11/04/2018 16:44 GMT+7

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động lan tỏa đến Việt Nam

Q. TRUNG - N.BÌNH
Q. TRUNG - N.BÌNH

TTO - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định nếu Trung Quốc và Mỹ xảy ra chiến tranh về thuế thương mại, nó sẽ tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu toàn cầu và "lan tỏa" đến Việt Nam

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động lan tỏa đến Việt Nam - Ảnh 1.

Buổi lễ công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á tại Hà Nội ngày 11-4 - Ảnh: Q. TRUNG

Ngày 11-4, tại cuộc họp báo ở Hà Nội, ADB công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á, trong đó dự đoán GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,1% trong năm 2018 trước khi giảm xuống còn 6,8% trong năm 2019.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, nhận định tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp.

Trả lời câu hỏi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế cấp cao quốc gia của Ngân hàng Châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết do Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu, nếu có sự gián đoạn về thương mại quốc tế, sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. 

"Cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, kể cả về thị trường xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất khẩu hàng hóa. 

Nếu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xảy ra chiến tranh về thuế, nó sẽ tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu nói chung và xuất khẩu toàn cầu nói riêng. Nếu xuất khẩu toàn cầu giảm, sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam. 

Tuy nhiên, đường đi chính xác như thế nào rất khó dự đoán, do đó các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần để ý đến," chuyên gia Aaron lý giải.

Cũng theo báo cáo, kim ngạch thương mại hằng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GPD, khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.  

Về câu hỏi ADB nhận định như thế nào về tăng trưởng kinh tế dựa trên nội lực của Việt Nam trong bối cảnh hơn 70% tăng trưởng GDP của Việt Nam dựa vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chuyên gia kinh tế Aaron Batten cho biết trong quá khứ, ADB đã chỉ ra việc tăng trưởng lệ thuộc vào các doanh nghiệp FDI chính là một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam. 

Lý do lệ thuộc vào FDI là do các doanh nghiệp trong nước không hội nhập vào chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông Batten, nhìn vào tương lai, đang bắt đầu nhìn thấy sự dịch chuyển đáng kể của nền kinh tế Việt Nam, ngày càng nhiều các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Trong năm 2017, gần 130.000 doanh nghiệp mới được thành lập và tạo thêm nửa triệu việc làm mới.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho biết thêm bức tranh FDI vào Việt Nam hiện nay cũng đang thay đổi nhiều. 

Cách đây 4, 5 năm, chủ yếu là các tập đoàn lớn như Samsung, Intel, Nokia, LG… đầu tư vào Việt Nam nhưng hiện nay các doanh nghiệp FDI đa dạng hơn rất nhiều, tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, học hỏi công nghệ. 

Q. TRUNG - N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên