08/04/2019 11:38 GMT+7

Cả xóm, cả công viên... xanh mặt với chó 'mặt xệ', chó becgiê Bỉ

Q.THẾ - U.TRINH - H.LỘC - L.ANH
Q.THẾ - U.TRINH - H.LỘC - L.ANH

TTO - Ba chú chó becgiê Bỉ vừa sủa, nhe hàm răng, gầm gừ... khiến nhiều người chạy thể dục gần đó phải né vì sợ. Còn hẻm 381 ai cũng né mặt hai con chó "mặt xệ" suốt ngày gầm gừ, dọa cắn người.

Cả xóm, cả công viên... xanh mặt với chó mặt xệ, chó becgiê Bỉ - Ảnh 1.

Một người đàn ông dắt chó đi trên vỉa hè đường phố Hà Nội, tuy con chó được đeo dây xích nhưng không được rọ mõm - Ảnh: DANH TRỌNG

Chó nuôi thả, không rọ mõm... đang đe dọa trực tiếp tới sự an toàn của người dân.

Vụ việc cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị cả đàn chó cắn chết và hai cha con ở Hòa Bình bị chó dại cắn tử vong mới đây là lời cảnh báo mới nhất về mối nguy hại.

Vậy nên quản lý chó nuôi cũng như xử lý nghiêm việc để chó thả rông không đúng quy định hiện nay như thế nào nhằm tránh những hiểm họa?

Đủ loại chó gầm gừ muốn cắn người

Chiều cuối tuần, người tập thể dục, dạo bộ trong công viên Thống Nhất (Hà Nội) đông hơn so với ngày thường. 

Không ít người dừng lại, "trầm trồ" trước những chú chó becgiê nguồn gốc từ Bỉ đang lao, đớp quả bóng không khác gì diễn xiếc nhưng cũng có người sợ, không dám lại gần.

Ông Tính (42 tuổi, đường Thái Hà, Q.Đống Đa) đưa chú chó becgiê Bỉ - được ông gọi là em cưng - đến công viên Thống Nhất để cùng huấn luyện với các chú chó khác. Ông Tính cho biết lúc mua chỉ mới 3 tháng tuổi, giá đã 40 triệu đồng.

Sau khi đủ đội là ba chú chó cùng loại, ông Tính cùng hai người bắt đầu màn huấn luyện bằng cách quăng quả bóng có màu vàng, xanh, đỏ xuống hồ nước và bắt chó phải bơi ra hồ đớp đúng quả bóng trả về lại tay "ông chủ". 

Cứ thế, các chú chó vừa sủa, nhe hàm răng, gầm gừ... khiến nhiều người chạy thể dục gần đó phải né vì sợ cắn.

 "Chó dữ như vậy ai dám khẳng định không cắn người. Trước đây tôi hay đưa cháu nội vào công viên chơi nhưng từ ngày thấy chó dữ thả rông chẳng dám cho vào nữa..." - ông Hướng (72 tuổi, Q.Đống Đa, cán bộ hưu trí) nói.

Tại TP.HCM, nhiều người dân cũng cảm thấy không yên tâm khi đi ra đường đụng phải những chú chó được chủ thả rông. 

Chị Lan (nhà ở P.9, Q.3) kể trong con hẻm nhà chị có gia đình nuôi một con chó becgiê khoảng 7-8kg thường xuyên thả rông vào buổi sáng và chiều. "Nó từng cắn người hàng xóm rồi nên cả xóm ai cũng đề phòng" - chị Lan nói.

Tương tự, từ ngày sinh sống tại hẻm 381 Phan Văn Trị, P.11, Q.Bình Thạnh, gia đình anh T.Q.K. có thêm mối lo về... chó. 

Hàng xóm nhà anh có nuôi hai con chó "mặt xệ", chúng suốt ngày gầm gừ, dọa cắn người. Anh K. đã nhiều lần góp ý hàng xóm xích chó lại nhưng chủ nhân của hai chú chó biện minh đủ điều.

"Cuối cùng hai chú chó được nhốt lại nhưng cứ đến tối lại được chủ nhà lén thả rông phóng uế gây mất vệ sinh trong hẻm. Vụ việc kéo dài khiến tình làng nghĩa xóm sứt mẻ" - anh K. nói. 

Lo lắng của người dân trong hẻm chỉ được xoa dịu khi mới đây UBND P.11 đã lập biên bản xử lý chủ nhân của hai chú chó.

Cả xóm, cả công viên... xanh mặt với chó mặt xệ, chó becgiê Bỉ - Ảnh 2.

Chó thả rông trên đường Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Khó quản lý vì không đăng ký

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ thú y TP.HCM cho biết hiện nay việc kiểm soát chó thả rông đang có lỗ hổng rất lớn. 

Nếu như trước đây TP.HCM có một đội "săn bắt chó" thì nay đội này đã bị "xóa sổ", chỉ còn vài nhân sự làm công tác tập huấn cho các quận, huyện. 

Thế nhưng ông Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng chăn nuôi - dịch tễ Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.HCM, lại cho biết hiện nay số lượng chó thả rông đã giảm rất nhiều so với trước. 

Vì đã có những đội bắt chó thả rông được thành lập như đội bắt chó thả rông Q.1 gần đây cũng hoạt động ráo riết, bắt chó liên tục.

"Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo về việc bắt chó thả rông. Như Q.8 đã tập huấn và sắp thành lập đội bắt chó thả rông. 

Các quận 6, 12, Gò Vấp đã đăng ký và sắp tập huấn. Hiện nay hầu như không chủ nào đăng ký khi nuôi chó. Mà chủ nuôi không đăng ký thì rất khó cho công tác quản lý" - ông Dũng nói.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), các hộ gia đình ở VN đang nuôi khoảng 5,4 triệu con chó. Và mỗi năm có tới 400.000-500.000 người phải điều trị dự phòng vì bị chó cắn. 

Con số này chưa tính đến số bị chó cắn nhưng chủ quan không đi tiêm phòng. Đáng ngại hơn là mỗi năm có 80-100 người tử vong do chó dại cắn.

Chỉ có 39% chó được tiêm phòng

Cũng theo Cục Thú y, lượng chó nuôi ở VN đang ở mức rất lớn và thường được nuôi thả rông. 

Tình trạng chó cắn người khá phổ biến, gây nỗi lo sợ cho người dân và tổn phí về chi phí tiêm phòng, điều trị sau phơi nhiễm. 

Tổng đàn chó của cả nước lên tới 5,4 triệu con ở 3,5 triệu hộ nuôi, nhưng chỉ có 2,1 triệu con (39%) được tiêm phòng. 

Cục Thú y nhận định nguy cơ bệnh dại tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới rất cao do nhiều địa phương chưa quản lý tốt đàn chó nuôi. 

Cụ thể có 18/63 tỉnh thành chưa thống kê, không có báo cáo về số hộ nuôi chó, tổng đàn chó để phục vụ cho công tác tiêm phòng.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại do virút dại cổ điển gần như gây tử vong 100% trên người. 

Do đó khi một người bị động vật cắn phải nhanh chóng rửa vết thương ngay với xà phòng và dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong 10-15 phút.

Ngoài ra, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod (nếu có) và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt. 

Khi bị chó cắn tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm. Không băng bó, đắp thuốc kín vết thương.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - cũng khuyến cáo thêm người dân nếu nuôi chó trong nhà cho dù thân thiện cũng phải có biện pháp cách ly, rọ mõm để bảo vệ, đặc biệt em bé. 

Theo bác sĩ Khanh, khi bị chó cắn phải rửa vết thương, chích ngừa dại, huyết thanh kháng dại. Và nạn nhân phải đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt nhằm có biện pháp cứu chữa kịp thời.

* Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ (Đoàn luật sư Hà Nội):

Nuôi chó phải đăng ký với xã, phường

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ (Đoàn luật sư Hà Nội)

Theo quy định của nghị định 05/2007 về phòng chống bệnh dại, chủ nuôi chó phải đăng ký với UBND xã, phường.

Khi nuôi chó phải xích nhốt trong chuồng và đảm bảo vệ sinh. Khi đưa chó ra ngoài nơi công cộng, nơi đông dân cư phải có người dắt và rọ mõm.

Bên cạnh đó, chủ vật nuôi phải thường xuyên theo dõi vật nuôi, nếu phát hiện con vật có biểu hiện bất thường hoặc vô cớ cắn, cào người, động vật khác thì phải nhốt ngay con vật đó, con vật đã bị cắn, cào để theo dõi và báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã biết.

Chủ vật nuôi có chó, mèo mắc bệnh dại cắn hoặc cào người phải bồi thường vật chất cho nạn nhân.

Nếu chủ nuôi động vật không đeo rọ mõm cho chó, để chó cắn người khi ra đường thì người nuôi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Nếu không tiêm văcxin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt từ 600.000-800.000 đồng (nghị định 90/2017 của Chính phủ).

Điều 295 Bộ luật hình sự đã quy định rất rõ hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

Cụ thể, nếu chó không rọ mõm, cắn người gây thương tích tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỉ lệ thương tích 61% trở lên hoặc gây thiệt hại đến tính mạng thì chủ chó có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài chịu trách nhiệm hình sự, chủ nuôi còn phải bồi thường cho người bị chó cắn theo quy định của Bộ luật dân sự.

TÂM LỤA

* Bà NGUYỄN THỊ BẠCH YẾN (chủ tịch HĐND P.1, Q.5, TP.HCM):

Khó cho địa phương

Bà NGUYỄN THỊ BẠCH YẾN

Bà NGUYỄN THỊ BẠCH YẾN (chủ tịch HĐND P.1, Q.5, TP.HCM)

Theo quy định, việc nuôi chó, mèo tại nhà dân bắt buộc phải đăng ký với cơ quan chức năng địa phương để tiện cho việc quản lý.

Tuy nhiên, phường gặp nhiều khó khăn trong công tác này, thời gian đầu triển khai việc đăng ký còn được thực hiện, sau đó càng về sau người dân hầu như không đến đăng ký nữa.

Hiện phường chỉ có cán bộ kiêm nhiệm thêm việc này, do đó không thể quản lý được việc thả rông chó, mèo hay việc người dân cho chó, mèo đi vệ sinh ngoài công viên, đường sá.

Tôi cho rằng nên có một cơ quan chuyên trách để quản lý việc thả rông chó, mèo hay tiêm ngừa và xử phạt khi chủ nhân của các vật nuôi này không tuân thủ quy định pháp luật.

LÊ PHAN - MINH HÒA

Các nước xử lý việc chó cắn người ra sao?

Theo điều 3342 Luật dân sự bang California (Mỹ), người chủ sẽ phải chịu trách nhiệm với tất cả những người bị chó của họ cắn tại nơi công cộng hoặc tại nhà riêng.

"Khi một con chó cắn người đến hai lần vào hai dịp khác nhau, bất kỳ người nào bao gồm chưởng lý tại thành phố hay địa hạt đó, đều có thể tiến hành các hành động pháp lý chống lại người chủ của con chó đó để đánh giá liệu có phải các điều kiện giam cầm, chăm sóc hay bất kỳ thứ gì đó đã thay đổi vào thời điểm xảy ra vụ việc hay không, từ đó loại bỏ mối nguy hiểm mà con vật đặt ra với người khác", luật của bang California nêu rõ.

Còn tại Anh phạt từ 2-14 năm tù cho người chủ có chó cắn người. Trong trường hợp chó cắn chết người, người chủ có thể sẽ phải đối mặt tới 14 năm tù.

Riêng tại Singapore, một người sẽ bị phạt tới 5.000 đôla Singapore và bồi thường không quá 2.000 đôla Singapore nếu chó của họ cắn người khác. Số tiền bồi thường cụ thể sẽ do tòa án quyết định.

Mặc dù vậy, bạn sẽ không bị phạt nếu chứng minh được nạn nhân đã xâm nhập bất hợp pháp tư gia của bạn và bị chó cắn.

BẢO DUY

400 - 500 ngàn người

Đó là số người phải điều trị dự phòng vì bị chó cắn mỗi năm trên cả nước. Mỗi năm có 80-100 người tử vong do chó dại cắn.

* Một cán bộ thú y:

Quản lý nhân khẩu còn không xuể nói gì tới quản lý chó!?

Một cán bộ thú y TP.HCM cho biết không chỉ đăng ký, theo các quy định hiện hành, khi có tăng hoặc giảm số lượng chó nuôi trong nhà cũng phải khai báo với địa phương.

Như vậy, việc quản lý chó nuôi tổ chức tiêm phòng hoặc triển khai bắt chó thả rông thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương.

Quy định như thế nhưng thực tế việc quản lý, kiểm tra, xử lý nuôi chó, mèo bị buông lỏng một thời gian dài.

Qua những lần làm việc với các địa phương về vấn đề này, nhiều địa phương "than" công tác quản lý "nhân khẩu còn làm không xuể" thì làm sao "quản lý được chó".

Từ thực tế đó cho thấy trên địa bàn TP.HCM có bao nhiêu hộ dân nuôi chó, mèo, số lượng bao nhiêu, bao nhiêu được tiêm phòng, bao nhiêu chưa là câu hỏi lớn chưa có lời đáp.

Thời gian qua Chi cục Thú y có duy trì đội bắt chó thả rông từ năm 1976 đến nay.

Cũng do quy định việc nuôi chó, bắt chó giao về cho các địa phương nên hiện đội này chỉ duy trì thực hiện khi địa phương nào có đề nghị phối hợp, yêu cầu.

Vì vậy, nếu địa phương nào quan tâm thì việc bắt chó thả rông được triển khai, còn không thì "bị quên lãng".

Tôi cho rằng nếu các quy định pháp luật được thực thi, việc kiểm tra giám sát các quy định được tiến hành đã không xảy ra những vụ chó cắn chết người đáng tiếc.

Nếu tình trạng quản lý chó nuôi vẫn tiếp tục bị buông lỏng không chỉ nguy cơ tai nạn còn hiện diện mà cả chuyện mất vệ sinh đường phố, khu dân cư dẫn đến xung đột hàng xóm... cũng khó giải quyết được.

QUANG KHẢI

Thăm dò ý kiến

Làm gì để chấm dứt tình trạng chó thả rông?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Khổ vì... chó thả rông, còn đến bao giờ? Khổ vì... chó thả rông, còn đến bao giờ?

TTO - Dư luận bàng hoàng về thương vong từ những vụ chó dữ cắn chết trẻ em, càng thêm bất bình vì thái độ coi thường sự an toàn của người khác của người nuôi chó dữ. Nhưng khó chịu nhất vẫn là phiền phức từ thú nuôi ở đô thị...

Q.THẾ - U.TRINH - H.LỘC - L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên