27/05/2019 17:29 GMT+7

Báo cáo giám sát đất đai ở Quốc hội không nhắc Vũ 'nhôm', Út 'trọc'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Vụ Vũ "nhôm" và Út "trọc", một số lãnh đạo ngành công an, quân đội đã bị xem xét kỷ luật... là hiện tượng nghiêm trọng, nhưng báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội lại không nhắc đến, theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội).

Báo cáo giám sát đất đai ở Quốc hội không nhắc Vũ nhôm, Út trọc - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 27-5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Trục lợi chính sách, tiêu cực tham nhũng về đất đai

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình) cho rằng hệ thống chính sách pháp luật về quản lý đất đai ở đô thị cơ bản là đầy đủ, thực hiện từng bước đi vào nề nếp và chính sách tài chính đất đai đã góp phần thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, "công tác quản lý đất đai đang gây nên hiện tượng trục lợi chính sách, tiêu cực tham nhũng, lãng phí về đất đai, làm xói mòn lòng tin của người dân. Nhiều lĩnh vực quản lý đất đai được coi là vùng cấm như đất quốc phòng cũng đã xảy ra vi phạm gây mất uy tín của ngành. Nguyên nhân là do trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và cá nhân thực hiện, không loại trừ phát sinh lợi ích nhóm trong thu hồi đất, giao đất và sử dụng đất", ông Sinh nói.

Đại biểu của Hòa Bình kiến nghị hoàn thiện ngay quy định huy động vốn, đặc biệt là hình thức BT, để tháo gỡ khó khăn cho địa phương, huy động nguồn lực xã hội; thực hiện công khai minh bạch; không vượt rào, xé luật, dự án chuyển đổi theo đúng bản chất để nhà đầu tư thực hiện theo đúng pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết loại bỏ cá nhân vi phạm ra khỏi cơ quan công quyền...

Thời gian qua xảy ra vụ Vũ "nhôm" và Út "trọc", một số lãnh đạo ngành công an, quân đội cũng đã bị xem xét kỷ luật... là hiện tượng nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Nhưng không biết vì lý do gì báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội lại không nhắc tới, đề nghị Quốc hội làm rõ và xử lý nghiêm minh.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)

Báo cáo giám sát đất đai ở Quốc hội không nhắc Vũ nhôm, Út trọc - Ảnh 3.

Các đại biểu tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 - Ảnh: Quochoi.vn

Lợi dụng dấu mật để không công khai nội dung thanh tra

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (tỉnh Bình Dương) nhận định rằng hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra còn bất cập. Đơn cử như thanh tra ở địa phương 1 năm báo cáo tới hơn 10.000 vụ, nhưng mỗi cuộc thanh tra chỉ kiến nghị thu hồi được hơn 1 tỉ đồng.

"Đang có tình trạng lợi dụng chuyện đóng dấu mật để không công khai minh bạch các ý kiến thanh tra, nhất là vấn đề dư luận báo chí nêu. Đề nghị Chính phủ, Thanh tra Nhà nước công khai kết luận thanh tra, thực hiện kết luận thanh tra để nhân dân giám sát và tạo cơ sở người dân giám sát thực thi kết luận thanh tra", ông Nguyễn Thanh Hồng nói.

Báo cáo giám sát đất đai ở Quốc hội không nhắc Vũ nhôm, Út trọc - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà - Ảnh: Quochoi.vn

Mọi giao dịch đất đai sẽ phải qua sàn đấu giá

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà trao đổi tại phiên thảo luận: Công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch đô thị, xây dựng hay quy hoạch ngành là công cụ quan trọng nhưng đang có những bất cập. Luật quy hoạch sẽ giải quyết vấn đề hết sức quan trọng này, từ khâu thẩm định, phê duyệt đến điều chỉnh quy hoạch.

Theo đó, quy hoạch đất đai cần tính toán, xác định nội hàm chính xác hơn, có ý nghĩa và tầm nhìn chiến lược, phản ánh trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu, giải quyết bài toán kinh tế, cân đối hài hòa hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường, biến đổi khí hậu, cho hôm nay và mai sau, công khai và minh bạch...

Nhiều khiếu nại tố cáo, bất cập trong cổ phần hóa doanh nghiệp, thất thoát và lãng phí đất đai là có nguyên nhân từ định giá đất. Do đó, ta sẽ định ra cơ sở dữ liệu đất đai, theo dõi sàn giao dịch và đưa ra định chế để xác định giá giao dịch với giá thị trường. 

Mọi hoạt động mua bán sẽ phải qua sàn giao dịch và từ đó Nhà nước áp dụng khung giá đất theo thị trường và việc tính giá đất sẽ minh bạch hơn, có cơ sở pháp lý hơn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Báo cáo giám sát đất đai ở Quốc hội không nhắc Vũ nhôm, Út trọc - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thì cho biết sẽ sửa đổi các quy định về quy hoạch đô thị để quản lý đất đô thị hiệu quả hơn.

Đơn cử như quy định phân loại đất đô thị, sự đồng bộ quy hoạch sử dụng đất, thu hồi quy hoạch đất hai bên dường khi thực hiện dự án giao thông đô thị; đưa ra quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn mới phát sinh; xây dựng đề án đổi mới phương pháp luận, lý luận phát triển đô thị.

Đặc biệt, để hạn chế tình trạng điều chỉnh đô thị tùy tiện, bộ đã tham mưu và trình Chính phủ thông qua sửa đổi luật liên quan đến quy hoạch. Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch sẽ phải theo trình tự, thủ tục y như việc lập quy hoạch; bãi bỏ quy định về giấy phép quy hoạch, tránh tình trạng vận dụng tùy tiện gây bất cập và phá vỡ tính thống nhất của quy hoạch.

Bộ này cũng sẽ xây dựng Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị để người dân giám sát, tránh tình trạng lấy quy hoạch đô thị để tạo ra lợi ích nhóm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết. Bộ Xây dựng cũng đang yêu cầu các địa phương hoàn thiện thông tin về thị trường bất động sản và nhà ở.

Đề nghị sửa Luật Đất đai, minh bạch các dự án giao đất Đề nghị sửa Luật Đất đai, minh bạch các dự án giao đất

TTO - Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, minh bạch các dự án giao đất phục vụ kinh tế xã hội thông qua đấu giá.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên