10/05/2019 14:58 GMT+7

Các công ty áo dài 'đạo tranh' đồng loạt xin lỗi

THIÊN NGỌC
THIÊN NGỌC

TTO - Sau khi nhận được công văn yêu cầu của nhóm 8 họa sĩ bị xâm phạm bản quyền tranh lên mẫu áo dài, một số công ty áo dài đã bày tỏ 'sự ăn năn', 'đánh tiếng' xin lỗi.

Các công ty áo dài đạo tranh đồng loạt xin lỗi - Ảnh 1.

Mẫu áo dài Công ty PT sử dụng trái phép tranh của họa sĩ Bùi Trọng Dư

Các công ty áo dài hiện đang vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bản quyền tác giả tác phẩm với các bức tranh do các họa sĩ sáng tác và vẽ. Đây là hành vi cần lên án và xử lý bởi cơ quan chức năng trong hoạt động kinh doanh, nếu thông tin này được người tiêu dùng biết đến sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của các công ty này. Vì thế chúng tôi mong các công ty áo dài "đạo tranh" cần nghiêm túc nhìn nhận ra vấn đề này để nhận lỗi và kịp thời sửa sai.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư

Sau khi được luật sư Nguyễn Giang Nam (Đoàn luật sư Hà Nội) tư vấn pháp luật, các họa sĩ đã đồng lòng ký vào đơn thư, gửi cho các đơn vị áo dài đã "đạo tranh" (Công ty in KTS P.T, Áo dài P.M, Áo dài L.H, Công ty in KTS L.A… tại TP.HCM) ngày 8-5.

Trong tất cả đơn thư, các họa sĩ đã yêu cầu các đơn vị vi phạm bản quyền phải cam kết thực hiện 4 điểm gồm: 

1. Chấm dứt ngay lập tức và không điều kiện việc sử dụng hình ảnh tranh của các họa sĩ đang được quảng cáo trên website, Facebook và catalog. 

2. Chấm dứt ngay lập tức và không điều kiện việc sử dụng các tác phẩm này để giới thiệu, quảng cáo, và chào bán các sản phẩm. 

3. Gửi văn bản cam kết đã thực hiện đầy đủ các biện pháp, công việc như đã yêu cầu và trong tương lai KHÔNG sử dụng bất kỳ hình ảnh nào của các tác phẩm do họa sĩ sáng tác. 

4. Công khai xin lỗi họa sĩ trên mạng xã hội và website của công ty. Cam kết không sử dụng hình ảnh tranh của họa sĩ với bất kỳ mục đích nào khi chưa nhận được sự đồng ý của họa sĩ.

Các công ty áo dài đạo tranh đồng loạt xin lỗi - Ảnh 3.

Đơn thư của các họa sĩ gửi một công ty vi phạm bản quyền

Cuối giờ chiều 9-5, ông Trần Công D. - giám đốc Công ty in KTS P.T - đã lập tức gọi điện xin lỗi họa sĩ Bùi Trọng Dư, cam kết sẽ thực hiện 4 yêu cầu trên.

Công ty Áo dài L.H đã đăng tải bài trên trang Facebook công ty, thừa nhận đội ngũ thiết kế của họ đã sử dụng tùy tiện các hình ảnh tranh của các họa sĩ. Đồng thời cam kết sẽ không cung ứng, buôn bán, sử dụng hình ảnh sử dụng tranh của các họa sĩ để quảng bá cho thương hiệu và sản phẩm họ.

Công ty này cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các họa sĩ đã thông báo kịp thời việc "đạo tranh" lên áo dài và mong các họa sĩ thông cảm bỏ qua khi công ty này chậm trễ trong việc phản hồi.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ, mọi phản hồi của các đơn vị xâm phạm bản quyền trước hết cần phải trả lời bằng văn bản, tiếp đó phải giám sát xem có thực hiện đúng theo các yêu cầu đã cam kết trong đơn thư hay không.

Việc đạo tranh lên áo dài là một tiền lệ xấu trong xã hội chúng ta, còn có thể gọi là ăn cắp. Tại sao ngay bây giờ chúng ta, những ai sáng tạo nghệ thuật, những ai yêu nghệ thuật, những ai quan tâm đến giá trị sáng tạo, không gắn kết lại với nhau để có một tiếng nói to lớn, để có được sức mạnh đấu tranh cho thói xâm phạm bản quyền đã tồn tại bấy lâu? Việt Nam có hàng triệu họa sĩ, nếu chúng ta gắn kết lại và đấu tranh thì ai dám xâm hại bừa bãi đến giá trị sáng tạo của chúng ta?

Họa sĩ Ngụy Đình Hà

Theo luật sư Nguyễn Giang Nam, nếu căn cứ một số điều của Luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ (2013) và Nghị định của Chính phủ đã ban hành, các tác giả, tác phẩm luôn được bảo hộ quyền sở hữu. 

Các tác giả có tác phẩm bị xâm phạm bản quyền hoàn toàn có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm bản quyền tác giả và phải được bồi thường thiệt hại (nếu có); đồng thời, đơn vị cá nhân vi phạm phải công khai xin lỗi tác giả trên các phương tiện thông tin đại chúng về hành vi xâm phạm bản quyền.

Vì vậy trong đơn thư gửi tới các đơn vị áo dài "đạo tranh" ghi rõ, nếu sau ngày 19-5, các đơn vị xâm phạm không thực hiện đầy đủ các yêu cầu cam kết thì nhóm sẽ có những động thái mạnh hơn như: 

- Yêu cầu thanh tra chuyên ngành kiểm tra và tiến hành xử phạt hành vi xâm phạm. 

- Khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để buộc công ty phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường toàn bộ các thiệt hại cho các họa sĩ. 

- Gửi thông báo tới các đối tác của công ty để thông báo về hành vi xâm phạm bản quyền tác giả tác phẩm của các công ty này…

Việc đấu tranh bảo vệ bản quyền của nhóm các họa sĩ trên đang nhận được sự đồng tình mạnh mẽ của dư luận. Một số họa sĩ và những người yêu mỹ thuật cũng có ý kiến khuyên các họa sĩ nên chú ý hơn đến việc đăng ký bản quyền tác phẩm và cứ mạnh mẽ phản ứng, khi phát hiện ra tranh chép, đạo nhái, cứ nhờ các cơ quan chính quyền vào cuộc.

Trắng trợn chép tranh lên áo dài: Họa sĩ phải nhờ tới luật sư Trắng trợn chép tranh lên áo dài: Họa sĩ phải nhờ tới luật sư

TTO - Các họa sĩ Bùi Trọng Dư, Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Đăng Sơn, Phan Linh Bảo Hạnh…đã nhờ tới luật sư tư vấn để xử lý rốt ráo vụ đạo tranh lên áo dài.

THIÊN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên