Từ trái sang: thuyền trưởng Lưu Văn Lý, Lê Thanh Thiện (đứng), Hứa Minh Trung, Lê Thanh Thừa tại trại tạm giam Viện công tố, tỉnh Natuna - Indonesia - Ảnh: LÊ NAM
Sau khi Công ước Luật Biển 1982 ra đời và có hiệu lực thì khoảng 36% diện tích biển và đại dương thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.
Tuy nhiên, cũng từ đó đã làm phát sinh hơn 400 tranh chấp liên quan đến các vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia ven biển mà Việt Nam và các nước trong khu vực cũng không phải là ngoại lệ.
Ứng xử ở vùng biển chồng lấn
Các vùng biển chồng lấn có thể là nội thủy, lãnh hải, đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Để giải quyết loại tranh chấp này, các quốc gia ven biển phải đàm phán để phân định ranh giới các vùng biển chồng lấn theo quy định của Công ước 1982.
Cụ thể, khi có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa chồng lấn, theo điều 74, điều 83 của Công ước 1982 thì các quốc gia sẽ phân định "bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế".
Trong trường hợp chưa thể phân định được thì các quốc gia hữu quan sử dụng các biện pháp chính trị ngoại giao như đàm phán, hòa giải hoặc "giải quyết tranh chấp tại Tòa án quốc tế hoặc Trọng tài quốc tế".
Đặc biệt, Công ước 198 khuyến cáo các quốc gia có các vùng biển chồng lấn trong khi chưa đàm phán và phân định được thì nên áp dụng "giải pháp tạm thời" đó là "khai thác chung" tại vùng chồng lấn (joint-development of overlapping area).
Giải pháp này đã được các quốc gia trên thế giới áp dụng và thực hiện khá thành công như: Thỏa thuận khai thác chung giữa Liên Xô và Thụy Điển, Liên Xô và Na Uy, Canada và Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam và Trung Quốc ở vịnh Bắc Bộ, Việt Nam và Campuchia, Việt Nam và Malaysia ở vịnh Thái Lan…
Việt Nam và Indonesia có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn ở phía nam Biển Đông. Sau 25 năm đàm phán, ngày 26-6-2003, hai nước đã ký kết Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa. Hiệp định này có hiệu lực ngày 29-5-2007.
Trong thời gian qua, hai nước cũng đã rất tích cực đàm phán để phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, lãnh đạo hai nước luôn quyết tâm đàm phán để phân định trong thời gian sớm nhất.
Trong chuyến thăm Indosia vào tháng 7-2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó tổng thống Indonesia đã thống nhất "thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước".
Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết "trong khi chờ đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế, hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân hai nước hoạt động tại khu vực chồng lấn".
Đặc biệt, Phó tổng thống Indonesia khẳng định sẽ "chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Việt Nam trong vấn đề ngư dân - tàu thuyền và ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc gia hạn Hiệp định thông báo và trợ giúp lãnh sự cũng như Bản ghi nhớ về hợp tác biển và nghề cá ký năm 2010".
Bắt giữ ngư dân trái luật
Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, phó trưởng khoa Luật Quốc tế, trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Đại học Luật TP.HCM
Liên quan đến các thuyền trưởng đang kêu oan trên Tuổi Trẻ, ngày 13-4-2017, khi 5 tàu cá của Kiên Giang cùng 70 ngư dân đang đánh bắt ở khu vực cách đông nam Hòn Khoai (Cà Mau) khoảng 150 hải lý thì bị tàu Indonesia bắt giữ.
70 ngư dân được thả về Việt Nam, riêng 5 thuyền trưởng vẫn đang bị tạm giam để xét xử.
Nếu các thuyển trưởng đang đánh bắt trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì hành vi của lực lượng chấp pháp trên biển của Indonesia là vi phạm nghiêm trọng Công ước 1982 và xâm phạm đến quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam cũng như quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ngư dân Việt Nam theo quy định của Công ước 1982.
Trường hợp, đối với các vùng biển chồng lấn, chưa được phân định thì các quốc gia cần thỏa thuận để thống nhất giải pháp tạm thời là "khai thác chung".
Rất tiếc, cho đến nay Việt Nam và Indonesia chưa có thỏa thuận nào về giải pháp này nên đã dẫn đến việc bắt giữ như đã nêu ở trên.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, trên các vùng biển chồng lấn thì các bên liên quan đều có quyền khai thác tài nguyên biển, trong đó có hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân.
Do vậy, ngay cả trong trường hợp ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn chưa phân định giữa hai nước thì lực lượng chấp của Indonesia cũng không có quyền bắt giữ, điều tra, truy tố và xét xử đối với ngư dân Việt Nam.
Từ những phân tích ở trên, có thể kết luận rằng, việc các cơ quan có thẩm quyền của Indonesia bắt giữ, điều tra, truy tố và xét xử 5 thuyền trưởng của tàu cá Việt Nam khi họ đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai nước chưa được phân định là trái với Công ước 1982 và thỏa thuận của lãnh đạo hai nước.
Chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần kiên quyết đấu tranh với Indonesia trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước 1982 để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia và quyền đánh bắt hải sản hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của ngư dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền đánh bắt bền vững, ổn định, an toàn cho ngư dân, Chính phủ cần đẩy mạnh đàm phán để sớm phân định vùng biển để hướng dẫn cho ngư dân hoạt động.
Vị trí tọa độ của 5 tàu cá bị bắt ngày 13-4-2017
Tàu cá-thuyển trưởng | Theo định vị của ngư dân | Theo cáo trạng |
KG-95359, thuyền trưởng Lưu Văn Lý | 06 032'00"B-1060 22'00"Đ | 060 30'548"B-1060 24'706"Đ |
KG-93895, thuyền trưởng Hứa Minh Trung | 060 31'00"B -106020'00"Đ | 060 31'303"B- 1060 23'668"Đ |
KG-92503, thuyền trưởng Lê Thanh Thừa | 060 40'00"B-106029 00"Đ | 060 34'734"B-1060 29'918"Đ |
KG-90793, thuyền trưởng Lê Thanh Thiện | 060 34'00"B-106027'00"Đ | 060 30'526"B-1060 31'186"Đ |
KG-90946, thuyền trưởng Cao Văn Hoàng | 06 030'00"B-106023'00"Đ | 06 034'071"B-1060 26'989"Đ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận