Canada vừa chính thức ghi tên vào nhóm nước đầu tiên phê chuẩn Thỏa thuận Kigali sửa đổi Nghị định thư Montreal về cắt giảm mạnh lượng khí thải nhà kính nhằm thúc đẩy hành động và tạo động lực cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP) tại Bonn, Đức, từ ngày 13 đến 16-11.
Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Canada trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu và bảo vệ bầu khí quyển trái đất cho các thế hệ tương lai.
Trước đây, Canada cũng là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư Montreal năm 1987, một thỏa thuận quốc tế lịch sử đặt mục tiêu loại bỏ hơn 99% các chất phá huỷ tầng ozone bảo vệ trái đất.
Các nhà khoa học gọi các hợp chất hydrofluorocarbons (HFC) - được dùng trong công nghệ làm lạnh tủ lạnh, máy điều hòa và aerosol - là các "siêu khí nhà kính" vì có thể đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu gấp hàng nghìn lần so với khí carbon dioxide (CO2).
Nếu không được kiểm soát kịp thời, các hợp chất này có thể chiếm tới 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2050 và làm trầm trọng hơn tiến trình nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt.
Các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng việc loại bỏ các hợp chất HFC và chuyển sang những phương pháp thay thế sạch hơn sẽ kéo giảm lượng tăng nhiệt độ trái đất ít nhất khoảng nửa độ C vào cuối thế kỷ này.
Để góp phần giảm dần các hợp chất HFC, Canada đã công bố các quy định giảm mức tiêu thụ xuống 85% vào năm 2036. Dự kiến tại COP 23 ở Bonn, Bộ trưởng Môi trường Canada Katherine McKenna sẽ thúc đẩy các nước thực thi Hiệp định khí hậu Paris và phê chuẩn Thỏa thuận Kigali.
Tiếp đó, Canada sẽ chủ trì Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Montreal tại thành phố cùng tên từ ngày 20 đến 24-11.
Nghị định thư Montreal giúp ngăn chặn hơn 135 tỷ tấn phát thải CO2, tương đương với số lượng CO2 phát thải tại Canada trong 175 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận