23/11/2013 10:37 GMT+7

Giải pháp khả thi nhất để hạn chế oan sai

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn luật sư TP.HCM)
Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn luật sư TP.HCM)

TT - Tại phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trên diễn đàn Quốc hội ngày 21-11, vấn đề làm thế nào để hạn chế oan sai đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra.

Lãnh đạo các ngành công an, kiểm sát, tòa án cũng đưa ra các giải pháp để hạn chế oan sai trong thời gian tới.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng hiến kế về các giải pháp cho ngành tư pháp trong việc hạn chế oan sai như gắn camera trong các phòng hỏi cung, chuyển bộ phận trại giam sang một cơ quan khác quản lý thay vì thuộc biên chế của Bộ Công an như trước nay, luật sư được tham gia từ giai đoạn điều tra...

Trong số các giải pháp đó, theo tôi, giải pháp có thể thực hiện ngay tức khắc và ít tốn kém nhất, khả thi cao nhất chính là việc luật sư được tham gia từ giai đoạn tạm giữ hình sự, khởi tố bị can. Việc này hội đủ điều kiện cần và đủ để có thể triển khai ngay mà không cần phải chờ ban hành thêm một văn bản pháp quy nào hay cần chuẩn bị cơ sở vật chất nào nữa.

Về cơ sở pháp lý, các văn bản pháp luật từ Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật luật sư, các văn bản hướng dẫn dưới luật (gần đây nhất là thông tư 70 ngày 10-10-2011 của Bộ Công an) đã quy định khá đầy đủ, chi tiết về quyền của bị can, người bị tạm giữ hình sự và việc tham gia của luật sư từ khi đối tượng bị tạm giữ hình sự, khởi tố bị can. Vấn đề còn lại là việc thực thi các quy định trên giấy vào thực tiễn như thế nào.

Theo quy định pháp luật hiện hành, đối với những trường hợp bị can bị khởi tố về tội ở khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình, hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì cơ quan tố tụng có văn bản đề nghị đoàn luật sư cử luật sư tham gia. Các trường hợp khác, luật sư chỉ tham gia khi có yêu cầu của bị can hoặc thân nhân của họ. Đối với bị can tại ngoại, việc mời luật sư ít gặp trở ngại, nhưng với bị can bị bắt tạm giam thì luật sư tham gia sẽ gặp nhiều rào cản, mà một trong những rào cản lớn nhất là lấy chữ ký của bị can đồng ý cho luật sư tham gia.

Để chế định luật sư được tham gia bào chữa từ giai đoạn người bị tạm giữ hình sự hoặc từ lúc bị khởi tố bị can mang tính thực chất, đúng nghĩa, theo tôi, trong hồ sơ vụ án, ngay từ biên bản tống đạt quyết định tạm giữ hình sự hoặc quyết định khởi tố bị can, điều tra viên phải giải thích đầy đủ quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can biết và họ có ký vào biên bản. Biên bản này phải được xem là chứng cứ để chứng minh việc cơ quan điều tra đã giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can. Nếu hồ sơ vụ án nào thiếu biên bản này, các giai đoạn tố tụng tiếp theo xem như không hợp pháp và không được dùng làm chứng cứ để buộc tội bị can, bị cáo. Việc giải thích quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho người bị tạm giữ hình sự hoặc bị can của điều tra viên phải được thực hiện công khai, khách quan, có sự chứng kiến của ít nhất hai nhân chứng, trong đó một người là đại diện chính quyền địa phương, một người là người thân thích của người bị tạm giữ, bị can.

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC (Đoàn luật sư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên