23/10/2017 11:47 GMT+7

Catalonia sẽ tách khỏi Tây Ban Nha hay bị tước quyền tự trị?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Hóa ra cuộc trưng cầu ý dân với kết quả hơn 90% ủng hộ độc lập chưa phải là bước ngoặt lịch sử của xứ tự trị giàu nhất Tây Ban Nha. Catalonia đang đứng trước ngã rẽ lịch sử: hoặc độc lập hoặc bị tước quyền tự trị.

Catalonia sẽ tách khỏi Tây Ban Nha hay bị tước quyền tự trị? - Ảnh 1.

Nửa triệu người Catalonia đã xuống đường biểu dương sức mạnh và khát vọng cho một Catalonia độc lập ngày 21-10 - Ảnh: Reuters

Catalonia là một vùng đất độc lập? Điều đó từng đúng trước khi cuộc chiến tranh kế vị Tây Ban Nha kết thúc năm 1714. Liệu lịch sử cách đây 300 năm có lặp lại?

Câu trả lời là chưa biết. Nhưng những gì chính quyền trung ương Madrid đang thể hiện cho thấy họ sẽ không cho phép vùng đất chiếm tới hơn 20% kinh tế đất nước này độc lập, hay ít nhất là ra đi một cách dễ dàng.

Đấu lý

Sau hai mốc thời gian được đưa ra mà không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ lãnh đạo Catalonia, Madrid đã hành động.

Ngày 21-10, phát biểu sau cuộc họp khẩn, Thủ tướng Mariano Rajoy tuyên bố sẽ kiểm soát quyền lực của cơ quan lập pháp Catalonia, giải tán chính quyền khu vực và tiến hành bầu cử sớm trong vòng 6 tháng tới.

Điều đó cũng đồng nghĩa Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont sẽ bị cách chức, thậm chí bị bắt giữ.

Các biện pháp chưa từng có nhằm chấm dứt nỗ lực giành độc lập của các nhà lãnh đạo Catalonia sẽ được đưa ra theo Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha và sẽ được trình lên Thượng viện Tây Ban Nha để phê duyệt vào ngày 27-10.

Đây sẽ là lần đầu tiên trong 4 thập kỷ kể từ khi chế độ độc tài Franco kết thúc, chính quyền Madrid sử dụng hiến pháp để giải tán một chính quyền tự trị và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.

Ông Rajoy nhấn mạnh Madrid không có sự lựa chọn nào khác bởi chính quyền Catalonia đã hành động một cách "đơn phương, đi ngược lại luật pháp và tìm kiếm sự đối đầu" khi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân ngày 1-10.

Đáp trả, người đứng đầu Catalonia đã gọi các tuyên bố của ông Rajoy là "không tôn trọng luật pháp". 

Ông Puigdemont nhấn mạnh người dân Catalonia sẽ không chấp nhận các biện pháp mà Chính phủ Tây Ban Nha vừa đưa ra nhằm nắm quyền quản lý trực tiếp vùng tự trị này, điều mà nhà lãnh đạo này gọi là "cuộc tấn công tồi tệ nhất kể từ thời độc tài Franco".

"Tôi đã yêu cầu nghị viện Catalonia tổ chức một phiên họp toàn thể. Chúng tôi - những người đại diện cho chủ quyền của công dân xứ Catalonia - sẽ có quyền quyết định đối với cái gọi là kế hoạch loại bỏ chính quyền và nền dân chủ của chúng tôi", Reuters dẫn lời ông Puigdemont trong bài phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình ngày 21-10 (giờ địa phương).

"Tôi mong người dân sẽ không nghe theo họ"

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Alfonso Dastis cho biết như vậy trong cuộc phỏng vấn với Đài BBC ngày 22-10.

"Tất cả những gì chính phủ đang làm là cố gắng thiết lập lại trật tự, khôi phục hiến pháp tại Catalonia. Chúng tôi hi vọng người dân Catalonia sẽ khước từ bất kỳ hành động hay kế hoạch nào của lãnh đạo Catalonia bởi họ không có quyền làm chuyện đó", ông Dastis kêu gọi.

Vị này khẳng định không có chuyện chính quyền Madrid đã điều động một lượng lớn cảnh sát hay quân đội tới Catalonia, cho rằng các bức ảnh đang lan truyền là giả mạo.

Nhưng thực tế ra sao?

Tuyên bố đòi giải tán chính quyền Catalonia đã khiến nhiều người dân nổi giận. Gần 500.000 người đã xuống đường biểu tình tại Barcelona - thủ phủ của xứ Catalonia ngày 21-10.

Cuộc tuần hành, vốn đã được lên kế hoạch từ vài ngày trước nhằm phản đối quyết định của chính quyền trung ương khi bắt giữ hai thủ lĩnh của phong trào độc lập cho Catalonia, đã nhanh chóng biến thành một cuộc biểu dương sức mạnh sau các tuyên bố mới nhất của Madrid.

"Tự do! Tự do! Tự do! Rajoy, chúng tôi sẽ tách khỏi Tây Ban Nha! Rajoy, ông nên biết điều đó" - người biểu tình hô to, tay giương lá cờ Catalonia cùng nhiều biểu ngữ.

Thực tế, không phải tất cả người dân Catalonia đều ủng hộ các nỗ lực tuyên bố độc lập của ông Puigdemont. Cuộc trưng cầu ý dân ngày 1-10 chỉ nhận được sự hưởng ứng của 43% cử tri Catalonia.

Nhưng điều đó không có nghĩa khi chính quyền Madrid đòi tước quyền tự trị của Catalonia, 57% còn lại đã im lặng. Người dân Catalonia tự hào vì những truyền thống, văn hóa và ngôn ngữ riêng - những thứ đã từng bị chủ trương triệt tiêu dưới thời độc tài Franco.

Khát vọng độc lập

Sau cuộc chiến tranh kế vị Tây Ban Nha (1701-1714), Catalonia trở thành một phần lãnh thổ của Tây Ban Nha dưới sự cai trị của vua Felipe V thuộc nhà Bourbon.

Năm 1975, sau cái chết của nhà độc tài Francisco Franco, Catalonia trở thành một trong 17 vùng tự trị của một Tây Ban Nha dân chủ.

Nhưng quy chế tự trị dường như chưa bao giờ là đủ đối với một vùng đất giàu truyền thống như Catalonia.

Tháng 11-2014, một cuộc trưng cầu ý dân độc lập cho Catalonia đã được tổ chức với kết quả hơn 80% đồng ý.

Cuộc trưng cầu ý dân, dù không mang tính ràng buộc pháp lý, vẫn dẫn tới kết quả là cựu thủ hiến Artur Mas phải ra tòa vào tháng 2-2017 vì "bất tuân dân sự".

Những tiếng nói và phong trào độc lập cho Catalonia đã trở nên mạnh mẽ hơn sau khi ông Carles Puigdemont được bầu làm Thủ hiến năm 2016.

Ngày 1-10, cuộc trưng cầu ý dân có tính ràng buộc pháp lý về độc lập cho Catalonia được tổ chức.

Ngày 10-10, Thủ hiến Puigdemont ký vào tuyên bố độc lập, song tuyên bố hoãn thi hành để tìm kiếm đối thoại với chính quyền Madrid.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên