29/06/2019 14:33 GMT+7

Cá ngát nấu bần chua, ăn tới đâu tiếc đến đó

QUÁCH DUY THỊNH
QUÁCH DUY THỊNH

TTO - Cái mùa gió thoảng ngày hè, bần chín đung đưa ngoài sông, nên mình lại thòm thèm một tô canh chua cá ngát nấu với bần chua chua, chát chát. Thịt cá ngát béo béo, nước mắm cay cay của vị ớt hiểm mới hườm đỏ cây sau vườn.

Cá ngát nấu bần chua, ăn tới đâu tiếc đến đó - Ảnh 1.

Nồi canh chua cá ngát nấu với bần chua đậm đà khó quên - Ảnh: QUÁCH DUY THỊNH

Chợ quê gần nhà nên có gì mua đó. Sáng nay tình cờ, đi ngang qua mé sông bên phía chợ cầu có người ngồi bán mấy con cá ngát vừa giăng lưới ngoài sông còn tươi roi rói. Cá ở quê, con nào cũng tươi mà rẻ.

Người bán cũng chỉ mong bán để về còn lo chuyện bếp núc, chuyện ngày mai nên chẳng thèm kỳ kèo trả giá. Mình mang con cá ngát về mà cứ nghĩ tới chuyện nấu món gì đây, nấu món gì mà ăn cho ngon, cho cảm hết cái vị béo của thứ cá đặc trưng miền Tây sông nước này đây.

Cá ngát vốn có hai loại, một loài sống ở trong sông nhỏ, người địa phương bắt cá bằng cách giăng câu, thả chà, thụt hang. 

Còn có một loài chuyên sống ngoài vùng nước lợ, gần biển, phải bắt bằng cách đóng đáy, ghe cào mà được. 

Loài cá da trơn này, có râu hai bên mép. Cá có ngạnh rất độc nếu đi bắt không cẩn thận bị nó đâm một phát là về nóng lạnh, sốt mấy ngày trời không hết, phải mang đi hơ qua than gáo dừa cho bớt nhức. 

Nói thì nói cái xui, chứ phần còn lại như thịt cá chắc, béo ngậy nhất là mang đi nấu canh chua, kho tộ nước còn sệt mang đi chấm với rau ngổ, rau cải trời thì đâu có sơn hào hải vị nào bằng hương vị quê hương.

Cá ngát nấu bần chua, ăn tới đâu tiếc đến đó - Ảnh 2.

Thau cá ngát đã được sơ chế chuẩn bị mang đi phi cho săn thịt cá - Ảnh: QUÁCH DUY THỊNH

Nhưng mà trúng ngay cái mùa gió thoảng ngày hè, bần chín đung đưa ngoài sông vắng, nên mình lại thòm thèm một tô canh chua cá ngát nấu với bần chua chua, chát chát. Thịt cá ngát béo béo, nước mắm cay cay của vị ớt hiểm mới hườm đỏ cây sau vườn.

Cá ngát mang đi nấu bần chua nó dễ như cái tính cách của người miền Tây. Bần là loài mọc dại ngoài sông, mà nơi nào cũng có ở cái xứ đồng bằng này. 

Hồi đó, Nguyễn Ánh chạy loạn qua làng của mình, tức Cái Da Trại (làng Hiệp Hưng bây giờ) mới đói bụng, được người dân giúp đỡ cho ăn một bữa cơm mắm với bần chín. Sau vì lý do, nghèo khó, ông hỏi món gì mà ngon, người ta đáp trái bần. 

Vua nhìn ra sông, thấy dáng cây rũ xuống mặt nước đẹp như vậy mà sao nghe tên nghèo khó quá bèn đặt cho tên là Thủy Liễu, tức cái cây rũ trên mặt hồ. 

Mùa hè, là mùa của bần chín, mọc dại ven sông nên ai muốn hái bao nhiêu trái cũng được. Trái bần chín, có vị chua xốn xang, có vị thơm nồng nàn mà ai ngửi qua một lần thì khó mà quên.

Trái bần chín, mang về trụng qua nước sôi rồi bỏ vào tô chần lấy cái nước cốt chua. Phần xác còn lại của trái bần được bỏ đi không sử dụng. 

Con cá ngát mang về cũng trụng qua nước sôi cho ra bớt nhớt, bỏ cục máu tanh, cắt cái ngạnh bén ngót. 

Người nào muốn ăn đầu thì cắt khứa to to, cắt khứa bụng nhỏ lại, vì khúc đuôi cũng béo nên khứa cho công bằng để lên bàn khỏi mắc công giận hờn. 

Làm xong phần cá thì mang đi phi cho săn thịt cá với tỏi và dầu ăn. Sau đó bỏ vào nồi nước đang sôi, cuối cùng cho nước cốt bần vào và giữ cho lửa nhỏ vừa đủ sôi.

Cá ngát nấu bần chua, ăn tới đâu tiếc đến đó - Ảnh 3.

Trái bần được chần sơ qua nước sôi để lấy nước cốt bần - Ảnh: QUÁCH DUY THỊNH


Ở xứ này, rau nêm thiếu gì, chỉ ra sau hè là có ngò om, có ngò gai, có lá quế. Nhưng người dân vẫn ưa cái mùi ngò gai làm rau nêm cảm giác được tròn vị hơn. 

Còn rau ăn kèm thì có bạc hà, ai không có thì dùng bông súng, kèo nèo đi hái dưới ao, nhà nào có nuôi dê thì chắc có bông so đũa bỏ vào cho có vị đắng, vị chua xen lẫn nhưng coi vậy mà ăn ngon lành khó cưỡng.

Ngồi chờ cá chín mình tiện tay nêm nếm ít nước mắm, chút đường, phi tỏi cháy cạnh để tí bỏ lên tô canh chua nhìn cho đẹp mắt. 

Mình chợt nhớ còn thiếu mấy trái ớt hiểm ngoài hè, nên đi hái vô để tí bỏ lên chén nước mắm dầm cho cay, cho đậm đà bữa cơm miền quê.

Tô canh chua cá ngát nấu với trái bần mới đầu ăn nghe lạ vị. Nhưng ăn lần một, lại thấy tiếc, thấy thiếu rồi muốn hai ba lần nữa. 

Cái dung dị được hòa vào cái thiên nhiên làm nên những điều vô tận trong từng miếng ăn, trong từng nét ẩm thực của người miền Tây. 

Đây là điểm nhấn để níu chân người lữ khách phương xa có dịp ghé về Bến Tre để thưởng thức tô canh chua bần nấu với cá ngát. 

Để dù người lữ khách, hay người con xa nhà mãi nhớ cái vị béo của cá, vị mặn của nước mắm, vị cay nồng của ớt hiểm, vị chua mà thanh tao của bần chín. 

Để dù có ai đi xa rồi mãi nhớ, ai ở lại rồi thòm thèm một tô canh chua cá ngát nấu với trái bần dại ven sông quê mình một thuở ngày xưa.

Mời bạn đọc tham dự Diễn đàn Món ngon của tôi

Bài viết tối đa khoảng 1.000 chữ, kèm hình ảnh (clip nếu có), và gửi về email monngoncuatoi@tuoitre.com.vn. Các bài viết được đăng sẽ được trả nhuận bút!

Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Công ty Nutifood.

Nấm mối nướng giấy bạc, chỉ có thể nói Nấm mối nướng giấy bạc, chỉ có thể nói 'ngon tê lưỡi'

TTO - Món nấm mối nướng giấy bạc gần như giữ nguyên được từng làn hơi, vị ngọt, vị cay của ớt bay, tiêu, mùi tinh dầu của ít lá chanh, mùi cháy sém của lớp lá lốt quấn quanh… Ông cậu tôi tấm tắc khen "ngon tê lưỡi".

QUÁCH DUY THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên