biến truyền thống hào hùng thành sức mạnh phát triển - Ảnh 3.

Thúc đẩy việc trao cơ hội để mọi người dân làm chủ kinh tế, "đặt người dân vào vị trí trung tâm" tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển TP; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước; thực hành nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát" và "dân thụ hưởng" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ của TP.HCM.

* Nhiệm kỳ trước, khi là Thủ tướng Chính phủ, ông đã có rất nhiều chuyến công tác tại TP.HCM để tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, các dự án đầu tư công… Chủ tịch nước sẽ tiếp nối sự quan tâm, chỉ đạo các vấn đề này của TP.HCM như thế nào trên cương vị mới?

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Biến truyền thống hào hùng thành sức mạnh phát triển - Ảnh 4.

- Trong nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã ban hành nghị định 48 và cũng đã trình Quốc hội thông qua cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM, nay cần sơ kết và tìm ra các bất cập trong thiết kế cơ chế, chính sách và trong quá trình thực hiện. Trên cương vị là Chủ tịch nước, tôi sẽ đồng hành cùng chính quyền TP.HCM, chung tay với Chính phủ, các bộ ngành nhằm thúc đẩy các chính sách tạo điều kiện tốt nhất để TP phát huy được vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, mà trước hết là những trở ngại đang cản trở vai trò đó của TP.

Chúng tôi sẽ cùng với Đoàn ĐBQH TP.HCM thúc đẩy các chương trình phát triển ưu tiên của TP, trong đó có việc tháo gỡ những nút thắt phát triển, triển khai đồng bộ các giải pháp bằng nhiều nguồn lực khác nhau, từ ngân sách nhà nước đến khơi dậy tinh thần và nguồn lực đầu tư tư nhân. Tôi tin tưởng TP.HCM nói chung, đặc biệt là hai huyện Hóc Môn và Củ Chi sẽ có bước phát triển mạnh mẽ ngay trong nhiệm kỳ này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Biến truyền thống hào hùng thành sức mạnh phát triển - Ảnh 5.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Biến truyền thống hào hùng thành sức mạnh phát triển - Ảnh 6.

* Chủ tịch nước đã dành rất nhiều thời gian để tiếp xúc cử tri tại Củ Chi và Hóc Môn, Chủ tịch nước có thể cho biết một số định hướng có tính đột phá để thúc đẩy phát triển của hai huyện trong thời gian tới?  

- Hai huyện Củ Chi và Hóc Môn có diện tích tự nhiên gần 550 km2, bằng diện tích của các quận trung tâm và TP Thủ Đức cộng lại, tổng dân số trên 1 triệu người, gần bằng dân số trung bình một tỉnh của Việt Nam. Củ Chi và Hóc Môn cũng là hai cái nôi của cách mạng TP.HCM. Đây sẽ là một cực tăng trưởng mới của TP.HCM về phía tây bắc, với nhiều lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao, dịch vụ chất lượng cao và nông nghiệp công nghệ cao.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Biến truyền thống hào hùng thành sức mạnh phát triển - Ảnh 7.

Trên cơ sở định hướng chiến lược nêu trên, TP.HCM cần ưu tiên thực hiện một số chính sách căn cơ cả trước mắt lẫn lâu dài như sau:

Thứ nhất, nhanh chóng đầu tư các tuyến giao thông có tính huyết mạch kết nối như cao tốc từ An Sương đi Mộc Bài; hoàn thành đường vành đai 3 để sớm nối kết Hóc Môn - Củ Chi với phía đông TP.HCM và Đồng Nai; đường vành đai 4 để nối kết với vùng TP.HCM; tuyến đường ven sông Sài Gòn nối với khu vực nội thành; kết nối giao thông giữa huyện Củ Chi, Hóc Môn với trung tâm TP; kết nối Củ Chi, Hóc Môn với hệ thống sân bay quốc tế và cảng biển để kết nối với thị trường thế giới...

Thứ hai, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giảm thủ tục hành chính và đào tạo, sử dụng lao động chất lượng cao. Đặc biệt cần có chính sách thu hút và đãi ngộ tài năng, hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong tất cả các ngành kinh tế theo hướng tăng năng suất và hiệu quả. Về mặt thực tiễn, TP.HCM phải là một trong những địa phương đi đầu cả nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thứ ba, thúc đẩy tiến độ xây dựng khu đô thị Tây Bắc làm hạt nhân một cách tổng thể theo hướng "sinh thái, thông minh và bền vững", tạo ra một cực tăng trưởng kinh tế phía tây bắc, phù hợp với định hướng phát triển vùng TP.HCM, nhất là các tỉnh phía tây bắc TP.HCM như Long An, Tây Ninh. Tạo ra sức lan tỏa kinh tế, nhất là dịch vụ đô thị, bố trí lại dân cư theo cụm, đầu tư phát triển hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện và kiểm soát chất lượng môi trường.

Thứ tư, nghiên cứu mở rộng một số khu công nghiệp, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường; phát triển các mô hình công nghiệp bền vững gắn với các liên kết cụm ngành và đô thị hóa nhằm tạo động lực tăng trưởng mới và việc làm có thu nhập ngày càng cao và ổn định.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Biến truyền thống hào hùng thành sức mạnh phát triển - Ảnh 8.

Thứ năm, bên cạnh các chính sách về kinh tế, chúng ta cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các vấn đề đời sống dân sinh, luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách phúc lợi và bảo trợ xã hội, chăm lo cho người có công, gia đình chính sách, người già, người tàn tật cũng như các đối tượng yếu thế trong xã hội, "không để ai bị bỏ lại phía sau của sự phát triển".

* Củ Chi và Hóc Môn là hai huyện có truyền thống cách mạng hào hùng, từng là căn cứ địa cách mạng của cả hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước nhưng đời sống của người dân còn khó khăn, còn tụt hậu cả về trình độ phát triển và mức sống đối với những quận trung tâm. Chủ tịch nước có suy nghĩ gì về điều này?

- Do điều kiện lịch sử và bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh nên Củ Chi và Hóc Môn chưa theo kịp phát triển của các quận gần trung tâm TP.HCM. Đây là một thực tế mà tất cả chúng ta, cả trung ương và địa phương phải nỗ lực nhiều hơn, quan tâm hơn, dành nguồn lực lớn hơn cho vùng đất này.

Chúng ta cần biến truyền thống cách mạng hào hùng, niềm tự hào lịch sử thành sức mạnh vật chất, là vốn xã hội cho sự phát triển của chúng ta.

Bên cạnh việc chú trọng các giải pháp chiến lược thúc đẩy Hóc Môn và Củ Chi như thúc đẩy phát triển đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, chúng ta cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các vấn đề đời sống dân sinh, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân, tạo môi trường sống (bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội) trong sạch, lành mạnh; kiểm soát tội phạm, nhất là tội phạm trong giới trẻ, định hướng giá trị, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, phát huy tinh thần tôn sư trọng đạo, kiến tạo môi trường văn hóa bản sắc và tiến bộ cho người dân.

Phấn đấu để người dân không chỉ có thu nhập cao hơn, việc làm ổn định hơn mà chất lượng cuộc sống của người dân ở khía cạnh văn hóa, tinh thần và môi trường sống cũng được nâng lên. Đặc biệt quan tâm đến những gia đình có công, gia đình chính sách và người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Biến truyền thống hào hùng thành sức mạnh phát triển - Ảnh 9.

VIỄN SỰ - TIẾN LONG
TỰ TRUNG - QUANG ĐỊNH - T.T.D - NGUYỄN KHÁNH
HẢI PHI
BẢO SUZU
21-5-2021
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0