Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua quận 9 - TP.HCM chậm tiến độ vì phải chờ vốn - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ông Eric Sidgwick - giám đốc quốc gia ADB, đại diện các nhà tài trợ - đánh giá trong 3-4 năm qua, tiến độ giải ngân ODA tại Việt Nam rất chậm, khiến các nhà tài trợ và cổ đông của nhà tài trợ rất quan ngại.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế xã hội là giải ngân nhanh và giải ngân có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công bao gồm cả vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Tài chính, số liệu giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi từ 2016 đều không đạt kế hoạch.
Có tiền mà không tiêu được
Cụ thể, ông Dũng cho biết vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 360.000 tỉ đồng. Nhưng đến hết năm 2019, tổng số vốn đã giao trong dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2019 là 244.300 tỉ đồng, số chưa giao 115.700 tỉ đồng, bằng 67,9% kế hoạch điều chỉnh cả giai đoạn.
Về số đã giải ngân, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 5-2019 đạt 133.042 tỉ đồng, bằng 54,5% kế hoạch đã giao.
Cụ thể, năm 2016, dự toán Quốc hội quy định 50.000 tỉ đồng, giải ngân đạt 42.552 tỉ đồng, bằng 81,1%.
Năm 2017, dự toán Quốc hội giao 74.034 tỉ đồng nhưng giải ngân đạt 56.578 tỉ đồng, bằng 76,4%.
Năm 2018, dự toán Quốc hội giao 60.226 tỉ đồng, giải ngân đạt hơn một nửa kế hoạch với 32.307 tỉ đồng.
Năm 2019, dự toán Quốc hội giao 60.000 tỉ đồng, đã giao 47.500 tỉ đồng, số còn lại Thủ tướng chưa giao 12.500 tỉ đồng. Giải ngân 5 tháng đầu năm đạt 1.605 tỉ đồng, bằng 2,7% dự toán Quốc hội giao.
Đến hết năm 2019, trong số 360.000 tỉ đồng vốn đầu tư công của cả giai đoạn 2016-2020, số tiền còn lại phải giải ngân 222.958 tỉ đồng.
"Đây là con số rất đáng báo động. Trước tính cấp bách của vấn đề này, nhằm hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải ngân của các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính mong muốn các bộ, ngành trung ương, các cơ quan quản lý dự án, các chủ dự án và các đối tác phát triển để cùng bàn các giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy giải ngân các dự án này" - ông Dũng nêu.
'Nhìn thấy tiền mà không tiêu được'
Về nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân chậm của thời gian qua, ông Trương Hùng Long - cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - cho rằng việc chuẩn bị đầu tư kéo dài thời gian triển khai dự án.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài khiến tiến độ giải ngân chậm trễ.
Chỉ ra một loạt các nguyên nhân khiến giải ngân vốn vay ODA và vay ưu đãi chậm, ông Eric Sidgwick nhấn mạnh việc thời gian chuẩn bị dự án mất 1-2 năm.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn được đưa ra 5 năm, nhưng lại thường xuyên được sửa đổi, kéo dài mất nhiều thời gian, rồi việc phân bổ vốn đầu tư hàng năm rất muộn và chậm. Đặc biệt, thủ tục thẩm định và cho vay lại rất phức tạp.
Về tác động tiêu cực của tốc độ giải ngân chậm, giám đốc quốc gia ADB khuyến cáo không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án mà còn làm tăng các chi phí như phí cam kết, chi phí quản lý dự án.
"Thêm nữa, tranh chấp hợp đồng với nhà thầu cũng có nguy cơ xảy ra và đặc biệt uy tín của Việt Nam bị ảnh hưởng khi giải ngân vốn vay chậm. Tác động này không ngay lập tức nhưng về lâu dài sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế" - ông Eric Sidgwick cảnh báo.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói: "Rõ ràng nhìn thấy tiền mà không tiêu được. Một loạt dự án đường cao tốc phải dừng lại hết vì mấy năm nay không được giao đồng vốn nào".
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay, lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ phải có quyết sách như cần phân bổ vốn theo kế hoạch sớm.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng Bộ Kế hoạch - đầu tư cần rà soát tổng thể việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đến 2020 để kịp thời điều chỉnh và phân bổ vốn cho các dự án đang thiếu vốn nhằm đảm bảo hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ giao trong giai đoạn 2016-2020.
Riêng từ nay đến hết năm, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng ban hành chỉ thị để thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận