19/03/2013 08:23 GMT+7

Nếu là bộ trưởng, tôi đề xuất mức thuế 20% ngay

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 18-3.

GgyfibDJ.jpgPhóng to
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18-3 - Ảnh: AN AN

Theo tờ trình của Chính phủ, mức thuế suất phổ thông sẽ giảm từ 25% xuống 23%, bắt đầu từ năm 2014. Đối với doanh nghiệp (DN) sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỉ đồng áp dụng thuế suất 20%.

Thêm nhiều đối tượng được ưu đãi

Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế băn khoăn về ưu đãi báo chí?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cũng bổ sung quy định ưu đãi về thuế suất (10%) đối với thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí theo quy định của Luật báo chí. Đây là ưu đãi đang được chờ đợi hỗ trợ giúp báo in phần nào chống chọi lại tình trạng sụt giảm những năm gần đây. Tuy nhiên, tại cuộc họp đã có một ý kiến gây bất ngờ. Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu băn khoăn: “Báo chí là ngành nghề có thu nhập cao nên cân nhắc có đưa vào nhóm có ưu đãi hay không?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết: “Đa số ý kiến trong thường trực ủy ban nhất trí với chủ trương giảm thuế suất nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư”.

Dự thảo luật cũng quy định “phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 15% tổng số chi được trừ thuộc diện các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”. Đây là mức khống chế cao hơn so với quy định hiện hành, tạo điều kiện cho DN gia tăng các hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị “quy định tỉ lệ khống chế thấp hơn mức 15% đối với các lĩnh vực kinh doanh độc quyền như điện, nước, xăng dầu”.

Dự luật cũng bổ sung quy định ưu đãi về thuế suất (10%) đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại điều 53 của Luật nhà ở, thu nhập từ hoạt động xuất bản của cơ quan xuất bản theo quy định của Luật xuất bản cũng như quy định rõ thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với DN hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường là áp dụng đối với lĩnh vực xã hội hóa...

Giảm 1%, ngân sách thất thu 6.000 tỉ đồng

“Miễn giảm thuế cho nhân dân được hưởng. Tôi đề xuất mức thuế suất 20% được không?” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề. Ông Hùng cho rằng giảm sâu mức thuế suất sẽ giúp DN đầu tư mở rộng sản xuất, từ đó sẽ thu thuế được nhiều hơn.

Ông đề nghị miễn thuế cho ngành nghề đánh bắt cá ngoài biển (Chính phủ đề xuất mức thuế suất 10%) vì nghề này vô cùng rủi ro, nghiên cứu miễn thuế cho các DN đầu tư về nông thôn, vùng sâu vùng xa. “Tôi đề nghị ghi rõ vào luật lộ trình giảm thuế: năm 2014 thực hiện mức thuế suất 23%, năm 2016 còn 20% cho DN yên tâm làm ăn. Tôi mà là bộ trưởng, tôi sẽ đề xuất 20% ngay” - Chủ tịch Quốc hội nói. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết: “Quy định rõ lộ trình giảm thuế như đề xuất của Chủ tịch Quốc hội cũng là quan điểm của Ủy ban Kinh tế”.

Phúc đáp đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: “Quá trình xây dựng dự luật Chính phủ thấy cần phải áp mức thuế suất phổ thông là 23%, còn mức 20% cho DN quy mô nhỏ (hiện chiếm 87% tổng số DN). Chính phủ cũng đã tính toán mức độ giảm thu ngân sách, bởi cứ giảm mức thuế suất 1% thì giảm thu 6.000 tỉ đồng. Năm 2014, Luật thuế thu nhập cá nhân cũng làm giảm thu khoảng 13.500 tỉ đồng. Như vậy cân đối thu ngân sách cũng khó khăn”.

Giữ nguyên các mức thuế suất GTGT

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, nhưng bị đánh giá là không có nhiều nội dung mang tính cải cách do vẫn giữ nguyên ba mức thuế suất: 0%, 5% và 10%. “Quan trọng nhất là dự luật làm thế nào để phục vụ chính sách cải cách thuế, linh hồn của cải cách thuế là mức thuế suất, nhưng lần này vẫn giữ nguyên ba mức là 10%, 5% và 0%” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng: “Nếu cải cách nữa thì nên xem lại mức thuế suất. Đưa về một mức thuế suất là phù hợp nhất”. Lý giải vấn đề này, bà Vũ Thị Mai cho biết việc hướng tới một mức thuế suất thuế GTGT là cần thiết, nhưng trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay sẽ rất khó khăn. “Mức thuế suất 5% chúng ta áp dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và một số mặt hàng thiết yếu” - bà Mai cho biết.

Về ý kiến đề nghị giảm mức thuế suất thuế GTGT 10% xuống mức thấp hơn, bà Mai nói: “Qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12-25%, còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%, các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến 10%. Như vậy, mức thuế suất chúng ta đang áp dụng là thấp. Xu hướng chung của các nước hiện nay là tăng cường vai trò của thuế GTGT, đồng thời từng bước giảm dần thuế suất thuế thu nhập để tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư”.

Chưa hạn chế quyền sử dụng ngoại tệ

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối. Tuy quy định mọi giao dịch trên lãnh thổ VN phải được thực hiện bằng đồng VN, pháp lệnh được thông qua đã không hạn chế quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân.

“Việc hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến lợi ích của từng người dân và tổ chức kinh tế, có thể tác động tiêu cực đến thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng như ảnh hưởng đến lượng chuyển kiều hối về VN hằng năm. Với thực trạng hiện tại, Ủy ban Kinh tế nhất trí không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân” - ông Nguyễn Văn Giàu giải thích.

Cuối buổi chiều, Chính phủ trình dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Một số ý kiến đề nghị đổi tên luật thành Luật phòng chống lãng phí; cần phải đưa vào dự luật những lĩnh vực đang gây lãng phí lớn như tổ chức bộ máy, quản lý thời giờ làm việc của công chức, tổ chức lễ hội, ma chay, cưới hỏi...

Ông Hàn Vinh Quang (tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy An Bình): Đã giúp thì giúp cho trót

Sẽ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp nếu thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm từ 25% còn 20%, chứ đừng kéo xuống 23% và kéo dài mãi đến tận năm 2016 mới đưa xuống mức 20%. Với khoản tiền có được từ giảm thuế, doanh nghiệp mới nghĩ đến việc tái đầu tư, đổi mới máy móc trang thiết bị, rồi mới có động lực để duy trì, tăng trưởng sản xuất, mới có lợi nhuận (trở lại) để nộp thuế lại cho Nhà nước.

Tôi cũng thấy các chính sách thuế, phí hiện nay của Nhà nước cũng đừng nên “tận diệt” quá mức, nhất là khi sức của doanh nghiệp vốn đang chẳng “mạnh khỏe” gì. Nếu siết chặt quá, Nhà nước có thể bị thất thu vì doanh nghiệp sẽ tìm đủ mọi cách để lách thuế, cũng chẳng nuôi dưỡng được nguồn thu vì doanh nghiệp cũng chẳng còn tiềm năng phát triển sản xuất như mong muốn...

Ông Vũ Đình Phương (tổng giám đốc Công ty cổ phần Quạt VN): Giảm xuống 23% cũng chẳng để làm gì

Nếu giảm từ 25% xuống 23% thì cũng chẳng cần phải giảm làm gì vì chẳng giúp ích gì cho doanh nghiệp. Nhưng nếu từ 25% xuống 20% và được áp dụng ngay trong năm 2013, doanh nghiệp sẽ có động cơ và mục tiêu tích cực hơn là hướng tới việc đầu tư lâu dài từ những đồng tiền được tích lũy nhờ thuế giảm. Chưa kể nếu được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%, doanh nghiệp sẽ có thêm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, từ đó kích thích sức mua của người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp giải quyết vấn nạn hết sức đau đầu hiện nay là sức mua quá kém, đẩy đến việc hàng tồn kho rất nhiều.

TRẦN VŨ NGHI ghi

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên