04/04/2018 09:46 GMT+7

Cả nước quyết liệt lấy lại đất công viên!

NHÓM PV TUỔI TRẺ
NHÓM PV TUỔI TRẺ

TTO - Hàng loạt công viên trên cả nước đang bị “xẻ” đem kinh doanh cà phê, nhà hàng, trông xe… Có nơi hơn 1/3 diện tích công viên bị thay đổi mục đích sử dụng. Chính quyền đã vào cuộc lấy lại.

Cả nước quyết liệt lấy lại đất công viên! - Ảnh 1.

Khu vui chơi giải trí Tuổi Thần Tiên nằm trong khuôn viên công viên Lê Thị Riêng, Q.10, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Di dời tất cả công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... để trả lại mặt bằng cho công viên. Đó là chỉ đạo quyết liệt của UBND TP.HCM và chủ trương này đang được đôn đốc thực hiện dù hầu hết công trình lấn chiếm đã được hợp thức hóa, cho thuê...

UBND TP cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo xử lý trách nhiệm nhằm trả lại mảng xanh vốn có tỉ lệ quá thấp như hiện nay

Ông ĐỒNG VĂN KHIÊM

Đất công viên phải trả lại cho công viên

Trước thực trạng quá nhiều công trình mọc trên đất công viên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP xây dựng đề án di dời toàn bộ các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... trên đất công viên ở địa bàn TP. 

Việc xây dựng đề án này được yêu cầu trình UBND TP trước ngày 15-1-2018. Tuy nhiên theo báo cáo của Sở GTVT đầu tháng 3-2018, mới có 10/24 quận huyện báo cáo. Vì vậy sở này đề nghị được giãn thời gian trình đề án trên vào tháng 4-2018.

Thực tế cho thấy nhiều công trình trên đất công viên được sự cho phép của các cơ quan chức năng hoặc được đem cho thuê bằng các hợp đồng. Tuy nhiên, đã có nơi tính chấp nhận đền bù để lấy lại đất công viên. 

Như công viên Phú Lâm (Q.6) có công trình Câu lạc bộ văn hóa Phú Lâm (thực chất là nơi cho thuê làm trung tâm tiệc cưới), đại diện Trung tâm văn hóa Q.6 cho biết Q.6 đang hoàn tất các thủ tục, giấy tờ đền bù hợp đồng đối với đơn vị thuê. 

"Sẽ cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất để trả lại công năng của công trình" - vị này nói.

Cả nước quyết liệt lấy lại đất công viên! - Ảnh 3.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Với các công viên do Sở GTVT quản lý như công viên Tao Đàn, Lê Văn Tám, Sở GTVT cho biết đang cho rà soát thủ tục pháp lý, nguồn thu... cũng như việc xây dựng kế hoạch, phương án di dời các công trình không đúng quy hoạch. 

Riêng công viên 23-9, theo Sở GTVT, hiện có nhiều đơn vị đang quản lý như: UBND Q.1, Trung tâm phát triển quỹ đất, Sở GTVT và đất được giao lại cho nhiều đơn vị khai thác khác nhau. 

Đặc biệt tại khu B với các điểm ăn uống, mua sắm... đã làm thay đổi chức năng của công viên, gây ùn ứ giao thông. Trong khi đó theo quy hoạch, công viên 23-9 tương lai là nhà ga trung tâm của toàn bộ các tuyến metro...

Để giải quyết, Sở GTVT cho biết đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo dừng tất cả các hoạt động có thu, khai thác, kinh doanh trên mặt bằng khu B, đồng thời yêu cầu Trung tâm phát triển quỹ đất TP thu hồi và hoàn trả mặt bằng trước ngày 1-6 cũng như việc di dời các trụ sở, cơ quan hiện hữu trên công viên.

Cả nước quyết liệt lấy lại đất công viên! - Ảnh 4.

Trung tâm hội nghị tiệc cưới Sun Palace được xây dựng trong khuôn viên công viên Phú Lâm, Q.6, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hàng quán dày đặc, dân bức xúc

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại khu B công viên 23-9, nhà hàng, quán cà phê vẫn hoạt động suốt ngày đêm. Đặc biệt là sân khấu Sen Hồng khá hoành tráng, xung quanh có cả quán cà phê GM tận dụng toàn bộ diện tích khuôn viên sân khấu để phục vụ mua bán.

Thời gian gần đây, trung tâm thương mại dưới lòng đất được xây dựng trong công viên này cũng được khai thác triệt để. Đáng nói là có nhiều nhà hàng ngoài trời phục vụ khách đến tận khuya. 

Không chỉ vậy, khu B công viên này còn thường xuyên tổ chức các hội chợ ngoài trời, khi đó, hàng hóa chiếm phần lớn diện tích, khiến công viên gần như thành nơi tổ chức các hội chợ triển lãm, nơi tổ chức hoạt động ăn uống, kinh doanh.

Tương tự, công viên Lê Thị Riêng (Q.10) cũng có rất nhiều hạng mục từ sân khấu giải trí đến khu vui chơi, ăn uống. Phần lớn diện tích công viên này được cho thuê làm dịch vụ. 

Ở hai mặt tiền đường Cách Mạng Tháng 8 và Trường Sơn là khu vui chơi Tuổi Thần Tiên do Công ty Thỏ Trắng làm chủ đầu tư, phía bên trong là tòa nhà 2 tầng làm văn phòng điều hành của công ty này. 

Ngoài ra, trong khuôn viên công viên còn có một nhà hàng, khu y tế và một dãy kiôt kinh doanh ăn uống cũng buôn bán cả ngày lẫn đêm. Các khu trò chơi mở nhạc ầm ĩ. 

Đi sâu vào trong, một phần đất thuộc công viên Lê Thị Riêng được cho thuê để làm sân khấu ca nhạc Hoàn Vũ và nhà sách, siêu thị... 

Nhiều công viên còn dành từ 1/5 đến hơn 1/3 tổng diện tích cho dịch vụ, kinh doanh như công viên Thanh Niên và công viên văn hóa Phú Nhuận.

Chị Trần Thị Nguyệt - một người dân sống gần công viên Lê Văn Tám - cho biết không đồng tình tận dụng mảng xanh để cho thuê làm các hội chợ. Dân vừa không còn chỗ tản bộ, thể dục; sau mỗi lần hội chợ, công viên lại đầy rác, nhếch nhác. 

Tương tự, anh Nguyễn Quang Minh - sống gần công viên 23-9 - cũng bức xúc vì công viên này bị chiếm dụng quá nhiều. Gần đây, nhiều quán cà phê đua nhau mọc lên, công viên đã hẹp lại càng hẹp hơn.

Theo ông Đồng Văn Khiêm - thành viên hội đồng tư vấn phản biện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, công viên là nơi người dân đến vui chơi, thư giãn. Vì vậy để tình trạng lấn chiếm, đơn vị được giao đem cho thuê lại là do luật không nghiêm, xử lý không tới nơi tới chốn.

Lắp camera giám sát việc lấn chiếm

Sở GTVT TP.HCM cho biết UBND Q.1 sắp tới sẽ lắp đặt hệ thống camera quan sát, giám sát tình hình an ninh trật tự tại một số công viên trên địa bàn quận để giám sát, xử lý các hành vi vi phạm lấn chiếm, cư trú trái phép trong công viên, các hành vi mất mỹ quan như nấu nướng, tắm giặt, phơi phóng, cờ bạc, mê tín dị đoan, mại dâm, ma túy...

Ngoài ra, sẽ nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng. Trang bị thêm các thiết bị, dụng cụ tập thể dục thể thao tại công viên, bố trí ghế ngồi có in số điện thoại đường dây nóng.

L.PHAN

Hà Nội, Đà Nẵng bắt đầu lấy lại đất công viên

Cả nước quyết liệt lấy lại đất công viên! - Ảnh 6.

Nhà hàng kiên cố án ngữ ngay đằng sau cổng vào Vườn thú Hà Nội - Ảnh: LÂM HOÀI

Việc cho thuê đất công viên bắt đầu được siết lại, nhưng vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của chính quyền...

Tại Hà Nội, hầu hết các công viên đều bị trưng dụng nhiều diện tích đất, cây xanh để phục vụ các hoạt động kinh doanh, buôn bán.

Mới ở giai đoạn dạo đầu?

Hàng nghìn mét vuông của công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), mặt phố Chùa Hà (đoạn giáp với ngã tư Trần Đăng Ninh) nhiều năm nay bị hô biến thành một quán cà phê sân vườn tấp nập khách ra vào từ sáng tới đêm. 

Không chỉ trưng dụng một góc công viên nhìn ra hồ để bán hàng, quán cà phê tên New Wind này còn chiếm dụng dọc vỉa hè phố Chùa Hà làm nơi đỗ ôtô, xe máy để phục vụ khách vào quán.

Văn phòng UBND TP Hà Nội tiếp tục có văn bản yêu cầu quận Cầu Giấy đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh dịch vụ sai mục đích và xử lý dứt điểm các công trình nêu trên. Tuy nhiên không hiểu sao đến nay quán cà phê trên vẫn ngang nhiên hoạt động mà không bị dẹp.

Vườn thú Hà Nội (công viên Thủ Lệ) cũng có một tổ hợp kinh doanh thể thao - ăn uống hoạt động sầm uất nhiều năm nay. Một khu sân tennis rộng cả trăm mét vuông được quây kín bằng lưới sắt. Ngay cạnh đó, nhà hàng quy mô lớn cao ba tầng án ngữ.

Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội thừa nhận cả hai khu kinh doanh dịch vụ trên thuộc diện tích của vườn thú. 

Theo lý giải của đơn vị này, khu vực này được thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 1997, sau đó đơn vị đã "lỡ" ký hợp đồng với một công ty khác khai thác để tăng nguồn thu. Đến nay vẫn còn thời hạn nên chưa thu hồi được?!

Trong công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) hiện đang tồn tại một nhà hàng quy mô lớn có tên Gió Mới, luôn có tiếng thực khách ăn nhậu, làm náo động cả một góc công viên.

Ngoài các công viên nói trên, công viên Hà Đông (quận Hà Đông), khu cây xanh thuộc khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy), công viên Tuổi Trẻ (quận Hai Bà Trưng) cũng có các công trình biến tướng, sai quy hoạch được xây dựng. 

Dù cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nhiều lần nhưng vì lợi nhuận, bằng nhiều cách chủ đầu tư các công trình trên vẫn hoạt động cho đến nay...

Hoán đổi để lấy lại đất công viên

Tại công viên 29-3 (TP Đà Nẵng), theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, vào năm 2003 và 2009, UBND TP Đà Nẵng xẻ 2 lô đất ở công viên 29-3 (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) chuyển nhượng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Công ty cổ phần đại lý Jean Desjoyaux. 

Sau đó sự việc bị dư luận phản ứng. Đến năm 2015 giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đề nghị hoán đổi đất cho chủ đầu tư để lấy lại 2 khu đất nhằm mở rộng công viên. 

Được giao làm chủ đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo công viên 29-3, tuy nhiên phần diện tích mặt đất của công viên rất hạn chế, nhưng vướng chuyện hoán đổi, nên dự án vẫn chưa thể hoàn thành.

Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, cho rằng quyết tâm lấy lại khu đất đã bán để trả lại cho công viên là việc làm đúng đắn. Để đảm bảo thu ngân sách mà xẻ bán các khu đất công cộng, theo ông Huy, là điều không nên làm.

Chấm dứt hợp đồng cho thuê

Ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - xác nhận một số công viên như Phú Lâm (Q.6), Tao Đàn, 23-9 (Q.1)… bị mất mảng xanh nghiêm trọng.

Thực hiện chỉ đạo của TP, Sở GTVT đang cùng các đơn vị lập đề án theo hướng sử dụng đất công viên đúng công năng. Theo đó, những công viên chưa có quy hoạch sẽ được lập quy hoạch để đưa vào khuôn khổ quản lý.

Đối với những công viên đã có quy hoạch nhưng chưa phù hợp sẽ phải chỉnh trang đúng quy hoạch, tuyệt đối không để phát sinh thêm các điểm kinh doanh trên đất công viên.

Ông Hưng lưu ý những hợp đồng cho thuê diện tích công viên vẫn còn thời hạn, cơ quan quản lý nhanh chóng chấm dứt hợp đồng, không gia hạn hoặc phát sinh mới thêm các trường hợp khác.

T.DUNG

Bà THI THỊ TUYẾT NHUNG (trưởng Ban văn hóa HĐND TP.HCM):

Xem xét trách nhiệm đơn vị, cá nhân

Chỉ đạo của UBND TP về tháo dỡ các công trình, quán ăn... tồn tại trên đất công viên là hợp tình, hợp lý trước thực trạng quá nhiều công viên bị chiếm dụng. TP chỉ đạo rất quyết liệt nhưng việc thi hành ở các quận huyện rất chậm.

UBND TP cần có giải pháp đốc thúc các đơn vị thực hiện, trả lại đúng công năng các công viên, công trình công cộng; đồng thời phải xem xét trách nhiệm các đơn vị, cá nhân đem đất công viên cho thuê, kinh doanh sai chức năng.

Trong nội dung giám sát thực trạng quản lý tài nguyên đất trên địa bàn TP sắp tới, HĐND TP sẽ đưa vấn đề giám sát đất đai ở các công viên được đem cho thuê.

Q.KHẢI ghi


Thêm điểm ngoại khóa cho học sinh

Ông Từ Quốc Tuấn, hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, cho rằng công viên sẽ là điểm thuận lợi để đưa học sinh đến dạy về tự nhiên - xã hội…

Nhưng với điều kiện TP.HCM hiện nay, mỗi lần cho học sinh đi ngoại khóa, nhà trường phải đưa các em ra ngoại thành hoặc sang tỉnh khác.

Ông Tuấn cho rằng cần mở rộng, tăng thêm công viên để có mảng xanh cho dân và tạo điều kiện cho các trường tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

H.HG.

NHÓM PV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên