25/12/2013 04:10 GMT+7

Phải phá vỡ hai vòng luẩn quẩn

TS HỒ THIỆU HÙNG
TS HỒ THIỆU HÙNG

TT - Các vụ phát hiện trẻ em bị đánh đập, thậm chí tra tấn trong nhà trẻ hầu như năm nào cũng xảy ra, không nơi này thì nơi khác. Phần nổi của tảng băng là các vụ bị lộ, được chụp ảnh quay phim, đã có tang chứng rành rành để phán xét.

Còn phần chìm của tảng băng - các điểm chưa bị lộ - hẳn phải nhiều gấp bội. Bao lần rồi sau một vụ bạo hành trẻ em bị phát giác thì các cơ quan chính quyền, các cấp giáo dục và đoàn thể lại rùng rùng đi kiểm tra, dọn dẹp các nhà trẻ không đạt yêu cầu. Các vụ bạo hành lắng xuống được một thời gian rồi đâu lại vào đấy, cứ như ném đá ao bèo. Chính quyền lại mở đợt kiểm tra, dọn dẹp... Đó là vòng luẩn quẩn thứ nhất.

Vòng luẩn quẩn thứ hai: VN thật ra vẫn còn là nước kém phát triển, năng suất lao động còn rất thấp. Năng suất thấp nên thu nhập thấp, thu nhập thấp nên phải chọn nhà trẻ học phí thấp. Học phí thấp nên điều kiện chăm sóc kém, cô giáo yếu chuyên môn, hưởng thu nhập thấp, khó hết lòng với trẻ, lúc bực mình thậm chí còn bạo hành trẻ. Cha mẹ đi làm mà không toàn tâm, có lúc phải nghỉ giữ con, năng suất kém đi; năng suất kém lại dẫn đến tình trạng kinh tế chậm phát triển, kéo theo thu nhập thấp.

Hai cái vòng luẩn quẩn không lẽ cứ diễn ra bất tận? Tại sao các nhà trẻ không đáp ứng yêu cầu về chuẩn giáo viên, về cơ sở vật chất lại không thể bị dẹp? Bởi nhu cầu gởi trẻ cực lớn mà nhà trẻ công lập lẫn tư thục đủ chuẩn thì vô cùng thiếu. Và dù hai loại này có nhiều hơn nữa thì mức học phí cũng quá lớn so với túi tiền của cha mẹ các cháu, phần lớn là công nhân nhập cư có lương trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Các cặp vợ chồng trẻ có thu nhập thấp, không sống cạnh cha mẹ thì buộc phải gởi con vào nhà trẻ thu học phí “phải chăng” để đi làm, có khi đi làm ngoài giờ nhận trẻ.

Có cầu ắt có cung, các nhà trẻ giá thấp sẽ tự động mọc lên. Có giấy phép hay nhà trẻ chui cũng... không sao, điều đó không phải là mối quan tâm hàng đầu của những cặp vợ chồng nghèo. Với họ sao cũng được, miễn là có chỗ gởi trẻ với giá hợp với thu nhập và hoàn cảnh để đi làm là được.

Nhà nước chi cho giáo dục lên khoảng 20% ngân sách là đã “hết sức” rồi. Nhưng nhu cầu giữ trẻ là vô cùng lớn với một nước đang ở thời kỳ dân số vàng. Lâu nay, Nhà nước lo cho mầm non không xuể thì giao cho dân lo giúp. Nhưng dân thì sức cũng chỉ đến thế, phải mở cả nhà trẻ kém xa chuẩn, nhà trẻ chui với bao hậu quả. Để phá vớ hai vòng luẩn quẩn, đề nghị Nhà nước nên:

1. Quy hoạch sẵn những khu đất mở trường mầm non và khu tập thể cho công nhân gần các khu công nghiệp;

2. Có quy định bắt buộc (và phạt nặng nếu không chấp hành) các doanh nghiệp có đông nữ công nhân lập nhà trẻ, có quỹ hỗ trợ để nhà trẻ hoạt động đảm bảo chất lượng, nhằm phụ thêm thu nhập cho cô nuôi dạy trẻ lâu nay chỉ hưởng lương từ nguồn học phí do phụ huynh đóng.

3. Giao đất và miễn giảm thuế cho người đầu tư kinh doanh nhà trẻ;

4. Đào tạo thêm nhiều cô nuôi dạy trẻ và giữ họ ở lại với nghề bằng mức lương đủ sống;

5. Sau cùng mới là đi kiểm tra và dọn dẹp những nhà trẻ không đạt yêu cầu.

Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi nhỏ nhất trong đời mỗi người nhưng mối quan tâm cho ngành mầm non không thể là mối quan tâm nhỏ nhất của người quản lý xã hội. Đây không chỉ là vấn đề quyền trẻ em, quyền con người mà còn là vấn đề tương lai của cả dân tộc.

TS HỒ THIỆU HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên