Phóng to |
Trạm thu phí Định Quán trên quốc lộ 20 - một tuyến đường hư hỏng nhiều - Ảnh: A.Thoa |
Tỉnh Đồng Nai nhìn nhận việc đặt trạm thu phí dày đặc quanh khu vực tỉnh này làm chi phí vận tải đội giá và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi ngân sách eo hẹp thì khả năng trạm thu phí sẽ còn xuất hiện dài dài trên các tuyến đường, và chỉ còn cách “mong giới vận tải sẻ chia tình cảnh này trong điều kiện hiện nay”.
Ra ngõ gặp trạm
Anh Trịnh Xuân Lân, một tài xế xe tải thường chở hàng qua lại địa bàn Đồng Nai, bức xúc báo tin: “Chưa bao giờ tôi thấy trạm thu phí dày đặc như lúc này. Tôi chở hàng xuống Long Thành (Đồng Nai), quay về lại TP Biên Hòa để qua Bình Dương phải tốn rất nhiều tiền qua trạm”.
Chúng tôi theo chân anh Lân từ vòng xoay Hóa An (trục tỉnh lộ 16 - ĐT 760), hướng về xã Tân Hạnh (TP Biên Hòa) để băng qua địa bàn huyện Tân Uyên, Bình Dương. Khi xe qua đoạn đường này khoảng 4km, anh Lân đã ba lần phải trả tiền qua trạm, trong đó hai lần trả tiền đường (do Công ty TNHH Cường Thuận quản lý) và một lần trả tại trạm thu phí khu vực cầu Ông Tiếp thuộc xã Tân Hòa (địa bàn huyện Tân Uyên). Anh Lân bức xúc: “Có ngày chở hàng từ TP.HCM giao ở Đồng Nai, Bình Dương tôi đã trả hơn 100.000 đồng qua các trạm thu phí”.
Anh Nguyễn Văn Hiển, một tài xế lái container thường chở hàng từ huyện Trảng Bom (Đồng Nai) sang Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), nói: “Tôi đi từ Trảng Bom sang Khu công nghiệp Sóng Thần phải qua hai lượt trạm, tốn hết 160.000 đồng, nhưng nghe nói sắp tới có thêm trạm thu phí đặt trên địa bàn nên giới vận tải rất lo”. Theo anh Hiển, hai trạm anh phải trả phí trước khi đến Khu công nghiệp Sóng Thần là trạm ĐT 743 (huyện Dĩ An, Bình Dương), sau đó qua tiếp trạm thu phí trên QL 1K.
Hiện ở Đồng Nai giới tài xế ra vào nơi này đang đối mặt với năm trạm thu phí khác dọc tỉnh lộ 16 nằm liền kề nhau hay trạm thu phí tại QL1K hướng về Bình Dương, TP.HCM.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở TP Biên Hòa vừa mọc thêm trạm thu phí đường 768 - Đồng Khởi đặt tại P.Tân Phong. Đáng quan tâm là các trạm thu phí ở tỉnh lộ 16, trạm thu phí tại QL 1K và các trạm khu vực Bình Dương có khoảng cách rất ngắn.
Phóng to |
Sơ đồ trạm thu phí ở Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận - Đồ họa: Vĩ Cường |
Đường hư vẫn thu phí
Anh Bùi Đông Giang, một tài xế xe khách thường xuyên đi lại trên QL 20, cho biết: “Từ Dầu Giây đi Đà Lạt tài xế phải ba lần trả phí giao thông ở trạm thu phí Định Quán (Đồng Nai), Bảo Lộc và Đức Trọng (Lâm Đồng), nhưng đường xuống cấp trầm trọng đã khiến nhiều nhà xe bức xúc”. Cuối tháng 1-2011, chúng tôi đi trên QL 20 và chứng kiến con đường này càng hẹp hơn khi có nhiều đoạn loang lổ, có đoạn chắp vá nham nhở, nhất là địa phận huyện Định Quán, Tân Phú (Đồng Nai).
Ông Nguyễn Hữu Biên, chủ tịch UBND xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, cho hay: “Tuyến QL20 ngang qua xã có nhiều đoạn hư hỏng, phát sinh ổ gà, ổ trâu, hệ thống thoát nước không đồng bộ. Đơn vị thi công đến chắp vá láp nháp rồi đường hư vẫn hư”.
Ông Ngô Sỹ Bảng, quyền chủ tịch UBND huyện Tân Phú, nói: “Có hơn 20km dọc QL 20 thuộc địa bàn huyện bị hư hỏng. Dân đã kêu nhiều năm, chúng tôi kiến nghị nhiều lần nhưng mỗi lần họ chỉ sửa chắp vá, cẩu thả”. Theo ông Bảng, không chỉ giới tài xế mà ngay cả cử tri ở địa phương cũng phản ảnh nhiều việc đường hư hỏng không được sửa chữa, vậy mà trạm thu phí Định Quán vẫn cứ thu đều đều. Dù kiến nghị của dân chưa được giải quyết rốt ráo nhưng Công ty quản lý đường bộ 79 đã chuyển giao quyền thu phí cho Công ty cổ phần BOT QL20, nên đơn vị này vẫn cứ thu, mặc cho đường hư ngày càng nhiều.
Thu phí đường đang nâng cấp
QL 51 nâng cấp mở rộng và đã xảy ra nhiều tai nạn trong quá trình thi công do người đi đường bị sụp ổ gà, ổ trâu hoặc lao vào cột bêtông. Nguyên nhân các vụ tai nạn được công an xác định chủ yếu do đường hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, thi công thiếu biển báo và hệ thống chiếu sáng... Ông Ngô Minh Vinh, một tài xế thường chở khách qua lại QL 51, chứng kiến xe khách gây tai nạn, xe tải lật nhào trên đường này do né xe máy, tránh ổ gà, cống rãnh ven đường.
Giải thích về những sự cố chết người, Ban an toàn giao thông Đồng Nai cho biết dự án xây dựng mở rộng QL51 do Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài gần 40km được xây dựng mở rộng 39m với tổng vốn đầu tư 3.200 tỉ đồng và thời gian xây dựng 30 tháng. Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, trong quá trình thi công chủ đầu tư và các đơn vị thi công phải đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, các điểm giao thông phải có rào chắn, có biển báo, đèn chiếu sáng... Tuy nhiên, chủ đầu tư và chủ các gói thầu đã không chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn giao thông.
Trả lời câu hỏi vì sao BVEC vẫn chưa giải quyết rốt ráo các điểm thi công dễ gây tai nạn mà Đồng Nai đã yêu cầu khắc phục, ông Nguyễn Quang Tuyển, phó tổng giám đốc BVEC, nói: “Chúng tôi đã khắc phục, không còn vấn đề gì”. Tuy nhiên, khi chúng tôi cho rằng đã ghi hình ảnh những đoạn đường vẫn còn nham nhở thì ông Tuyển giải thích còn một số đoạn trên QL 51 chưa san lấp được do thiếu nguồn đá dăm. BVEC sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị thi công khắc phục các biển báo, hệ thống chiếu sáng để đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến.
Còn vì sao đường chưa xong vẫn thu phí, ông Tuyển nói: “Trước đây QL 51 được Bộ Giao thông vận tải đầu tư và việc thu phí diễn ra bình thường. Năm 2009 giá trị thu hồi còn 400 tỉ đồng và BVEC nhận chuyển quyền thu phí và đã trả 400 tỉ cho việc đầu tư của bộ”. Theo ông Tuyển, việc thu phí hiện nay là thu số tiền công ty trả trước cho bộ. Còn chuyện mở rộng, đại tu, sửa chữa QL 51 là khoản kinh phí khác, không liên quan đến số tiền thu phí.
Trạm còn mọc lên nhiều nữa
Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai Nguyễn Văn Vý cho biết: “Việc người dân bức xúc chuyện trạm thu phí mọc lên dày đặc là có cơ sở nhưng để giải quyết vấn đề này hiện hết sức khó khăn”. Lý giải chuyện này, ông Vý nói nhu cầu đầu tư hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là hết sức bức thiết, phải kêu gọi vốn đầu tư của toàn xã hội để làm đường. Nhà đầu tư khi bỏ vốn làm đường thì được phép thu phí theo quy định.
Cũng theo Sở GTVT Đồng Nai, hiện cầu Đồng Nai mới đang được xây dựng sắp hoàn thành nhưng các ngành chức năng còn đang lúng túng trong việc đặt trạm thu phí. Theo quy định, khoảng cách giữa các trạm phải cách nhau 70km, nếu đặt thêm trạm thu phí tại cầu Đồng Nai mới thì quá gần với các trạm BOT An Sương - An Lạc (TP.HCM), trạm BOT-QL1K, trạm xa lộ Hà Nội. Các trạm này chỉ cách cầu Đồng Nai khoảng 40km, chưa đảm bảo quy định tối thiểu.
Ông Vý khẳng định: “Sắp tới có thêm trạm thu phí tuyến tránh TP Biên Hòa, vì vậy khi có thêm một trạm đặt tại cầu Đồng Nai mới, người sử dụng đường bộ sẽ chịu thêm chi phí rất lớn, đó là chưa kể họ chịu phí nếu có việc phải đi qua trạm tại QL 51, tỉnh lộ 16 thuộc địa bàn Đồng Nai”. Lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai còn cho biết hiện đã có dự kiến đặt trạm thu phí cho các dự án trong tương lai như đường cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - TP Phan Thiết, TP Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành.
Xóa bỏ hai trạm thu phí từ 1-3 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng vừa có quyết định xóa bỏ hai trạm thu phí Việt Trì (quốc lộ 2) và Cầu Hồ (quốc lộ 38 - Bắc Ninh) từ 0g ngày 1-3. Lý do xóa bỏ hai trạm thu phí trên là khoảng cách trạm thu phí Việt Trì (Phú Thọ) chỉ cách trạm thu phí BOT đường tránh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) có 28km, trạm thu phí Cầu Hồ (quốc lộ 38 - Bắc Ninh) có số thu quá thấp, năm 2009 là 5 triệu đồng. Đây là hai trong số bảy trạm thu phí đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý xóa bỏ (ba trạm), tạm ngừng hoạt động (ba trạm) và chuyển giao một trạm (trạm thu phí Sóc Sơn - quốc lộ 3) cho Hà Nội theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận