05/09/2018 10:52 GMT+7

Chơi đồ cổ như một sứ mệnh

THẢO THƯƠNG thực hiện
THẢO THƯƠNG thực hiện

TTO - Hơn 20 năm chơi đồ cổ, ông Lâm Dũ Xênh (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được biết đến là người gìn giữ những giá trị văn hóa quê hương, đặc biệt là văn hóa Sa Huỳnh và gốm Mỹ Thiện.

Chơi đồ cổ như một sứ mệnh - Ảnh 1.

Ông Lâm Dũ Xênh bên tấm cửa còn lại sau chiến tranh ở Lý Sơn sưu tập được và sử dụng làm gian cửa chính trong ngôi nhà kiến trúc cổ Hội An với 250 cánh cửa cổ

Tuổi Trẻ trò chuyện với ông Lâm Dũ Xênh, 58 tuổi, người Việt gốc Hoa, về hành trình đi từ những cơ duyên bất chợt đến con đường giữ gìn những cổ vật có giá trị của xứ sở.

Tôi đặc biệt chú trọng những gì thuộc về quê hương, biển đảo, những mảnh tàu vỡ, di tích Hoàng Sa, Trường Sa. Văn hóa Sa Huỳnh hơn 1.000 năm tuổi ngay trên quê hương Quảng Ngãi nên tôi ưu tiên hàng đầu tìm kiếm, gìn giữ.

Ông LÂM DŨ XÊNH 

Văn hóa quê hương một mảnh cũng không rời

* Cơ duyên nào đưa ông đến với con đường sưu tầm và gìn giữ cổ vật?

- Bắt đầu từ vô tình bất chợt cách đây hơn 20 năm, ở quê có một người làm nhà, đào lên được hũ tiền cổ. Khi đó, ở quê ít người biết tiếng Hoa, ba mẹ tôi gốc gác là người Hoa nên họ tìm đến và hỏi vui có mua không. Khi đó tôi quyết định mua cũng cho vui với giá rất... phế liệu, chỉ để làm kỷ niệm hoài cổ.

Một hôm tôi đập hũ tiền và thấy ở mỗi đồng tiền xu có nhiều niên hiệu triều đại xưa, tôi nảy ra ý nghĩ giữ nó lại và nghiên cứu. Mà muốn nghiên cứu thì phải học chứ không thể dựa trên vốn tiếng Hán mình biết kiểu giao tiếp thông thường được. 

Tôi tìm đến nhiều anh em chơi đồ cổ, càng tìm hiểu càng thấy được giá trị văn hóa, lịch sử của từng cổ vật, từng đồng tiền cổ, rồi tôi càng thấy mê thích. Cũng bắt đầu từ đó, các anh em đi trước về sưu tầm đồ cổ giới thiệu các giáo sư, tiến sĩ, nhà khảo cổ để tôi giao lưu học hỏi. Từ đó, tôi đã mê và nhập cuộc chơi cho đến tận bây giờ.

* Rồi ông bắt đầu con đường đi của mình ra sao và sưu tầm đồ cổ bằng cách nào?

- Đa số cổ vật là chữ Hán, khắc in trên đó là những bài thơ, câu đối, liễn, hoành, phi..., chữ nghĩa và dụng ý rất sâu sắc. 

Đã biết vốn ít chữ Hán, một phần ba mẹ cũng muốn tôi vững tiếng Hoa để thừa kế tiệm thuốc bắc gia truyền ba đời, cộng với suy nghĩ phải thật rành chữ Hán, tôi quyết định ra Đà Nẵng học tiếp tiếng Hoa ở Trường Thọ Nhơn. Tôi học gần 8 năm, sau đó về lại Quảng Ngãi, đứng cửa hàng thuốc mà gia đình để lại.

Khi đó điều kiện kinh tế không nhiều, ngày bốc thuốc, ban đêm cùng người bạn chạy xe ôm dạo ở các nơi bán phế liệu. Tôi nhớ khi đó tiền cổ có thể cân ký bán đồng nát. Khi đã chơi được, tôi nhập hội với anh em, chúng tôi gọi vui là hội... "đồng nghiện"!

* Sưu tầm đồ cổ là một thú vui, một đam mê, nhưng chắc chắn cũng gặp khó khăn. Với ông, ông gặp những khó khăn nào?

- Người ta hay nói "Có thực mới vực được đạo", những ngày đầu đứng cửa hàng thuốc lãi đâu bao nhiêu, phải lo cho vợ con. Tôi phải vượt trên tất cả, ý chí, đam mê để cân bằng. Có lúc cũng khổ tâm lắm, như đang rỗng túi thì người ta lại mang bán một vật quý. May xung quanh nhà là tiệm vàng, tôi làm liều sang vay "nóng" rồi buôn bán gói ghém trả dần. 

Nhưng khó khăn nhất là tôi bị họ lừa, vì mình không hiểu được giá trị văn hóa của món đồ ấy. Vì mê quá mà nghe người ta "hát", thế là mua ngay... quả đắng! Nên đó là lý do để tôi phải đi học, học bạn bè "đồng nghiện", học các giáo sư, các nhà khảo cổ...

* Quan điểm chơi đồ cổ của ông như thế nào?

- Tôi đặc biệt chú trọng những gì thuộc về quê hương, biển đảo, những mảnh vỡ chìm tàu, di tích Hoàng Sa, Trường Sa. Ở Việt Nam có bốn nền văn hóa: Đông Sơn, Chăm Pa, Óc Eo và Sa Huỳnh. 

Văn hóa Sa Huỳnh hơn 1.000 năm tuổi ngay trên quê hương Quảng Ngãi nên tôi ưu tiên hàng đầu cả về tìm kiếm lẫn gìn giữ. Và cũng ngay tại mảnh đất tôi đang ngồi đây, có gốm Mỹ Thiện nổi tiếng về làm thủ công, nung bằng củi, đất tại địa phương nhưng lên men mài vàng hoàng đế rất đẹp. Rất tiếc gốm Mỹ Thiện đang bị mai một.

Vì vậy tôi chơi cổ vật theo đam mê, nhưng trên hết vẫn là để gìn giữ hồn cho quê hương, dân tộc. Với những gì liên quan đến bản địa, văn hóa quê hương, một mảnh tôi cũng không rời!

Chữ tâm đặt hàng đầu

* Có mua thì sẽ có bán, ông có bán số cổ vật mình đã dày công sưu tầm hay không, nếu món đồ đó được trả với giá cao?

- Đúng là có mua thì cũng có người tìm đến tôi ngỏ ý bán cho họ. Có những món đồ họ trả với mức giá tôi cũng không dám mơ. Có lần tôi nghĩ hay mình bán đi để nuôi tiếp, nhưng lại nghĩ bán thì còn gì? Vì quan điểm sưu tầm đồ cổ của mình là để duy trì và bảo tồn, không phải để có lời và làm giàu. Vì sưu tầm góp nhặt đồ xưa cũ đã thấm trong máu mình rồi, vì vậy tôi dứt khoát không bán. Tôi đi trao đổi với anh em khác thì được.

Tôi quyết gìn giữ giá trị văn hóa lịch sử qua cổ vật bằng cách xây một tổ hợp gồm bốn nhà lưu giữ trên diện tích 500m2. Đó là nhà lưu giữ gốm Mỹ Thiện; nhà theo kiến trúc cổ Hội An, một ngôi nhà có gác và làm bằng 250 cánh cửa cổ; nhà lưu giữ cổ vật Lý Sơn và nhà tưởng niệm Nishimura Masanari - một người Nhật có nhiều đóng góp cho khảo cổ học VN. Chắt lọc hơn 20 năm qua, nơi đây có thể nói là cả cuộc đời của tôi.

* Ngoài những khu nhà cổ lưu giữ cổ vật, ông còn lưu giữ bằng cách nào để bảo tồn lâu dài?

- Cách lưu giữ đơn giản nhất, lưu giữ mãi mãi là... trao tặng cho bảo tàng. Vì văn hóa là của cộng đồng chung, mặc dù sở thích đam mê công sức bỏ ra là cho riêng mình, không ai ép buộc nhưng nên đưa về cho cộng đồng, cho bảo tàng. Nơi đây sẽ giữ lâu hơn mình, mai này tôi mất đi thì con cháu có lưu giữ chắc chắn cũng sẽ bị mai một. Tôi giao lưu và tặng nhiều cổ vật cho rất nhiều bảo tàng, hơn 20 bảo tàng từ Bắc vào Nam.

* Điều khó nhất và cần nhất đối với một người chơi cổ vật, một người gìn giữ giá trị văn hóa là gì, thưa ông?

- Cái khó nhất của người chơi, người sưu tầm cổ vật đích thực là phải hiểu được cổ vật ấy. Triết lý của người chơi xưa giờ là mình phải hiểu nó nói gì với mình chứ đừng nghĩ mình nên nói gì về nó. 

Ví dụ như tôi đang cầm cổ vật này (mảnh vỡ con tàu bị đắm) thì tôi đang hiểu là giá trị nằm ở những thời khắc của con tàu ra khơi, không may bị đắm, con tàu có thể là hàng nghìn năm lịch sử nhưng mảnh vỡ còn sót lại nằm ở giá trị của lịch sử ra khơi, vươn xa của dân tộc ta. Nhìn vào đó để nhớ về, để tự hào, để quý trọng mà người sưu tầm đã có nó trong tay phải gìn giữ.

Và điều cần nhất là cái tâm. Đồ cổ cũng còn triết lý là ba chữ "T": Tâm - Tầm - Tiền. Chữ "Tiền" đặt sau cùng, "Tâm" đặt hàng đầu. Tức là người sưu tầm cổ vật phải biết ứng xử với vật vô tri vô giác như thế nào thì nó mới về với mình được.

* Cả một đời đam mê, gắn bó với cổ vật. Niềm vui, sự hài lòng nhất của ông bây giờ là điều gì?

- Niềm vui của tôi là từ chỗ vô tình theo mê thích sưu tầm đồ cổ, đến chỗ đã giúp lưu giữ bảo tồn nét văn hóa dân tộc qua hơn 20 năm góp nhặt. Nhưng vui nhất hiện tại vẫn là giữ gìn được truyền thống văn hóa của chính quê hương mình với làng gốm Mỹ Thiện (khu phố 2, thị trấn Châu Ổ). 

Tôi đã lưu giữ sản phẩm của gốm Mỹ Thiện tại nhà lưu trữ của mình, giữ lại làng truyền thống tại đây. Tôi đến với con đường này như có ai vô hình dẫn dắt, tôi cảm thấy như mình có một sứ mệnh, có nhiệm vụ gìn giữ, buộc phải gìn giữ cổ vật.

Gìn giữ lò gốm Mỹ Thiện cuối cùng

ảnh 599 3(read-only)

Ông Đặng Văn Trịnh - người được ông Xênh giúp đỡ để duy trì làng gốm Mỹ Thiện - Ảnh: T.THƯƠNG

Mỹ Thiện xưa kia nổi tiếng làm gốm với men sứ đẹp tự nhiên. Nói đến gốm Mỹ Thiện là nói đến những sản phẩm có rồng mắt to, đế thì khắc chân con voi. Tuy nhiên, thời gian làm 60 lò gốm Mỹ Thiện mai một, chỉ còn lại duy nhất lò gốm của gia đình ông Đặng Văn Trịnh, đó là nhờ công lao của ông Lâm Dũ Xênh.

"Năm 2009 cơn bão số 9 càn quét, lò gốm nhà tôi sập và tiêu tan. Khi đó cũng kiệt sức lắm rồi, tôi tính đến chuyện khép lại nghề truyền thống, buôn bán nghề khác mưu sinh. May là nhờ ông Lâm Dũ Xênh ra tay kêu gọi đóng góp để tôi gầy dựng lại cơ ngơi như thế này. Ông còn giới thiệu những nơi khác đặt sản phẩm, làm đầu ra cho lò gốm. Bây giờ nói đến lò gốm Mỹ Thiện thì còn lò gốm duy nhất và cuối cùng là đây" - ông Trịnh cho biết.

Ông NGUYỄN ĐĂNG VŨ (nguyên giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng):

Như một bảo tàng tổng hợp

4c0ecfc4

Anh Lâm Dũ Xênh không phải người giàu có, anh trao đổi, góp nhặt cổ vật dần mỗi ngày và chủ yếu là giữ gìn và phát huy. Cổ vật của anh toàn những vật có từ thời tiền sử. Đặc biệt là anh mang cổ vật đến nhiều nơi trưng bày, sau đó hiến tặng luôn.

Anh Xênh có công rất lớn trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa quê hương, nhất là làng gốm Mỹ Thiện. Nhờ sự lưu giữ, quảng bá, phát huy mà lò gốm còn tận bây giờ. Nói chung, anh như một bảo tàng tổng hợp.

THẢO THƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên