25/09/2018 10:42 GMT+7

Bớt gánh nặng quỹ bình ổn xăng dầu

L.THANH - NGỌC AN
L.THANH - NGỌC AN

TTO - Hiện dù giá tăng, người tiêu dùng vẫn phải nộp vào quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít. Lãnh đạo Bộ Tài chính và nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc bỏ hoặc cải cách quỹ này.

Bớt gánh nặng quỹ bình ổn xăng dầu - Ảnh 1.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Một trong những lý do là với việc Nhà máy lọc dầu (NMLD) Nghi Sơn sắp đi vào hoạt động, VN đã sản xuất gần đủ xăng dầu trong nước.

Giá tăng vẫn phải nộp 300 đồng/lít

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đã hoàn thành sứ mệnh. Do đó, nên trả xăng dầu về thị trường, không nên tiếp tục để người tiêu dùng đổ 1 lít xăng, dầu lại phải nộp 300 đồng vào quỹ. 

Theo đó, trong tháng này bộ sẽ hoàn thiện góp ý sửa đổi nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, kiến nghị trong đó có việc xem xét sửa đổi quy định về sử dụng, trích lập quỹ bình ổn giá. Cách xử lý là không trích quỹ này nữa mà số dư sẽ xử lý khi biến động cho đến khi hết quỹ.

Ông Nguyễn Văn Tiu, tổng giám đốc Công ty xăng dầu Tự Lực 1, cho rằng mục đích "đẻ" ra BOG là để xử lý khi giá xăng dầu thế giới biến động lớn. Trước đây chúng ta phụ thuộc thị trường xăng dầu thế giới, gần như phải nhập khẩu hoàn toàn. Còn nay xăng dầu "made in Vietnam" đã chiếm tỉ trọng lớn. VN chủ động được rồi, bỏ quỹ là hợp lý.

Tăng cung nội địa, giảm nhập khẩu

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp phân phối xăng dầu chuyển hướng nhập nguồn sản phẩm từ NMLD Nghi Sơn do giá bán thấp hơn so với nhiều nguồn cung khác, trong đó có NMLD Dung Quất.

Nguồn cung xăng dầu từ NMLD Nghi Sơn tăng lên, lượng xăng dầu nhập khẩu cũng giảm. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu xăng dầu từ tháng 7 đến nay đã giảm dần. Cụ thể, trong tháng 7, lượng nhập khẩu nhóm mặt hàng này chỉ đạt 820.439 tấn và 558 triệu USD, giảm trên 41% cả về lượng và trị giá so với tháng 6. Tháng 8-2018, lượng nhập khẩu xăng dầu giảm tiếp khoảng 5,4% so với tháng 7.

Dự kiến kim ngạch nhập khẩu mặt hàng xăng dầu 6 tháng cuối năm chỉ đạt 1,1 triệu tấn, giảm 500.000 tấn so với nửa đầu năm.

Không nên vừa trích, vừa xả

Theo Bộ Công thương, giá xăng tăng liên tục trong thời gian qua nên việc duy trì BOG có vai trò quan trọng để giữ giá xăng dầu khi có biến động mạnh. Dự báo sắp tới giá xăng sẽ còn tiếp tục xu hướng tăng nên Bộ Công thương cho rằng việc duy trì BOG sẽ giúp thị trường xăng dầu ổn định hơn, giảm tác động đến giá bán lẻ và nền kinh tế.

Theo tính toán, trong kỳ điều hành ngày 6-9 vừa qua, nếu không xả BOG với xăng là 263-291 đồng/lít và dầu là 300 đồng/lít, kg, thì giá xăng có thể được điều chỉnh tăng gần 600 đồng, thay vì mức 300 đồng. Tương tự, lần điều chỉnh gần đây nhất vào ngày 21-9 giá xăng được tăng thêm 300 đồng/lít mặc dù liên bộ đã tiếp tục chi mạnh BOG, với xăng E5RON92 tới 1.563 đồng/lít...

Tuy nhiên, ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng không chỉ dừng lại ở việc không trích lập 300 đồng vào quỹ, đã đến lúc cần tính chuyện bỏ BOG. Bởi trước đây cơ chế điều hành kéo dài khiến giá xăng không theo kịp được thị trường, nên cần có sự can thiệp của quỹ để giảm tác động tăng giá. Nhưng với cơ chế điều hành 15 ngày/lần hiện nay giá có lên có xuống và dần tiệm cận theo thị trường.

"Với cơ chế hiện nay giá xăng dầu không có biến động quá lớn, nên quỹ không có nhiều vai trò. Đồng thời khi nguồn cung trong nước tăng lên thì phải sửa cơ chế liên quan đến giá bán xăng dầu trong nước, vì liên quan đến chi phí sản xuất sẽ khác với nhập khẩu - ông Ánh nói và đề nghị thêm - Cùng với việc bỏ quỹ cần công khai minh bạch giá cơ sở với các thông tin đầy đủ và chi tiết hơn về cơ cấu tính giá".

Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị chỉ nên yêu cầu người dân nộp quỹ qua giá xăng dầu khi giá đang giảm. Ngược lại, khi giá tăng thì không trích, để không làm tăng giá. Một số chuyên gia cũng đồng quan điểm trên, cho rằng cần xem xét sửa đổi cơ chế sử dụng quỹ. Vì cùng lúc vừa trích lập lại vừa phải xả quỹ trong lúc giá xăng dầu tăng là bất hợp lý.

Theo đại diện Petrolimex, quỹ bình ổn giá thời gian qua đã đóng vai trò nhất định trong việc bình ổn giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, việc chi sử dụng BOG không nên kéo dài và ở mức cao sẽ dẫn đến nhanh cạn quỹ và giá bán trong nước thoát ly giá thị trường.

Đáp ứng 70% nhu cầu nội địa

Theo Tập đoàn Dầu khí VN, trong 7 tháng đầu năm 2018, sản xuất xăng dầu từ hai NMLD Nghi Sơn và Dung Quất đạt 4,85 triệu tấn. Trong khi đó, tổng sản lượng NMLD Dung Quất là khoảng 2,7 triệu tấn xăng và trên 3 triệu tấn dầu DO/năm.

Dự kiến, NMLD Nghi Sơn có thể cung cấp khoảng 2,3 triệu tấn xăng và gần 3,7 triệu tấn dầu DO/năm. Dự kiến cả hai NMLD Nghi Sơn và Dung Quất có thể đáp ứng được 70% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Được biết, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước từ năm 2018 đến năm 2022 trung bình đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO...

Phạm Thế Anh

Ông Phạm Thế Anh (trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế quốc dân):

Xem kỹ cách tính tác động tới CPI

Theo đánh giá tác động về việc tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1-1-2019 đối với mặt hàng xăng dầu được cơ quan chức năng công bố, chỉ số giá tiêu dùng năm 2019 chỉ tăng 0,07-0,09%.

Giả sử CPI sau một năm tăng 0,08%, với một hộ gia đình trung bình tiêu 10 triệu đồng/tháng, theo cách tính được cơ quan chức năng công bố, một năm người dân chỉ cần chi tiêu thêm 8.000 đồng/tháng để duy trì mức sống như cũ. Con số này nhỏ và không phù hợp với nhiều người dân. Bởi 8.000 đồng chỉ bằng số tiền bỏ thêm khi đổ 1 lần 8 lít xăng!...

Theo tính toán từ mô hình kinh tế lượng ứng dụng, lạm phát (% thay đổi của CPI) và giá bán lẻ xăng A92 và xăng A95 kể từ năm 2010 cho đến nay, cho thấy trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, sau khi giá xăng dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít (tăng thêm 4,7%) so với hiện nay, CPI bắt đầu tăng mạnh vào tháng thứ 2 (0,16%), tháng thứ 3 (0,21%), tháng thứ 4 (0,20%),... sau đó giảm dần đến tháng thứ 18 (tức là phải sau một năm rưỡi) mới không còn tác động.

Tổng tác động sau 12 tháng là 1,60%; sau 18 tháng là 1,69%. Tức là một hộ gia đình chi tiêu 10 triệu đồng/tháng, sau một năm họ cần phải bỏ thêm 160.000 đồng để duy trì mức sống như cũ.

N.AN

Giá khoai mì làm khó xăng E5? Giá khoai mì làm khó xăng E5?

TTO - Giá khoai mì - nguyên liệu sản xuất ethanol - tăng mạnh thời gian gần đây khiến giá xăng E5 cũng bị ảnh hưởng.

L.THANH - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên