15/09/2017 10:52 GMT+7

Cách nào chấm dứt nạn lạm thu tiền trường?

T.T.
T.T.

TTO - Trước thực trạng lạm thu đầu năm học diễn ra tại nhiều trường, các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh đưa ra những giải pháp chấn chỉnh.

Cách nào chấm dứt nạn lạm thu tiền trường? - Ảnh 1.

“Các bậc phụ huynh nên tự tiến cử người đại diện cho mình. Xin đừng ủy thác việc này cho nhà trường. Phụ huynh cần tìm cho mình người đại diện cương trực, dám nói thẳng, nói thật, dám phản biện hiệu trưởng và phải thấu hiểu tâm tư của phụ huynh toàn trường"

Phụ huynh Phan Tuyết

Một trong những giải pháp là việc trong mỗi trường, lớp phải có một ban đại diện cha mẹ học sinh thực sự cương trực, dám nói thẳng, nói thật và tuyệt đối không là "cánh tay nối dài" của hiệu trưởng.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG (Lâm Đồng): 

Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm việc lạm thu

Đầu năm học, Bộ GD-ĐT đã có công văn nhắc nhở sở GD-ĐT các địa phương đều có hướng dẫn cơ sở giáo dục thuộc quyền phải thực hiện nghiêm túc các khoản thu. 

Tuy nhiên, nội dung các văn bản trên còn có kẽ hở; việc xử lý sai phạm những năm trước thiếu kiên quyết; và dường như văn bản ban hành là để nhà quản lý an toàn, còn cơ sở thực hiện thu thế nào mà "êm" là được. 

Thế nên người đứng đầu một số cơ sở giáo dục dễ dàng lách luật, cùng với chiêu bài phụ huynh "tự nguyện", họ tha hồ đặt ra nhiều khoản thu vô lý, rồi thu chồng thu.

Theo tôi, để chấm dứt nạn lạm thu, ngành giáo dục nên quy định cụ thể, chi tiết những khoản nào được phép thu, mức thu bao nhiêu là phù hợp với từng vùng, miền. 

Ngoài ra, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, bảo đảm không xảy ra việc lạm thu trong trường của mình, dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện dân cư - chính quyền - đoàn thể nơi trường đóng.

Cuối cùng, phải kiên quyết xử lý triệt để những cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu, hiệu trưởng vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất. 

Bộ GD-ĐT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trường vào đầu năm học; lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản hồi của phụ huynh, học sinh và các tầng lớp nhân dân.

Phụ huynh PHAN TUYẾT:

Phải có đại diện phụ huynh cương trực

Nếu không có sự đồng ý của ban đại diện cha mẹ học sinh trường, chắc chắn không có trường học nào dám công khai mức thu cao ngất ngưởng vào đầu năm học. 

Bởi thế, ban đại diện cha mẹ học sinh trường có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thu và chi số tiền phụ huynh học sinh toàn trường đóng góp. Nắm được điều này, nhiều hiệu trưởng đã tìm mọi cách kéo ban đại diện về phía mình.

Kết cục, trên thực tế, nhiều ban đại diện đã... nghiêng theo hiệu trưởng (mà lẽ ra họ phải đứng về phía phụ huynh toàn trường). Ban đại diện là "cánh tay nối dài" của hiệu trưởng, là "tấm bình phong" - nhiều hiệu trưởng ở các trường học biết rõ điều ấy, và đang sử dụng "công cụ" này một cách triệt để. 

Và thế là "quy trình" lạm thu đã được "ra lò" theo công thức sau: trước khi thông qua bảng thu đầu năm học, hiệu trưởng nhà trường sẽ họp cùng trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường. 

Thường thì ý hiệu trưởng thế nào, ông trưởng ban đại diện sẽ nhất trí theo đó. Sau đó bảng thu này sẽ được "phát hành" đến từng phụ huynh, với tinh thần "tiền bạc là phụ, tự nguyện là chính"!

Có được sự "che chắn" của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, một số trường đã thu nhiều khoản tiền vô tội vạ. Có ai tự hỏi vì sao ban đại diện lại làm việc này? 

Những người nằm trong ban đại diện thực chất không do phụ huynh trong trường bầu chọn, mà do chính hiệu trưởng đề xuất, tiến cử. Họ đã được chính hiệu trưởng "chọn mặt gửi vàng", nên khi ngồi vào vị trí ấy, thay vì bảo vệ quyền lợi cho phụ huynh học sinh, họ lại tích cực bảo vệ hiệu trưởng!

Làm thế nào để chấm dứt tình trạng lạm thu này? Chỉ còn cách các bậc phụ huynh tự tiến cử người đại diện cho mình. Xin đừng ủy thác việc này cho nhà trường. Phụ huynh cần tìm cho mình người đại diện cương trực, dám nói thẳng, nói thật, dám phản biện hiệu trưởng, và phải thấu hiểu tâm tư của phụ huynh toàn trường. 

Với bất kỳ khoản đóng góp nào mà nhà trường đưa ra không hợp lý, ban đại diện sẽ có quyền thẳng thừng từ chối. Có như thế nạn lạm thu mới chấm dứt.

Giáo viên Nguyễn Thế Lượng (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ):

Cần hiểu rõ đâu là khoản quy định, thỏa thuận

Có những khoản thu nhà trường đứng ra thu hộ học sinh, để nộp theo quy định của Nhà nước và phục vụ cho công việc học tập của học sinh. 

Tuy nhiên, nếu không am hiểu, nhìn vào bảng thông báo đóng góp đầu năm của các nhà trường, nhiều phụ huynh có thể sẽ thấy một số khoản thu khó hiểu, không phân biệt được đâu là khoản quy định, đâu là thỏa thuận.

Sau khi họp phụ huynh đầu năm học, nhiều phụ huynh sẽ cho rằng họ đóng tiền cho con nghĩa là đóng cho nhà trường. Câu nói đó đúng về hình thức, nhưng về bản chất thì chưa hẳn đúng. 

Bởi phụ huynh chưa hiểu rõ về thực chất của các khoản đóng góp, có những khoản nhà trường đứng ra thu để quyết toán với cơ quan tài chính, bảo hiểm và chi trả các khoản mua sắm phục vụ thiết yếu cho học sinh.

Giáo viên Nguyễn Văn LựC (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa):

Cần thay đổi hình thức họp phụ huynh

Họp với phụ huynh đầu năm là trách nhiệm của hiệu trưởng, nhưng vì phụ huynh đông, hội trường không có hoặc không đủ sức chứa nên cuộc họp này chuyển về ở các lớp. 

Họp phụ huynh ở lớp, thầy cô chủ nhiệm sẽ chủ trì, nhưng chỉ đơn thuần là thực hiện chức năng phổ biến thông tin; vì vậy, cuộc họp không phản ánh được hết tâm tư nguyện vọng của phụ huynh.

Tôi mong các cấp quản lý giáo dục, ban giám hiệu các trường học cần thay đổi hình thức, nội dung họp phụ huynh học sinh đầu năm học một cách thực chất hơn, nhằm phát huy vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh. 

Đừng để ban đại diện biến thành "cánh tay nối dài" của hiệu trưởng, hay "cái loa" của trường, có nhiệm vụ "hợp pháp hóa" các khoản thu đầu năm học.

T.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên