19/04/2019 10:50 GMT+7

Bắt bớt cá vì kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chứa không nổi

LÊ PHAN - LÊ TỨ
LÊ PHAN - LÊ TỨ

TTO - Để phòng ngừa cá chết hàng loạt sau những cơn mưa đầu mùa tại khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM xin chủ trương UBND TP.HCM cho phép giảm số lượng cá trên kênh này trong năm 2019.

Bắt bớt cá vì kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chứa không nổi - Ảnh 1.

Nhân viên Công ty Môi trường đô thị TP.HCM vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào sáng 18-4 - Ảnh: LÊ PHAN

Tháng 5-2016, gần 70 tấn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chết nổi trắng mặt kênh. Nguyên nhân: do mưa cuốn trôi chất bẩn trên đường phố, các hệ thống cống xuống kênh làm tăng nồng độ các chất NH3-N, H2S, giảm lượng dưỡng khí trong nước.

Tương tự, tháng 4-2017, hơn 1 tấn cá trên kênh này lại chết nổi lên mặt nước. Đến tháng 5-2017, cá lại chết hàng loạt trên kênh này tại khu vực cầu Công Lý, cầu Lê Văn Sỹ và đoạn gần cầu Trần Khánh Dư.

Chúng tôi không khuyến khích người dân thả cá xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để giảm tải cho kênh, tránh làm cá chết. Nếu bà con phóng sinh thì nên thả cá bản địa như cá trê, cá lóc, cá chép vì các loài cá này có sức sống mạnh

Ông Lê Tôn Cường (phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM)

Cá quá nhiều, kênh chứa không nổi!

Bà Võ Thị Mộng Thu - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM - cho biết trước thực trạng cá chết hàng loạt, chi cục căn cứ vào kết quả đề tài "Nghiên cứu khả năng thả cá dựa trên tính toán sức tải thủy vực của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè" của khoa thủy sản Trường ĐH Nông lâm thực hiện để tham mưu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình UBND TP.HCM giảm đàn cá mỗi năm nhằm giảm sức tải cho thủy vực của dòng kênh.

Trước mùa mưa năm nay, trao đổi về việc này, ông Lê Tôn Cường - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM - cho biết chi cục đã quan trắc môi trường nước và xây dựng kế hoạch lấy mẫu nước để đo nhiệt độ, độ trong, độ mặn, oxy hòa tan, pH, NH3-N, H2S... nhằm đưa ra nhận định cảnh báo, các giải pháp phòng ngừa.

Mỗi tuần sẽ lấy mẫu nước hai lần, vào mùa mưa, thời điểm giao mùa, thời tiết xấu sẽ tăng số lần lấy mẫu nước.

"Hằng năm đàn cá sinh sản tự nhiên và lượng cá người dân phóng sinh khiến số lượng cá trong kênh vượt quá sức tải thủy vực. Cộng với thời tiết thay đổi, xâm nhập mặn, ô nhiễm gây thiếu oxy, NH3-N tăng cao khiến cá chết" - ông Cường lý giải.

Cũng theo ông Cường, năm 2018 Chi cục Thủy sản TP.HCM đã 2 lần bắt bớt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với số lượng khoảng 30 tấn. Và từ năm 2018 đến nay hiện tượng cá chết hàng loạt đã không còn.

Trong năm nay, chi cục kiểm tra theo dõi tình trạng và mật độ cá trên từng đoạn kênh, nếu quá sức tải thủy vực và chất lượng nước không đáp ứng yêu cầu duy trì sự sống của đàn cá thì sẽ xin chủ trương cho bắt bớt cá trên kênh.

Về phương pháp giảm đàn cá, ông Cường cho biết chi cục sẽ phối hợp với Công ty Môi trường đô thị TP dùng lưới vây để đánh bắt cá (chủ yếu là cá rô phi).

Sau khi bắt cá sẽ dùng xe chuyên dụng có trang bị máy thổi oxy chuyển cá thẳng ra sông để thả hoặc đưa về ao nuôi để cá phục hồi sức khỏe rồi mới chuyển ra sông lớn.

Giảm đàn cá để cân bằng sinh thái

Theo PGS.TS Vũ Cẩm Lương - bộ môn quản lý và phát triển nghề cá, khoa thủy sản ĐH Nông lâm TP.HCM, khi đàn cá trên kênh quá đông thì cần giảm để đưa đàn cá và quần đàn trở về cân bằng sinh thái. Đặc biệt, những loài cá như rô phi, cá chép rất nhạy cảm, chỉ cần môi trường sống thay đổi đột ngột cá sẽ chết hàng loạt.

Tuy nhiên, mức độ giảm đàn cá bao nhiêu thì cần phải có quan trắc. Có nhiều phương pháp quan trắc, có thể thực hiện một số biện pháp bằng mắt thường. Ví dụ vào sáng sớm trước khi mặt trời mọc, cá rô phi và các loài cá không có cơ quan hô hấp phụ phải bơi lên mặt nước để thở do lượng oxy hòa tan ở kênh xuống thấp nhất trong ngày, lúc này có thể quan trắc mật độ cá trên/m2 bằng phương pháp đếm.

Năm 2016-2017, ĐH Nông lâm đã nghiên cứu đề tài về sức tải thủy vực của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và nhận thấy có những phân vùng cá rô phi đạt đến 30 hoặc 40 con/m2. Dựa vào cơ sở thức ăn, môi trường sống, nhóm nghiên cứu đã đề xuất giảm ít nhất 50% số lượng cá rô phi vào thời điểm đó.

Ngoài biện pháp bắt bớt cá trên kênh, ông Vũ Cẩm Lương cho rằng cần phối hợp một số biện pháp khác để giảm tình trạng ô nhiễm và cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Kênh này tiêu thoát nước theo chế độ thủy triều và có cống ngăn triều ở đầu kênh.

Cơ quan quản lý cống ngăn triều cần theo dõi dự báo thời tiết để đóng mở cống cho hợp lý. Tùy thời điểm có thể chấp nhận không thau rửa kênh và giữ nước để khi có mưa thì lượng nước trong kênh có thể trung hòa nước ô nhiễm từ hệ thống cống đổ vào.

Ngoài ra, có thể phối hợp làm các đài phun nước, máy quạt nước tạo cảnh quan để tăng lượng oxy hòa tan vào nước. Oxy hòa tan này có thể phân hủy chất hữu cơ, tăng chất lượng môi trường nước, khi có sự cố môi trường có thể giảm thiểu thiệt hại đàn cá trong kênh.

Cá lại chết nổi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè Cá lại chết nổi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

TTO - Sau hai cơn mưa bất ngờ rạng sáng 17 và 18-4, cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại nổi lên để thở do lượng ôxy hòa tan trong nước thấp, một số cá bị chết nhưng không đáng kể.

LÊ PHAN - LÊ TỨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên