19/09/2018 11:30 GMT+7

Chiến tranh thương mại leo thang: Mỹ - Trung 'ăn miếng trả miếng'

NGỌC AN - TRẦN PHƯƠNG - A.HỒNG
NGỌC AN - TRẦN PHƯƠNG - A.HỒNG

TTO - Tổng thống Mỹ đã chính thức công bố áp thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, đưa cuộc chiến thương mại lên nấc thang mới. Nền kinh tế VN được đánh giá sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực do độ mở lớn.

Chiến tranh thương mại leo thang: Mỹ - Trung ăn miếng trả miếng - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến lo ngại khi bị Mỹ áp thuế, hàng Trung Quốc sẽ vào VN nhiều hơn. Trong ảnh: bốc dỡ thép Trung Quốc tại cảng ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng nên cần có kịch bản ứng phó sớm với chiến tranh thương mại.

Ngày càng căng thẳng

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo từ ngày 24-9 sẽ áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD và sau đó là mức thuế lên tới 25% vào đầu năm 2019. Wall Street Journal dẫn lời quan chức Mỹ cho rằng đòn thuế mạnh nhất từ trước đến nay của ông Trump chẳng khác nào "gí súng vào đầu" Trung Quốc và khiến cuộc chiến khó mà quay đầu.

Nhà Trắng cho biết quyết định trên của chính quyền Mỹ được đưa ra dựa theo kết luận rằng "Trung Quốc đã có một loạt chính sách cũng như hoạt động không công bằng liên quan đến sở hữu trí tuệ và công nghệ của Mỹ, như ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ..., đe dọa đến sức khỏe và sự thịnh vượng lâu dài của kinh tế Mỹ".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Toàn Thắng, trưởng ban kinh tế thế giới Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và đầu tư), cho rằng với trên 6.000 dòng sản phẩm bị áp thuế cho thấy hầu hết các mặt hàng từ Trung Quốc đã được đưa vào danh mục đánh thuế. 

Các sản phẩm bao gồm cả hàng phụ trợ, nguyên liệu lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng (trừ một số sản phẩm của Apple, mũ bảo hiểm xe đạp, ghế ngồi trẻ em...). Bởi vậy theo đánh giá của ông Thắng, việc đánh thuế này sẽ tác động ngay và trực tiếp đến số đông dân của Mỹ, không chỉ tác động đến một số doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào như trước đây.

Tìm cơ hội

Ngay sau khi Mỹ công bố việc áp thuế 10% lên 200 tỉ USD hàng Trung Quốc và tăng lên 25% vào đầu năm sau, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ "trả đũa". Theo nhìn nhận của ông Thắng, với hành động "ăn miếng trả miếng" của cả hai bên thì phải coi rằng cuộc chiến đã nổ ra. 

Theo đó, lý do cân bằng thương mại không phải là mục tiêu duy nhất của chính quyền Trump, mà trong nhiều trường hợp, có thể Mỹ sẽ hi sinh lợi ích ngắn hạn để đạt được mục tiêu là thay đổi luật chơi, cũng như hạn chế tầm ảnh hưởng dài hạn của đối thủ.

Trong nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và đầu tư về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động đến kinh tế thế giới và VN, với kịch bản Mỹ áp thuế 200 tỉ USD hàng Trung Quốc, báo cáo nhận định tác động tích cực là sẽ tạo cơ hội xuất khẩu của VN do sức cạnh tranh về giá tăng lên, song cơ hội không phải là quá lớn. 

Bởi những mặt hàng mà VN đang có lợi thế xuất khẩu là những mặt hàng tiêu dùng thông thường, có độ co giãn về giá thấp. Trong khi đó, nhiều nước khác cũng xuất vào Mỹ các mặt hàng này.

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng chỉ ra cuộc chiến có tác động tiêu cực tới GDP của VN, làm giảm khoảng -0,10% vào năm 2018 và tăng lên cao nhất năm 2022 - 2023, với mức giảm tương ứng là -0,36% và -0,29%, sau đó tác động sẽ giảm dần. 

Tuy nhiên, tác động này không tính đến vấn đề biến động tỉ giá cũng như các đối sách tức thời từ các đối tác của VN.

Có kịch bản cho từng tình huống

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trưởng khoa tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng chiến tranh thương mại là một cú sốc kinh tế và nó sẽ tác động tới VN, trước mắt là tỉ giá. Thời gian qua Trung Quốc liên tục giảm giá NDT để tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu, điều này tác động đến tất cả quốc gia còn lại. Vì hàng Trung Quốc xuất qua VN sẽ rẻ hơn. 

Doanh nghiệp sẽ có xu hướng lựa chọn sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc nhiều hơn, làm tăng tỉ trọng thâm hụt của VN đối với Trung Quốc. Sản phẩm xuất khẩu của VN cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc.

Mặt khác, NDT giảm giá khiến USD ngày càng đắt đỏ hơn, từ đó gây sức ép lên tỉ giá VND/USD. Thời gian qua tỉ giá đã nhích lên và lãi suất VND cũng tăng. Việc tăng lãi suất này sẽ hạn chế người dân chọn giữ USD nhưng lại khiến lãi suất cho vay có xu hướng nhích lên, tăng chi phí vốn của doanh nghiệp, có thể làm hàng VN đắt hơn.

Nhìn rộng ra, theo ông Quốc Bảo, cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang sẽ khiến kinh tế toàn cầu căng thẳng hơn. Do vậy, cần có sự chuẩn bị kỹ để có thể kịp thời ứng phó.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng nhấn mạnh trong ngắn hạn cần tìm mọi cách để có phản ứng tỉ giá phù hợp với diễn biến mới, đặc biệt là chú ý tới dự trữ ngoại hối và thu hút thêm FDI để cải thiện cán cân ngoại hối. Đồng thời cần phân tích sâu hơn để có các phương án do Mỹ có thể gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ông Nguyễn Xuân Thành (Trường đại học Fulbright VN):

VN được lợi nhưng không đáng kể

Đợt áp thuế mới này của Mỹ sẽ tác động sâu rộng hơn. Tính cả ba đợt, giá trị hàng Trung Quốc chịu thuế trừng phạt của Hoa Kỳ là 250 tỉ USD, gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc sang Hoa Kỳ.

So với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc xuất qua Mỹ phải chịu thuế, các sản phẩm tương tự mà VN cũng xuất sang Hoa Kỳ có giá trị 13 tỉ USD, trong đó đồ gỗ nội thất chiếm 36,7%, vali - túi xách chiếm 8,8%, nông thủy sản 19,4%.

Các doanh nghiệp VN xuất khẩu các mặt hàng này sang Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi, trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng cho thị trường nội địa sẽ phải chịu cạnh tranh mạnh hơn từ hàng Trung Quốc nhập vào.

Ảnh hưởng lớn nhất trong thời gian qua là ở thị trường tiền tệ. Cụ thể, khi có những tín hiệu "trừng phạt" vào cuối tháng 3-2018, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã mất giá liên tục so với USD. Tính từ 31-3 đến 31-8, NDT đã mất giá 9,4% so với USD.

Điều này ngay lập tức cũng ảnh hưởng đến VN, thể hiện qua sức ép của tỉ giá, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của VN. Tuy nhiên, VN không nên chủ động phá giá để duy trì tính cạnh tranh, nhưng cũng không nên cứng nhắc cố định tỉ giá và dùng dự trữ ngoại tệ để bảo vệ.

Một rủi ro lớn khác cần đặc biệt lưu ý là việc hàng Trung Quốc có thể chuyển tải qua VN để xuất sang Hoa Kỳ nhằm tránh thuế trừng phạt. Hoạt động này có thể là nhập - xuất đơn giản, hay phức tạp hơn là có "chế biến" giả tạo thông qua doanh nghiệp nội địa, hoặc doanh nghiệp FDI ở VN. Việt Nam cần phải kiểm soát và ngăn chặn tốt việc này để không bị lợi dụng...

T.V.NGHI ghi

NGỌC AN - TRẦN PHƯƠNG - A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên