21/03/2013 08:13 GMT+7

Khiếu kiện nhiều lần phải đặt cọc?

L.KIÊN - T.LỤA - M.QUANG
L.KIÊN - T.LỤA - M.QUANG

TT - Ông Phan Xuân Dũng - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã đề xuất buộc người khiếu kiện đã được giải quyết nhưng tiếp tục khiếu kiện phải nộp khoản tiền, nếu thắng thì được hoàn lại, kiện không đúng thì mất tiền.

Đề xuất này đang gây ra những ý kiến trái chiều.

8BENOmUH.jpgPhóng to

Làm tốt công tác tiếp dân, tránh gây oan sai

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật tiếp công dân ngày 19-3, ông Phan Xuân Dũng - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội - đã đưa ra đề xuất “người dân cần phải đặt cọc một khoản tiền khi đi khiếu kiện”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-3 xung quanh đề xuất này, ông Phan Xuân Dũng nói: “Cần phải khẳng định rằng khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân và điều này đã được pháp luật quy định. Quan điểm của tôi là bên cạnh việc đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo cần có những điều khoản quy định rõ trách nhiệm của người đi khiếu nại, tố cáo để tránh lạm dụng chuyện này vào những mục đích khác”.

Tiền cọc: kiện không đúng thì bị mất

Cũng theo ông Dũng: “Tôi đề xuất đối với những trường hợp khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng quy định, đúng trình tự của pháp luật nhưng người ta cứ tiếp tục đi khiếu nại, tố cáo, thậm chí khiếu nại, tố cáo vượt cấp, gửi đơn thư đến nhiều nơi, đến nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của người đi khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, nên buộc họ phải đóng một khoản tiền nhất định nào đó, nếu thắng kiện thì được hoàn lại, còn kiện không đúng thì bị mất tiền”.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho biết quan điểm của ông là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có điểm dừng, tránh tình trạng khiếu kiện tràn lan, triền miên, vượt cấp, gửi không đúng địa chỉ. Ông nói: “Tôi cho rằng với những trường hợp khiếu nại, tố cáo đã giải quyết đúng luật, đúng thẩm quyền mà người khiếu kiện cứ cố chây ỳ, tiếp tục mang đơn từ đến trụ sở tiếp công dân thì phải quy định rõ ràng trách nhiệm của họ. Với những trường hợp đã giải quyết đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền rồi mà đơn thư khiếu nại, tố cáo không có nội dung gì mới thì cán bộ có trách nhiệm ở trụ sở tiếp công dân có quyền từ chối tiếp nhận đơn thư đó”.

8RoP323v.jpgPhóng to
Ông Văn Hữu Chiến, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (thứ hai từ phải sang), cùng đại diện Thanh tra Chính phủ trong lần đối thoại với 19 hộ khiếu kiện trong các vụ thu hồi, tranh chấp đất đai... Đây là các vụ kiện nổi cộm đã qua nhiều lần thanh tra và Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận giải quyết nhưng các hộ dân cho rằng chưa thỏa đáng - Ảnh: HỮU KHÁ

Không khả thi

Không đồng tình với đề xuất này, luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: “Khiếu nại, tố cáo là quyền và nghĩa vụ của công dân đã được quy định trong Luật khiếu nại và Luật tố cáo đều có hiệu lực từ ngày 1-7-2012. Việc đề xuất người khiếu nại, tố cáo phải đóng một khoản tiền cọc như trên là không khả thi và vi phạm quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo mà luật đã định”.

Trên thực tế, theo ông Thạnh, còn có nhiều trường hợp người dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp nhưng kết quả việc khiếu nại, tố cáo đó lại đúng vì nhiều trường hợp cấp dưới bao che hoặc không mạnh dạn, giải quyết qua loa vì ngại đụng chạm. Luật khiếu nại, Luật tố cáo đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tố cáo. Vì thế đề xuất phải đặt cọc vừa không khả thi vừa gây phản ứng trong dư luận.

“Cá nhân tôi không ủng hộ” là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Điệp, vụ trưởng Vụ Tiếp dân và xử lý đơn thư của Thanh tra Chính phủ, khi trả lời Tuổi Trẻ về đề xuất của ông Phan Xuân Dũng. Ông Điệp cho rằng việc này không thể làm được vì “dân mình làm gì có tiền, phải vì dân, chứ người không có tiền thì không khiếu nại được hay sao”. Ông Điệp cho rằng các lãnh đạo cần phải xuống trụ sở tiếp dân, nghe người dân nói mới biết, mới hiểu những hoàn cảnh, suy nghĩ của người dân khi phải đi khiếu kiện.

Trong khi đó, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình nói đây chỉ là ý tưởng chứ chưa có bất cứ chủ trương cụ thể nào về vấn đề này. Bản thân ông Bình cũng chưa biết, chưa được nghe bất cứ ý kiến đề xuất nào như vậy nên không thể đưa ra ý kiến gì bình luận.

Đơn khiếu kiện trái thẩm quyền “áp đảo”

Thống kê của Văn phòng tiếp công dân TP.HCM cho thấy trong năm 2012 có đến hơn 72% đơn khiếu nại gửi đến cơ quan này sai về thẩm quyền. Cụ thể có đến 2.638 đơn sai thẩm quyền, trong khi đúng thẩm quyền chỉ 1.005 đơn. Các đơn sai thẩm quyền chủ yếu gửi vượt cấp, thay vì gửi cấp quận huyện, phường xã đã gửi thẳng lên TP. Tỉ lệ này trong các năm trước đó cũng rất cao, năm 2011 là 67,6% và năm 2010 là 69%.

Ngoài ra, tỉ lệ đơn thư khiếu nại trùng lắp (gửi nhiều lần, gửi cùng lúc đến nhiều cơ quan) cũng rất lớn. Trong năm 2012 Văn phòng tiếp công dân TP thống kê có đến 46% đơn trùng lắp, năm 2011 là 48,3%. Tổng hợp từ năm 1999-2012 có tới 48,6% đơn thư khiếu nại mà cơ quan này nhận được là đơn thư trùng lắp.

Trong các đơn thư khiếu nại, đất đai và nhà ở là hai vấn đề nổi cộm, trong năm 2012 hai vấn đề này chiếm hơn 60% số vụ việc khiếu kiện được gửi đến Văn phòng tiếp công dân TP. Nếu tính từ năm 1999-2012 thì tỉ lệ đơn khiếu nại về đất đai và nhà ở chiếm hơn 76% đơn mà Văn phòng tiếp công dân TP nhận được.

_____________

Khiếu kiện là cách nói gộp của nhiều người đối với hai hành vi khác nhau là khiếu nại và tố cáo. Đề xuất “muốn khiếu kiện phải đóng tiền” thật ra không mới.

Trước đây đã có vài người ở một số cơ quan hành chính nhà nước nêu ý tưởng tương tự. Mục đích chung vẫn là để những người khiếu kiện có ý thức hơn khi gửi đơn khiếu nại, tố cáo, đồng thời giảm bớt việc khiếu kiện tràn lan, không có cơ sở. Tuy nhiên, Luật khiếu nại và Luật tố cáo (đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2012) đã quy định rõ về điểm dừng trong khiếu nại, tố cáo; về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo hoặc của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo... Bên cạnh việc chủ động thực hiện đúng hai luật này, các cơ quan chức năng có thể hướng dẫn, giải thích để người dân hiểu và cùng chấp hành mà không cần phải “đẻ” thêm hình thức chế tài theo kiểu nêu trên.

"Bài toán hóc búa lâu nay về các khiếu kiện dai dẳng (nhất là trong lĩnh vực nhà đất) cần được giải bằng nhiều cách cả về chính sách lẫn cách triển khai thực hiện từ phía chính quyền có đầy quyền lực, chứ không phải đẩy khó cho những người dân thấp cổ bé miệng"

Luật sư Trần Thị Miền

“Đối với những trường hợp khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng trình tự, đúng quy định của pháp luật mà người dân vẫn cứ tiếp tục khiếu nại, tố cáo nữa, thậm chí khiếu nại, tố cáo đến nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thì những người nhận đơn cứ chiếu theo luật mà “lắc đầu”. Có thể vì vẫn chưa thấy thỏa mãn, vẫn cứ muốn “kêu cho thấu” nên người dân tiếp tục gửi đơn. Song pháp luật đâu yêu cầu những cơ quan cấp trung ương hoặc các quan chức tối cao phải giải quyết các đơn như thế nên can chi phải “phạt tiền” để dân thôi gửi đơn nữa?

Luật tố cáo cũng có một số ràng buộc nhất định đối với người tố cáo và người có trách nhiệm giải quyết tố cáo. Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình, bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra... Nếu phát hiện cá nhân nào đó gửi đơn vượt cấp thì các cơ quan nhận được đơn không có trách nhiệm thụ lý, thay vào đó là thông báo và chỉ dẫn cách làm cho người tố cáo bằng văn bản.

Suy cho cùng, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của mình được đảm bảo tuyệt đối, không bị xâm hại thì chẳng ai muốn mất công đi khiếu kiện nhiều lần ở nhiều nơi, nhiều người. Tất nhiên, loại trừ một số ít người có ý hơn thua nhưng lại không rành rẽ pháp luật để có thể tự chọn cho mình cách hành xử phù hợp.

Theo Luật khiếu nại, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Về trình tự, người khiếu nại có thể khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.

Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.

Luật này cũng quy định “người khiếu nại có nghĩa vụ khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết”; các khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, việc khiếu nại đã được tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của tòa án (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của tòa án) thì không được thụ lý giải quyết.

L.KIÊN - T.LỤA - M.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên