01/11/2018 14:46 GMT+7

Cấy thiết bị khuếch đại tín hiệu vào tủy giúp người liệt có thể đi lại

MINH HẢI (Theo BBC)
MINH HẢI (Theo BBC)

TTO - Bằng cách chèn một thiết bị công nghệ mới vào cột sống giúp khuếch đại tín hiệu từ bộ não đến chân, các nhà khoa học Thụy Sĩ đã giúp một người bị liệt có thể đi lại.

Cấy thiết bị khuếch đại tín hiệu vào tủy giúp người liệt có thể đi lại - Ảnh 1.

David M'zee giờ đây có thể đi lại. Ảnh: Hillary Sanctuary / EPFL / Handout

David M'zee, 30 tuổi (Thụy Sĩ) bị liệt do chấn thương cột sống nặng trong một vụ tai nạn, nay đã có thể bước đi trở lại sau bảy năm làm bạn với xe lăn.

David là một trong số ba bệnh nhân bị liệt đầu tiên tham gia vào đợt điều trị thử nghiệm lâm sàng do các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu École Polytechnique Fédérale de Lausanne (EPFL - Thụy Sĩ) thực hiện. Nhờ vào một thiết bị điện tử được cấy vào cột sống, David có thể đi bộ gần 1km trong điều kiện có kiểm soát.

Thiết bị do các nhà nghiên cứu EPFL phát triển được chèn trực tiếp vào cột sống, làm khuếch đại tín hiệu từ bộ não đến chân của bệnh nhân. Đồng thời hỗ trợ phục hồi các dây thần kinh bị tổn thương trong tủy sống. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng điều này sẽ giúp bệnh nhân bị liệt có thể một lần nữa đứng lên.

Những tiến triển trong trường hợp của David được đánh giá là có kết quả khả quan nhất và được công bố trên tạp chí Nature ngày 1-11.

Chia sẻ trên BBC News, David cho biết được bước đi trở lại, mặc dù chỉ trong thời gian ngắn thôi nhưng anh cảm thấy cuộc đời như đổi thay.

"Đối với tôi điều đó có ý nghĩa rất lớn. Tôi ngạc nhiên trước những gì chúng tôi có thể làm. Rất nhiều niềm vui, cảm giác này thực sự rất tuyệt", David chia sẻ.

David chia sẻ thêm rằng anh là một người sống rất tích cực, nhưng quãng thời gian sau vụ tai nạn bỗng trở nên thật đen tối khi bác sĩ cho biết anh không bao giờ có khả năng đi lại được nữa. Tất cả các nỗ lực phục hồi chức năng đều thất bại, vì lẽ đó anh đã đồng ý tham gia vào thử nghiệm điều trị này.

Nhớ lại quyết tâm của David, tiến sĩ Courtine nói: "Tôi đến cùng con gái, Charlotte, lúc đó mới tròn một tháng tuổi. Khi chúng tôi đến gần David, anh ấy nhìn vào mắt con bé và nói: Chú sẽ bước đi trước cháu.

Không phụ sự kỳ vọng của David và tiến sĩ Courtine, thiết bị cấy ghép còn làm được nhiều hơn thế đó là khả năng chữa trị tủy sống. "Những gì chúng tôi quan sát thấy ở động vật đó là dường như các dây thần kinh đang hồi phục và kết nối lại giữa não với tủy sống", ông nói.

Bác sĩ Jocelyne Bloch, một trong những bác sĩ phẫu thuật thần kinh hàng đầu của Thụy Sĩ, hiện công tác tại Bệnh viện Đại học Lausanne và là người trực tiếp cấy thiết bị vào cột sống của David cũng tỏ ra kinh ngạc trước những chuyển biến tích cực của anh.

Hiện tại David có thể đi khoảng tám bước nhỏ trong phòng thí nghiệm khi "tắt" thiết bị trên cột sống và là lần đầu tiên được ghi nhận trong một ca chấn thương cột sống mạn tính.

Bên cạnh đó, hệ thống này tồn tại một khuyết điểm rất lớn đó là giá thành khá đắt đỏ và không đủ độ tin cậy để sử dụng bên ngoài phòng thí nghiệm.

David là người đầu tiên trong số ba bệnh nhân được hưởng lợi từ đợt điều trị đầu tiên. Hai bệnh nhân khác khác cũng đang xoay sở để tự đi lại, với những mức độ khác nhau.

Gertan Oskan, một kỹ sư 35 tuổi đến từ Hà Lan, bị tai nạn xe hơi bảy năm trước. Anh được xác định bị liệt và phải ngồi xe lăn suốt phần đời còn lại. Hiện tại, Oskan đang bắt đầu "lấy lại" một số cử động.

Các nhà nghiên cứu tin rằng hệ thống của họ sẽ cải thiện và khôi phục một số cử động cho những người từng mất hy vọng đi lại. Họ dự định bắt đầu các thử nghiệm lớn hơn ở châu Âu và Mỹ trong thời gian ba năm tới.

MINH HẢI (Theo BBC)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên