31/05/2018 14:02 GMT+7

Chủ tịch nước: 'Cánh cửa luôn mở rộng chào đón doanh nghiệp Nhật'

K.HƯNG
K.HƯNG

TTO - Cánh cửa luôn mở rộng chào đón các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản tại Việt Nam. Việt Nam tin tưởng các doanh nghiệp Nhật viết tiếp những câu chuyện thành công trong tương lai.

Chủ tịch nước: Cánh cửa luôn mở rộng chào đón doanh nghiệp Nhật - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) chiều 31-5 - Ảnh: K.HƯNG

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nói như vậy tại hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản, chiều 31-5. Hội nghị có sự tham dự của hàng trăm nhà đầu tư hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Đánh giá về hội nghị, Chủ tịch Trần Đại Quang cho rằng đây là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng nhìn lại kết quả đầu tư đã đạt được và chia sẻ tầm nhìn, triển vọng, cơ hội hợp tác phát triển trong trong giai đoạn mới.

Cầu nối đầu tư Việt - Nhật

Chủ tịch Trần Đại Quang nhắc lại lịch sử cách đây hơn 400 năm, thời điểm quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có giai đoạn phát triển sôi động với hàng nghìn thương nhân Nhật Bản tới Hội An, hình thành khu phố thương mại sầm uất.

Trong khi đó, hiện nay, nhiều thế hệ người Việt Nam học tập, làm việc tại Nhật Bản cũng đang có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Theo Chủ tịch nước, đây là cầu nối liên kết hợp tác đầu tư, giao lưu kinh tế giữa hai hai nước.

Chủ tịch nước cho biết Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất của Việt Nam với hơn 30 tỉ USD cam kết, đã góp phần quan trọng vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, xóa đói giảm nghèo...

"Các công trình và dự án được xây dựng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản đi vào hoạt động có hiệu quả trên khắp các vùng miền của Việt Nam, điển hình là nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, cảng biển quốc tế Lạch Huyện, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương", Chủ tịch nước dẫn chứng.

Về đầu tư, Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam với trên 3.700 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký trên 50 tỉ USD. Riêng năm 2017, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức kỷ lục, gần 10 tỉ USD, đưa Nhật Bản trở lại vị thế là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam.

Chủ tịch nước đánh giá: "Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có các tập đoàn hàng đầu, không chỉ tiên phong trong hợp tác đầu tư mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đi vào thực chất, hiệu quả hơn".

Nhiều tập đoàn quốc tế hàng đầu đang đầu tư kinh doanh có hiệu quả và trở thành bộ phận cấu thành quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của VN.

Chủ tịch nước TRẦN ĐẠI QUANG

Thời cơ cho doanh nghiệp Nhật

Chủ tịch Trần Đại Quang cho biết Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động với GDP đạt khoảng 230 tỉ USD, quy mô thương mại đạt trên 420 tỉ USD. Việt Nam là một thị trường có sức mua tăng trưởng nhanh, là nền kinh tế mở, đang tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết.

Chủ tịch nước: Cánh cửa luôn mở rộng chào đón doanh nghiệp Nhật - Ảnh 3.

Chủ tịch Trần Đại Quang (giữa, phải) tiếp Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản trước khi diễn ra hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Ảnh: K.HƯNG

"Chúng tôi đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7%/năm đến năm 2020, quy mô GDP đạt 320 - 350 tỉ USD và GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD", Chủ tịch Trần Đại Quang thông tin với các doanh nghiệp Nhật.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chủ tịch Trần Đại Quang cho biết Việt Nam đang triển khai đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và đổi mới, sáng tạo, chủ động tiếp cận nhằm tận dụng mọi cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế tri thức, kết hợp hài hòa khu vực kinh tế trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới phát triển bền vững.

"Hướng tới mục tiêu xây dựng quốc gia công nghiệp hiện địa, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn để phát triển kết cấu hạ tầng, năng lượng hiện địa, đồng bộ kết cấu hệ thống giáo dục tiên tiến.

Đây là những lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh, là thời cơ quý báu để doanh nghiệp Nhật Bản nắm bắt mở rộng hợp tác đầu tư tại Việt Nam, nhất là những lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiện đại, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ, hạ tầng, tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", Chủ tịch Trần Đại Quang nói.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Nhật Bản dựa trên sự chia sẻ lợi ích địa chính trị kinh tế chiến lược, quan hệ hữu nghị tin cậy đã được vun đắp.

Chủ tịch nước TRẦN ĐẠI QUANG

Chủ tịch nước cho biết Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư giữa hai nước, luôn coi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chủ tịch nước cũng khẳng định Nhà nước Việt Nam cam kết tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ quốc tế trong giai đoạn phát triển mới.

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chứng kiến lễ trao chứng nhận đầu tư và các biên bản ghi nhớ giữa các cơ quan, doanh nghiệp hai nước.

Trong đó, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc và UBND TP Hà Nội trao giấy phép đầu tư dự án trị giá 200 triệu USD cho Tập đoàn NIDEC.

UBND TP Hải Phòng trao giấy phép đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại trị giá 200 triệu USD cho Tập đoàn AEON.

UBND tỉnh Quảng Trị và Tập đoàn ISE trao đổi 2 biên bản ghi nhớ về phát triển nhà máy điện mặt trời và phát triển trang trại gà đẻ trứng tại Quảng Trị.

Về phía các doanh nghiệp, Tập đoàn T&T và tập đoàn Hitachi Zosen trao đổi biên bản ghi nhớ về dự án phát triển điện tử chất thải tại khu xử lý chất thải rắn Cầu Diễn và Xuân Sơn (Hà Nội), trị giá 300 triệu USD.

Công ty Hinokiya trao bản cam kết đầu tư cho Công ty cổ phần TWGroup phát triển dự án khu đô thị Nhật Bản trị giá 60 triệu USD tại quận Bình Chánh, TP HCM.

Công ty cổ phần Vietjet và 3 đối tác Nhật Bản trao đổi thỏa thuận hợp tác cung cấp tài chính tàu bay trị giá 591,5 triệu USD.

trao hop tac

Đại diện Hãng hàng không Vietjet nhận giấy phép vận chuyển hàng không từ Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản - Ảnh: K.HƯNG

Cũng tại hội nghị, Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản trao giấy phép vận chuyển hàng không cho Hãng hàng không Vietjet. Theo đó, Vietjet sẽ chính thức khai thác đường bay kết nối Hà Nội với Osaka (Nhật Bản) từ ngày 8-11-2018.

Đường bay Hà Nội - Osaka dự kiến sẽ được khai thác khứ hồi hằng ngày với thời gian bay mỗi chặng hơn 4 giờ bằng loại máy bay A320 mới và hiện đại.

K.HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên