21/10/2018 16:04 GMT+7

Cảnh báo lừa đảo dịp iPhone ra mắt phiên bản mới

BÔNG MAI - NGUYỄN TRÍ
BÔNG MAI - NGUYỄN TRÍ

TTO - Sau khi Apple ra mắt 3 phiên bản iPhone XS, XS Max và XR chưa được bao lâu thì tình trạng lừa đảo bán iPhone dỏm, đánh tráo iPhone phiên bản mới thành iPhone giả xuất hiện hàng loạt.

Cảnh báo lừa đảo dịp iPhone ra mắt phiên bản mới - Ảnh 1.

Một trang rao bán Iphone XS Max với giá rẻ hơn khá nhiều so với giá các siêu thị bán cùng thời điểm - Ảnh: NNCC

Không chơi chiêu rao giá rẻ bất thường khiến người mua sinh nghi ngờ, nhiều đối tượng chỉ rao giảm từ 3 đến 5 triệu đồng so với giá iPhone tại cửa hàng. Chiêu trò đánh tráo iPhone không mới nhưng lại nở rộ vào dịp dòng iPhone mới ra mắt, nhiều người sập bẫy dù rất cẩn thận.

Nạn nhân lên tiếng

Mới đây mạng xã hội Facebook xôn xao truyền tin về việc một bạn nữ có tài khoản V.Ph cầu cứu vì bị lừa mua iPhone XS Max 256GB trên một trang thương mại điện tử nổi tiếng với giá 29 triệu đồng, rẻ hơn giá thị trường cùng thời điểm 4 triệu đồng do đối tượng xưng tên L.Bảo (chưa rõ tên thật) bán. 

Sau khi thỏa thuận, hắn ta hẹn gặp ở số nhà 7xx Nguyễn Kiệm (Q. Phú Nhuận, TP.HCM) để đưa điện thoại cho V.Ph (đi cùng mẹ). Tuy nhiên khi tới chỗ hẹn thì đối tượng viện lý do để đổi địa điểm.

Tiếp đó, đối tượng dẫn "con mồi" vào quán cà phê để đưa iPhone thật cho kiểm tra. Sau khi thuận mua vừa bán, hắn dẫn V.Ph tới nhà lấy phụ kiện, nhưng thực tế không dẫn vô nhà mà chỉ dừng ở hẻm, khoảng 1 phút sau thì chạy ra đưa phụ kiện.

Vì V.Ph không có tiền mặt nên yêu cầu chuyển khoản nhưng đối tượng không chấp nhận, sẵn sàng chờ người mua đi rút tiền mặt mới giao dịch. 

Rút tiền xong, tới điểm hẹn trước, V.Ph kiểm tra lần nữa thì thấy máy tốt, đúng máy hồi sáng đã xem. Cô gái mở cốp xe lấy tiền và trả tiền, đối tượng bỏ điện thoại vào hộp và trao hàng. 

Về tới nhà V.Ph không mở được nguồn "iPhone XS Max" mới, ra tiệm kiểm tra thì được báo là hàng giả. 

V.Ph đoán mình bị tráo điện thoại lúc mở cốp xe lấy tiền. Sau hai ngày đăng tin kèm hình chụp đối tượng lừa đảo, số điện thoại và biển số xe (nghi ngờ giả) để cầu cứu. Tài khoản V.Ph cho biết nhờ cộng đồng chia sẻ hình ảnh mà đối tượng đã tới trả lại tiền cho cô...

Điều đáng nói sau khi V.Ph cầu cứu, hàng loạt nạn nhân của chiêu trò lừa đảo trên xuất hiện và lên tiếng. 

Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với các nạn nhân. Có người bị lừa mới đây, có người bị lừa vài năm trước, từ iPhone 4, 5, 6, 7 Plus… cho đến phiên bản mới nhất. Tiền bị lừa từ vài triệu đến vài chục triệu tùy dòng máy, tùy thời điểm giao dịch.

Trò chuyện với anh Nguyễn Phước (Quận 12), anh Phước không khỏi bức xúc khi từng bị lừa mất 15 triệu mua iPhone 7 plus, rẻ hơn 4,5 triệu khi mua ở cửa hàng. 

Lúc mua anh Phước đi cùng anh trai. Nhà ở quận 12 nhưng điểm giao dịch lại là quận Tân Bình. Dù trên tin rao ghi rõ bán tại nhà, nhưng thực tế bán ngoài đường.

"Họ diễn hay lắm, kiểu nó không cần gấp gáp bán. Kiểm tra điện thoại kĩ, tra mã IMEI thì biết mua ở Thế giới di động nên yên tâm vì có bảo hành. Ai ngờ nó đánh tráo hàng. Lúc nó rồ ga đi hai anh em mới giật mình, chạy theo không kịp", anh Phước nhớ lại.

Cẩn trọng với kiểu giao hàng ngoài đường

Theo tìm hiểu của phóng viên, kiểu lừa bán điện thoại chủ yếu có hai nhóm. Nhóm thứ nhất chuyên rao bán hàng mới, giá giảm từ 3-5 triệu, bán vào thời điểm iPhone mới ra mắt hoặc dòng iPhone đã ổn định giá. 

Nhóm thứ hai bán hàng đã sử dụng, rao thông tin đảm bảo máy xịn, chưa từng sửa chữa hay thay thế linh kiện. Nội dung đính kèm đầy tin tưởng: "Mua bán tại nhà mình nên có bảo hành trách nhiệm", "Bao test (kiểm tra) máy thoải mái, mình không gấp gáp gì cả, ai mua cứ test kĩ càng".

Các "nạn nhân" cho biết các giao dịch bị lừa hầu hết đều trao hàng ngoài đường...

Theo luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, không chỉ điện thoại mà nhiều mặt hàng khác cũng bị lừa đảo kiểu đánh tráo và tình trạng này hiện rất phổ biến. 

Tuy nhiên, do người mua chọn hàng mua trôi nổi và thường mua xong mới phát hiện đánh tráo nên đòi bồi thường rất khó vì không xác định được người bán, nơi bán. 

"Trường hơp này là dạng lừa đảo mang tính chất hình sự nên người mua có thể báo cơ quan công an. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên tự bảo vệ bằng cách hạn chế mua hàng trôi nổi, giá quá rẻ. Nếu mua, để hạn chế rủi ro có thể chụp lại chứng minh nhân dân người bán, cam kết cụ thể,  nên giao dịch tại nhà người mua hoặc người bán", luật sư Thu lưu ý.

Các bước đối tượng lừa đảo thường dùng đánh tráo iPhone

Bước 1: Rao bán iPhone đời mới trên trang thương mại điện tử, giá rẻ hơn thị trường từ 3-5 triệu, giao dịch tại nhà.

Bước 2: Đổi địa điểm giao dịch ngoài đường, cách xa nhà khách hàng. Để khách chờ từ 15 – 30 phút. Lúc này đối tượng cùng đồng bọn đã đến nhưng dò xét xem khách hàng đi cùng ai, khách cũ hay mới, có mai phục không. Sau đó thường tiếp tục đổi địa điểm, thường chọn chân cầu, ngã tư để trao hàng.

Bước 3: Hẹn gặp ở quán cà phê để kiểm tra iPhone (thật). Khách đồng ý mua, kẻ gian đề nghị dẫn tới "nhà" lấy phụ kiện.

Bước 4: Khách chờ ở hẻm, đối tượng di chuyển "vào nhà", 1-2 phút sau quay lại kèm theo một túi phụ kiện iphone.

Bước 5: Khách hàng kiểm tra iPhone (thật), lấy tiền từ ví hoặc cốp xe. Đối tượng nhân cơ hội này đánh tráo iPhone giả được bỏ sẵn trên xe, bỏ vào hộp và cột bao bì cẩn thận, đưa hộp này cho khách hàng. Khách mở điện thoại dùng mới phát hiện hàng giả.

BÔNG MAI - NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên