17/12/2018 10:41 GMT+7

Chống biến đổi khí hậu: Nước lớn cần tăng trách nhiệm

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Gần 200 quốc gia đạt tiếng nói chung về cơ chế hướng dẫn quy định chung, được xây dựng để hiện thực hóa các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề, như hỗ trợ các nước nghèo cắt giảm khí thải, chưa được giải quyết.

Chống biến đổi khí hậu: Nước lớn cần tăng trách nhiệm - Ảnh 1.

Người tham gia chiến dịch toàn cầu đấu tranh về vấn đề Trái đất ấm lên giơ cao khẩu hiệu “Quý vị đứng về phía nào?” tại phiên tổng kết của Hội nghị COP24 2018 ở Katowice, Ba Lan ngày 14-12 - Ảnh: Reuters

Chúng ta đã không hành động bằng thiện chí, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Cần nghiêm túc nhìn nhận những gì khoa học đã chỉ ra và chúng ta có trách nhiệm với điều này.

MOHAMED ADOW của Tổ chức Christian Aid phát biểu về kết quả của hội nghị

Diễn ra từ ngày 2 đến 14-12, Hội nghị khí hậu (gọi tắt là COP 24) tại Katowice, Ba Lan có sứ mạng khai thông các bế tắc trong việc thực thi Thỏa thuận Paris 2015, có hiệu lực vào năm 2020 bằng cách hoàn tất các chương trình làm việc đã soạn thảo.

Nghẹt thở phút cuối

Sau 2 tuần hội nghị liên tục, đến đêm 14 rạng sáng 15-12 (giờ địa phương), các bộ trưởng đến từ 196 quốc gia đã kiệt sức vẫn không ngừng nỗ lực thương lượng để cứu vãn COP 24 có nguy cơ đổ vỡ.

Đến sáng 15-12, một bộ quy tắc gần hoàn chỉnh dài 156 trang đã được đưa ra.

Chủ tịch hội nghị, Thứ trưởng Bộ Môi trường Michal Kurtyka của Ba Lan, cho biết: "Không dễ đạt đồng thuận về một vấn đề rất cụ thể và kỹ thuật. Chúng ta đã thực hiện một ngàn bước nhỏ về phía trước cùng nhau và có thể cảm thấy tự hào về điều này".

Theo đó, từ năm 2020, hai năm một lần, các quốc gia sẽ phải báo cáo minh bạch về kết quả chương trình cắt giảm và hành động chống lại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu cho ban thư ký Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc để phân tích và thẩm định. 

Các quốc gia ít phát triển hơn và các đảo quốc nhỏ có thể yêu cầu một thời hạn bổ sung để nâng cao năng lực và huy động tài chính cho mục tiêu này. Năm năm một lần, các quốc gia có thể điều chỉnh và nâng các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.

Liên quan đến các thiệt hại do biến đổi khí hậu, các quốc gia công nghiệp hóa không bảo đảm trách nhiệm pháp lý của mình, đã đồng ý ghi điều này vào phần chú thích, cam kết đóng góp tài chính cho các nước đang phát triển để thực hiện kế hoạch giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và đổi sang năng lượng sạch.

Chưa đủ mạnh

Nghị quyết dài 8 trang về khung hành động của COP 24 bị đại diện một số nước và các nhóm môi trường cho là thất bại trong việc kêu gọi nâng các mục tiêu có tính tham vọng về cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, nhằm kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ của Trái đất.

Vẫn còn các tồn tại như việc các nước nghèo dễ tổn thương bởi biến đổi khí hậu muốn hiểu rõ hơn về cách triển khai nguồn quỹ 100 tỉ USD/năm chống biến đổi khí hậu đến năm 2020. 

Với các nước có vị trí thấp so với mực nước biển và các đảo bị đe dọa bởi nguy cơ nước biển dâng, đồng thuận tại COP 24 không đủ mạnh nhưng họ miễn cưỡng chấp nhận để đổi lấy các điều kiện khác. 

Các bộ trưởng cũng thống nhất chuyện bất đồng về vấn đề cơ chế mua bán quota khí gây hiệu ứng nhà kính, do Brazil dẫn đầu nhóm phản đối, sẽ được thảo luận vào hội nghị COP 25 năm sau, diễn ra tại Chile.

Bộ trưởng môi trường của Grenada là ông Simon Stiell trả lời Hãng thông tấn Reuters: "Những nước lớn cần đẩy mạnh trách nhiệm của họ và những gì cần thiết để thực sự thực hiện Thỏa thuận Paris".

Hội nghị COP 24 diễn ra trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng, tranh cãi giữa các nước về cách tính lượng khí thải, tính minh bạch của báo cáo, cam kết hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, vấn đề công nhận hay không công nhận của một số nước (Mỹ, Saudi Arabia, Nga…) với báo cáo mới của IPCC về biến đổi khí hậu, cơ chế mua bán quota khí gây hiệu ứng nhà kính.

Điểm sáng của COP 24 là các quốc gia và vùng lãnh thổ đã cho thấy đoàn kết trong các vấn đề chung được cụ thể hóa trong Thỏa thuận Paris và tiếp tục khẳng định cam kết đối với mục tiêu hành động chống biến đổi khí hậu.

Theo thông tin từ ban truyền thông của COP 24 cho Tuổi Trẻ, các nước phát triển đã thông báo về các khoản đóng góp bổ sung cho 3 quỹ: Quỹ Green Climate (thêm 2 tỉ USD - hiện có 10,3 tỉ USD), Quỹ thích ứng - Adaptation Fund (thêm 129 triệu USD - hiện có 538 triệu USD) và Quỹ dành cho các nước kém phát triển Least Developed Countries (thêm 28,2 triệu USD - hiện có 1,33 tỉ USD).
HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên