25/06/2018 11:28 GMT+7

Cái đích của giáo dục

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - 45.000 giảng viên đại học khăn gói lên đường tỏa về các địa phương coi thi và giám sát coi thi, hơn 900.000 thí sinh đi thi, hàng nghìn cán bộ liên quan đến công tác đề thi, in sao đề phải cách ly, biệt lập với bên ngoài...

Cái đích của giáo dục - Ảnh 1.

Việc in sao đề thực hiện khắp 63 tỉnh thành, mà chỉ tính riêng một cụm thi là Hà Nội đã cần hơn 2 triệu tờ giấy thi, bằng 4-5 tấn giấy…

Những con số biết nói phần nào lý giải vì sao những ngày "nóng" nhất năm luôn là những ngày thi căng thẳng…

Hơn một năm trước, tại hội nghị bàn về nâng cao chất lượng giáo dục đại học toàn quốc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nêu quyết tâm thoát ly khỏi cái mác "bộ thi" đã đeo đẳng Bộ GD-ĐT nhiều năm qua. 

Người đứng đầu ngành giáo dục cam kết sẽ tập trung thời gian và sức lực cho việc nâng chất lượng đào tạo, thay vì chạy theo thi cử. 

"Bộ sẽ không mất quá nhiều thời gian cho thi, kỳ thi này chưa qua kỳ thi khác đã đến. Bộ GD-ĐT giống như "bộ thi" vậy".

Nhưng từ hội nghị ấy đến nay, đã lại thêm hai kỳ thi THPT quốc gia diễn ra. Kỳ thi năm nay đông thí sinh hơn năm trước và bộ phải bổ sung một loạt giải pháp chặn tiêu cực: thêm thanh tra cắm chốt, thêm chữ ký giảng viên đại học là phó trưởng điểm thi trên dấu niêm phong, rồi ngay cả giấy niêm phong bài thi cũng dùng loại mỏng, dễ rách…

Áp lực đánh giá đáng lẽ ra phải dàn đều cho cả quá trình học, cuối cùng vẫn dốc nặng vào một kỳ thi quy mô "khủng". 

Giống như một kiểu lễ hội, cứ ngày ấy, tháng ấy mới diễn ra, làm sao không tắc nghẽn, không lộn xộn, làm sao không sơ suất? 

Việc tổ chức càng công phu càng dễ xì ra lỗ hổng. Cũng nên thông cảm với bộ, vì một kỳ thi huy động cả triệu người tham gia luôn quá sức với bất cứ đơn vị tổ chức nào…

Có vị chuyên gia từng ví von chính bộ đã làm "biến đổi khí hậu" để đất nước vốn từ bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông phải dồn lại chỉ còn hai: mùa thi và mùa ôn thi. 

Bao nhiêu năm qua vẫn vậy và người dân Việt Nam còn phải chịu cảnh này bao nhiêu năm nữa? Xóa mác "bộ thi" quan trọng, nhưng cũng không quan trọng bằng đất nước cần xóa đi sự mệt mỏi, căng thẳng vì thi cử nặng nề. 

Bỏ mác "bộ thi" - danh xưng không hay ho gì với Bộ GD-ĐT - cũng không quan trọng bằng việc tìm lời giải cho nguồn nhân lực đất nước đi về đâu? Bao nhiêu năm thi cử đầu vào nặng nề mà đầu ra thả lỏng, nhà tuyển dụng mỏi mắt cũng không thể tìm được nhân sự xứng tầm.

Giáo dục làm gì, thi cử làm gì? Ngành giáo dục phải bắt đầu bằng câu trả lời ấy, chứ không phải chỉ đi sửa sang một vài lỗi kỹ thuật của một kỳ thi để chứng minh nó vẫn đang vận hành tốt.

Cái đích của giáo dục không phải là những cuộc thi kỳ công về tổ chức, căng thẳng về tâm lý và cũng đầy may rủi về điểm số. 

Cái đích của giáo dục phải là sản phẩm đầu ra, là cam kết về chất lượng nguồn nhân lực thực sự đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế đang cần tăng trưởng và bứt phá…

Sáng nay 925.000 thí sinh thi môn văn THPT quốc gia 2018 Sáng nay 925.000 thí sinh thi môn văn THPT quốc gia 2018

TTO - Môn văn là môn duy nhất thi bằng hình thức tự luận tại kỳ thi THPT quốc gia 2018. Hồi hộp 'không ngủ được', nhiều thí sinh đến điểm thi từ 5h30 sáng.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên