22/09/2010 07:16 GMT+7

Xe ngoại giao "dỏm"

T.Phùng
T.Phùng

TT - Nhiều ôtô đăng ký theo tiêu chuẩn ngoại giao (biển số mang ký hiệu NG) đã được bán sang tay cho người VN và hiện vẫn vô tư chạy trên đường phố TP.HCM. Cả người bán và người mua đều không làm thủ tục chuyển nhượng.

Mục tiêu là nhằm trốn thuế hoặc chờ đến mười năm sau để hưởng mức thuế thấp (theo dự thảo của Bộ Tài chính là 10%).

RetKjOlA.jpgPhóng to
Chiếc Mercedes S500 biển số 80NG 376-27 do một viên chức ngoại giao Myanmar đứng tên, nhưng sau khi hết nhiệm kỳ về nước thì chiếc xe được sang tay cho một người khác sử dụng - Ảnh: H.K.
brST3Eci.jpgPhóng to
Chiếc Mercedes biển số ngoại giao 80NG 346-75 do người nước ngoài đăng ký nhưng đang được một người ngụ ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) sử dụng - Ảnh: H.K.

Xử lý triệt để xe ngoại giao sử dụng sai mục đích

Theo đại tá Nguyễn Anh Tuấn - phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67), CSGT và các cơ quan liên quan đang rà soát, thống nhất số liệu xe mang biển số ngoại giao sử dụng không đúng mục đích để có hướng xử lý triệt để. Hướng giải quyết trước tiên là yêu cầu những người sử dụng xe ngoại giao sai mục đích nộp thuế theo quy định của Nhà nước. Trên cơ sở đó giải quyết chuyển đổi sang tên xe chính chủ.

Ông Tuấn cũng cho biết nhiều trường hợp CSGT kiểm tra được chính xác cụ thể người sử dụng xe mang biển số ngoại giao sai mục đích và sau đó có thông báo yêu cầu chuyển đổi. Tuy nhiên, hiện nay chế tài xử phạt các trường hợp như sử dụng xe ngoại giao sai mục đích còn thấp, mức phạt 1-2 triệu đồng không đủ sức răn đe.

Theo quy định, các viên chức làm việc tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và nhân viên nước ngoài có thân phận ngoại giao khi sang VN công tác được mang ôtô theo dạng nhập khẩu nhưng miễn thuế. Sau khi hết thời gian công tác hoặc không còn sử dụng, họ phải làm thủ tục thanh khoản hồ sơ để tái xuất.

Nếu chuyển nhượng cho các cá nhân (không thuộc diện miễn thuế), họ phải làm thủ tục nhập khẩu và nộp đủ các loại thuế, phí và lệ phí theo quy định. Khi đăng ký mới, biển số và đăng ký xe ngoại giao sẽ bị thu hồi, hủy bỏ.

Quy định là vậy nhưng thực tế cho thấy nhiều trường hợp sau khi kết thúc nhiệm kỳ, các viên chức ngoại giao đã bán trao tay cho người quen ở VN sử dụng.

Dân thường xài xe biển số ngoại giao

Đảo qua các tuyến đường trung tâm TP như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Đồng Khởi, Tôn Đức Thắng... có thể dễ dàng bắt gặp hàng chục xe Mercedes, Bentley, BMW, Rolls-Royce... mang biển số ngoại giao.

Sáng 15-9, chiếc siêu xe Bentley 80NG 376-38 (trị giá 4,5 tỉ đồng trước thuế) rời khỏi một căn nhà trên đường Nguyễn Đình Chính (TP.HCM). Theo điều tra, chiếc xe này được đăng ký năm 2009 theo tiêu chuẩn của bà Myat Myat Soe, tùy viên thuộc Đại sứ quán Myanmar (tại Hà Nội).

Theo đại diện Đại sứ quán Myanmar, bà Myat Myat Soe hết nhiệm kỳ và đã về nước. Chiếc xe của bà chuyển sang cho người khác sử dụng và đã báo cho Cục Lễ tân nhà nước (Bộ Ngoại giao). Trong khi đó, ông Q. - chủ căn nhà trên đường Nguyễn Đình Chính - cho biết người sử dụng chiếc xe này là con trai ông.

Tương tự, xe Mercedes S500 biển số 80NG 376-27 được ông Aung Kyaw Moe - Đại sứ quán Myanmar (Hà Nội) - đăng ký năm 2007. Trước khi về nước, ông Aung Kyaw Moe đã làm thủ tục sang nhượng cho người khác. Dữ liệu của cơ quan đăng kiểm cho thấy đến thời điểm này chiếc xe vẫn đứng tên chủ cũ. Chúng tôi bắt gặp chiếc xe này đang đậu tại cây xăng trước trạm xe buýt chợ Bến Thành hồi trung tuần tháng 9.

Tại bãi xe phía sau Nhà hát TP, nổi bật trong rừng xe là chiếc Mercedes S63AMG biển số 80NG 326-23. Theo hồ sơ, người đứng tên trên giấy tờ xe là ông Okan Abdul K.Hameed (Đại sứ quán Iraq). Trao đổi với Đại sứ quán Iraq (Hà Nội), người đại diện cho biết ông Okan là tùy viên của đại sứ quán. Ông Okan đã bán chiếc xe trên cho một người VN. Hỏi bán cho ai, vị này nói ông Okan không nhớ. Qua xác minh, tính đến thời điểm cuối ngày 19-9, hệ thống đăng kiểm cho biết xe này đã hết hạn kiểm định từ 1-5-2010.

Đêm 16-9, chiếc Mercedes 80NG 346-85 đậu đối diện một quán bar trên đường Thi Sách (Q.1). Theo hồ sơ, chiếc xe này được cấp cho ông Volavong Ourakone, công tác tại Đại sứ quán Lào (Hà Nội). Qua điện thoại, ông Volavong xác nhận đã bán chiếc xe cho một người Việt ở TP.HCM năm 2009 và chưa làm thủ tục chuyển nhượng.

Một chiếc xe ngoại giao khác mang biển số Đại sứ quán Lào là siêu xe Mercedes S550 80NG 346-75 do ông Xayachack Khamla đứng tên, hiện cũng thuộc một người VN ngụ trên đường Trần Huy Liệu (Phú Nhuận) sử dụng và chưa sang tên.

Tra “lý lịch” chiếc Mercedes biển số 80NG 421-06 và chiếc Infiniti biển số 80NG 166-28 bắt gặp ngẫu nhiên khi đang đậu gần khách sạn New World, chúng tôi được biết chiếc Mercedes do ông Ali Benaissa, cán bộ Đại sứ quán Morocco tại Hà Nội, đứng tên đăng ký năm 2007. Ông Ali Benaissa đã hết thời gian công tác từ tháng 7-2010, trước khi về nước ông có trao đổi về việc sang nhượng xe.

Riêng chiếc Infiniti, ông Đỗ Mạnh Hùng - văn phòng Đại sứ quán Campuchia - nói chủ xe là ông Kimhean Yeav, tham tán thương mại của Đại sứ quán Campuchia. Hiện ông Kimhean Yeav hết thời gian công tác và đã sang nhượng nên đại sứ quán không quản lý được.

Trốn thuế

Xác minh tại đội đăng ký xe 282 của Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM cho thấy từ đầu năm 2010 đến nay chưa có trường hợp xe ngoại giao nào chuyển nhượng cho cá nhân đến đăng ký mới. Cục Hải quan TP.HCM cũng cho rằng rất hiếm có người mang xe đến làm thủ tục tái xuất. Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu theo dạng miễn trừ ngoại giao vẫn không giảm (khoảng 50 chiếc).

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an), việc mua bán xe ngoại giao nhưng không làm thủ tục được xem là một hình thức gian lận thương mại, trốn thuế. Theo tìm hiểu, một chiếc Bentley nhập về VN phải đóng tổng số thuế khoảng 400.000 USD, hay chiếc Rolls-Royce phải đóng khoảng 1,2 triệu USD.

Trong khi đó, chỉ cần mua sang tay xe ngoại giao thì chẳng tốn một đồng thuế nào. Nhiều trường hợp lách luật bằng cách ủy quyền cho người sử dụng (thay hình thức mua bán)... để hợp thức hóa hành vi trốn thuế.

Một vị lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM phân tích hầu hết xe mang biển số ngoại giao đều là xe xịn nhập từ Đức, Mỹ có giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu USD. Nếu tính tất cả các khoản thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, trước bạ...) mỗi chiếc phải chịu thuế “bèo” nhất cũng 1-2 tỉ đồng. Như vậy, với trên 1.100 chiếc xe ngoại giao hiện nằm trong “sổ đen” thì số tiền thuế thất thoát (hoặc chưa thu được) không dưới 1.650 tỉ đồng.

Quản lý thế nào?

Một lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM cho rằng việc để tồn đọng số lượng lớn ôtô chưa thực hiện các thủ tục thanh khoản, chuyển nhượng, kê khai và nộp thuế theo quy định một phần là do các bộ, ngành thực hiện chưa tốt trách nhiệm quản lý hoặc phối hợp quản lý. Ông này dự báo nếu cho hợp thức hóa các xe này có thể phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Đơn cử khi làm thủ tục chuyển nhượng cần phải có chữ ký của chính chủ, trong khi đó hầu hết các chủ xe sau khi hết nhiệm kỳ đã về nước. Đứng về góc độ xử lý vi phạm, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP.HCM cũng cho rằng nếu những xe do người Việt sử dụng nhưng mang biển số ngoại giao gây tai nạn giao thông hoặc có những lỗi vi phạm liên quan đến chủ phương tiện thì rất khó xử lý vì họ đã về nước.

Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm thành lập tổ công tác liên ngành giữa Tổng cục Hải quan, Cục Lễ tân nhà nước (Bộ Ngoại giao) và Cục CSGT đường bộ để phối hợp triển khai các hoạt động điều tra, làm rõ đối tượng nghi vấn không thuộc diện được sử dụng ôtô mang biển số ngoại giao. Cục Hải quan TP.HCM đề xuất: nếu hết thời gian lưu hành chủ phương tiện mang đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm sẽ phối hợp với CSGT thu hồi biển số, giấy đăng ký xe.

Theo Tổng cục Hải quan, hiện có trên 2.378 xe mang biển số ngoại giao chưa làm thủ tục tái xuất, chuyển nhượng, trong đó có 1.158 xe đã hết thời hạn công tác tại VN. Tại TP.HCM, qua rà soát Cục Hải quan TP.HCM phát hiện có gần 200 chiếc xe của các quan chức ngoại giao hết thời gian công tác nhưng “quên” làm thủ tục tái xuất, chuyển nhượng.

Bộ Tài chính đề xuất đối với xe của các cá nhân ngoại giao hết nhiệm kỳ công tác làm thủ tục chuyển nhượng, xe lưu trú tại VN dưới sáu tháng dự kiến áp dụng thuế nhập khẩu 90%, trên sáu tháng áp dụng mức 80%. Ngoài thuế nhập khẩu, các loại xe ngoại giao khi chuyển nhượng còn chịu hai loại thuế khác là tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng.

Bộ Tài chính cũng vừa hoàn tất dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết về việc lưu hành các loại xe biển số ngoại giao. Theo đó, các cá nhân sử dụng xe ngoại giao phải có giấy chuyển nhượng, giấy đăng ký lưu hành xe và hoàn tất thủ tục đóng thuế theo quy định. Sau khi có văn bản hướng dẫn việc xử lý thuế với ôtô tồn đọng được ban hành, trong vòng 90 ngày nếu tổ chức, cá nhân đang sử dụng ôtô ngoại giao chuyển nhượng sai quy định không làm thủ tục kê khai, nộp thuế sẽ bị tịch thu biển kiểm soát, giữ xe...

Bỏ hàng chục ngàn USD để mua biển số ngoại giao?

Chủ một doanh nghiệp nhập khẩu ôtô có tiếng ở Tp.HCM nói giới nhập khẩu xe biết có những khách hàng mua xe đắt tiền trị giá vài trăm ngàn USD như Rolls-Royce, Bentley, Lexus, Mercedes-Benz, sau đó đề nghị doanh nghiệp nhập khẩu ôtô đăng ký các thủ tục đưa xe biển số ngoại giao từ nước ngoài về VN. Ông này cho biết những khách hàng mua xe xịn và muốn đăng ký biển số ngoại giao có hai lý do: bớt được tiền thuế nhập khẩu và “giải quyết khâu oai” vì được hưởng những ưu tiên của người làm việc trong lĩnh vực ngoại giao.

Một chiếc xe có giá trị 100.000 USD nếu nhập về theo đường chính thống người mua sẽ phải mất 83.000 USD thuế nhập khẩu, 91.500 USD thuế tiêu thụ đặc biệt, 27.450 USD thuế giá trị gia tăng, tổng cộng giá trị xe sau khi đóng đầy đủ thuế sẽ là 301.950 USD. Nhưng nếu bỏ tiền để mua một suất biển số ngoại giao, người mua sẽ không phải mất 83.000 USD tiền thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, xe mang biển số ngoại giao thường là những xe có giá trị vài trăm ngàn USD trở lên nên khoản thuế nhập khẩu sẽ bớt đi rất nhiều.

Giới nhập xe cũng khẳng định từ năm 2007-2008 là khoảng thời gian có rất nhiều đơn đặt hàng mua xe nhập khẩu có biển số ngoại giao. Theo chủ doanh nghiệp trên, giá một biển số ngoại giao thời điểm đó chỉ 15.000-18.000 USD, nay đã tăng lên 20.000-22.000 USD.

T.Phùng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên