Chiều tối 15-7, khi tôi lên đến Hà Giang, đã có rất nhiều phóng viên có mặt, nhiều nhóm khác đang trên đường đến.

Lúc này, nghi vấn về gian lận đang nóng trên các mặt báo. Nhưng sự chú ý đổ dồn về Hà Giang vì đây là nơi đoàn kiểm tra Bộ GD-ĐT đến.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 1.
Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 2.

Tối 15-7 diễn ra trận chung kết Word Cup 2018, nhưng nhiều phóng viên khi đó không còn tâm trí xem bóng đá. Hé mở duy nhất vào thời điểm này là ông Trần Đức Quý - phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - thừa nhận "có những điểm bất thường" khi rà soát các khâu chuyển bài thi, chấm thi, bảo quản túi bài thi.

Do độ nóng của nghi vấn gian lận thi, nhiều báo đã cử 2-3 phóng viên lên Hà Giang, chia nhau gác ở cổng các cơ quan chức năng và UBND tỉnh. Tuổi Trẻ lúc này chỉ có một người nên việc căng ra để không sót tin khiến phóng viên mang áp lực rất nặng.

Trong bối cảnh đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT không hé mở bất cứ thông tin nào, các cơ quan liên quan của Hà Giang khi đó "bế quan tỏa cảng", bất cứ thông tin nào, dù rất nhỏ cũng quý giá.

Nhiều bài báo đăng trong các ngày 15 và 16-7 chỉ ghi nhận những chuyện bên lề như đoàn kiểm tra của bộ "nội bất xuất, ngoại bất nhập", gọi cơm hộp ăn tại chỗ không ra ngoài hay địa điểm chấm thẩm định sáng đèn xuyên đêm… cũng đủ trở thành bài có lượng "view" lớn. Đồng nghĩa áp lực tiếp tục đè nặng hơn với phóng viên tại hiện trường.

Hà Giang im lặng tựa sự bức bối trước một cơn bão.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 3.
Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 4.

Một người đàn ông giới thiệu là phụ huynh cũng có con dự thi năm 2018, ông nói muốn cung cấp thông tin cho báo chí vì nghi ngờ có gian lận xảy ra.

Hà Giang vốn rất nhỏ bé, trong khi tất cả phóng viên đều đang giương hết "ăngten" để bắt sóng thông tin nên rất nhanh chóng, nguồn tin này được nhiều phóng viên biết.

Vài người chờ chúng tôi ở trước cổng một trường học, nhưng phải đi theo họ một lúc mới rẽ vào một ngôi nhà. Có vài người cùng gặp chúng tôi, trong đó có anh H (nhân vật đã được đổi tên - PV).

Người đàn ông đó có con học Trường THPT chuyên Hà Giang. Nhưng trong câu chuyện chia sẻ, anh không bức xúc chỉ vì quyền lợi của con mình.

Anh H cho biết có nhiều dấu hiệu khiến anh nghi ngờ có chuyện không minh bạch. Bắt đầu bằng câu chuyện của con và các bạn khi bình luận về bạn A, bạn B, sức học không thể đạt được điểm như thế.

"Đề Toán rất khó, học sinh thuộc tốp học giỏi nhất lớp chuyên Toán cũng chỉ đạt điểm 8. Vậy mà có những thí sinh đạt điểm cao hơn", anh H cho biết.

Trong buổi gặp, anh H bày tỏ mong muốn báo chí giúp đỡ làm sáng tỏ sự việc vì thông tin thi cử ở Hà Giang không minh bạch, nhiều người biết nhưng không dám nói ra.

Nhiều phóng viên sau cuộc gặp này đã tìm đến Trường THPT chuyên Hà Giang.

Trước đó, khi tốp thí sinh có điểm xuất sắc nhất cả nước được công bố gồm 11 thí sinh thì đã có 2 thí sinh là học sinh Trường THPT chuyên Hà Giang. Vì thế thông tin của anh H cung cấp càng khiến ngôi trường này trở thành "mục tiêu" săn tin của báo chí.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 5.

Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - trao đổi công việc khi thực hiện việc kiểm tra - Ảnh: VĨNH HẢ

Nhưng cũng như một số cơ quan của Hà Giang khi đó, trường chuyên không có ai ngoài ông bảo vệ. Điện thoại lãnh đạo nhà trường đều tắt máy hoặc "không kết nối được".

Tôi liên lạc lại với anh H. Nhà anh ở một huyện của Hà Giang. Qua điện thoại, anh dè dặt hơn khi tôi ngỏ ý muốn đến nhà để hỏi chuyện. Trước đó, tôi nghe phong thanh có con một cán bộ phòng giáo dục Vị Xuyên đạt mức điểm thi cao bất thường.

Anh H cho chúng tôi xem bản chụp điểm thi của học sinh Trường THPT chuyên Hà Giang, có đầy đủ tên, số báo danh, điểm thi.

"Trường chuyên Hà Giang đã dán kết quả này cho học sinh, phụ huynh tra điểm nên tôi mới biết điểm thi của nhiều học sinh khác và đã chụp lại. Bây giờ họ gỡ danh sách này đi rồi", anh H cho biết.

Dữ liệu anh H cung cấp khi đó chỉ có ý nghĩa tham khảo, để củng cố cho phỏng đoán có điều gì đó bất thường.

Nhưng sau này, khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định và công nhận kết quả chấm thẩm định mới là kết quả thi chính thức, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ đã căn cứ vào số báo danh, tên một số thí sinh ở danh sách đã có để tra lại mức điểm mới (sau khi chấm thẩm định).

Kết quả công bố của Bộ GD-ĐT chỉ thông tin số liệu chung. Những trường hợp cụ thể đều do nhóm phóng viên tự tra cứu dựa trên những thông tin có được ban đầu để xác định rõ mức điểm gian lận của một số trường hợp. Trong số này có con gái vị lãnh đạo cấp cao của Hà Giang, con một số lãnh đạo, cán bộ ngành GD-ĐT ở Hà Giang…

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 6.

Con anh H chỉ đỗ vào một trường đại học tốp giữa tại Hà Nội. Hôm chúng tôi đến nhà cũng gặp và trò chuyện với em.

Em không cởi mở, cũng dễ hiểu vì em muốn bảo vệ bạn học. Nhưng em cũng thừa nhận, với một đề thi Toán khó như thế, đạt điểm 8 là khó. Em kể một bạn khác học Toán giỏi hơn em nhưng cũng chỉ đạt 8 điểm Toán. Có một số bạn khác chỉ 6-7 điểm.

Con anh H cũng cho biết một bạn ở trường chuyên sau khi biết mình trong diện nghi vấn nâng điểm đã đóng cửa khóc suốt, rồi điện thoại cho các bạn thanh minh mình không biết gì về việc đó.

Sau này anh H còn giữ liên hệ với phóng viên một thời gian dài. Anh cung cấp những thông tin ban đầu, chứng tỏ anh đặt niềm tin vào báo chí có thể giúp Hà Giang thanh lọc. Và anh vẫn theo dõi quá trình tác nghiệp của chúng tôi.

"Báo chí đừng bỏ cuộc, phải cố gắng làm sáng tỏ sự thật", anh điện thoại nhắc khi tôi trên đường từ Hà Giang về Hà Nội.

Sau này, anh cho tôi biết sau đợt chia sẻ thông tin cho báo chí anh cũng có chút rắc rối, cũng có người "hỏi thăm", nhưng anh nói không lo gì cả vì anh chỉ giúp chúng tôi một phần nhỏ bé để đi tới sự thật.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 7.
Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 8.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 9.

Cuộc họp diễn ra sau hai ngày phóng viên các báo đôn đáo khắp nơi rồi chờ chực đến tối ở trước cổng Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang.

Tối 16-7, nhiều phóng viên chụp bức ảnh dãy nhà tầng 2 của Sở GD-ĐT Hà Giang sáng đèn để gửi về tòa soạn, đó là thông tin duy nhất lúc đó, thể hiện việc đoàn công tác của Bộ GD-ĐT vẫn đang làm việc.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 10.

Bức ảnh chụp nơi tổ kiểm tra làm việc trong đêm - Ảnh: VĨNH HÀ

Nhưng chỉ hơn nửa tiếng sau, một thông tin rò rỉ từ tổ công tác đang làm việc trong khu vực kiểm tra, chấm thẩm định cho thấy "có việc nâng điểm thi cho nhiều thí sinh".

Thông tin về số lượng thí sinh được "nâng điểm" rò rỉ ra ngoài khi đó không chính xác vì cùng thời gian ấy, việc kiểm tra, chấm thẩm định vẫn đang diễn ra. Nhưng chỉ thế thôi cũng đủ trở thành cơn chấn động nhẹ. Nó thêm một xác nhận nữa về việc đã tìm ra dấu vết gian lận.

Đồng loạt, nhiều phóng viên nhắn tin, điện thoại cho ông Mai Văn Trinh sau thông tin này. Tin nhắn nhận lại vẫn khẳng định "chưa có gì", "không đúng như những vì phóng viên vừa biết".

Nhiều phóng viên đã hồ nghi tin rò rỉ là "tin vịt", giục nhau đi ngủ. Nhưng không ai ngủ được trong tình thế ấy.

Với phóng viên Tuổi Trẻ thì còn một nỗi âu lo khác.

16h chiều 16-7, Tuổi trẻ Online có quyết định đình bản 3 tháng.

Có thể nhìn thấy trước một cuộc chạy đua thông tin mà mình cầm chắc thua khi hàng loạt phóng viên các báo đều đang sẵn sàng cập nhật từng phút những diễn biến của sự việc tại Hà Giang.

Tới gần 12h đêm 16-7, ông Mai Văn Trinh mới quyết định gặp báo chí.

Nhiều phóng viên khi ấy mặc nguyên đồ ngủ, chân còn đi dép lê của khách sạn ôm laptop, máy ảnh chạy đến cổng Sở GD-ĐT Hà Giang. Những gương mặt phờ phạc vì mệt, thiếu ngủ, lo âu.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 11.

Nhiều phóng viên chờ đợi ngoài cổng Sở GD-ĐT Hà Giang đêm 16-7 - Ảnh: VĨNH HÀ

Hơn 12h đêm, người đại diện Bộ GD-ĐT ở Hà Giang xuất hiện, cũng với nét mặt mệt mỏi.

Chúng tôi không được mời vào trong mà ông Trinh đi ra ngoài cổng, đứng giữa vòng vây báo chí ngay giữa lòng đường.

Thông tin ngắn ngủi ông Trinh trao đổi là qua rà soát đã phát hiện có sai phạm trong quá trình chấm thi. Bộ GD-ĐT đã thành lập hội đồng chấm thẩm định các môn thi trắc nghiệm làm việc xuyên đêm.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 12.

Ông Trinh trả lời báo chí vào lúc 1h sáng 17-7, bức ảnh đăng trên bản tin cuối cùng của Tuổi Trẻ Online trước khi tạm ngưng trong ba tháng - Ảnh: VĨNH HÀ

Và với kết quả đấu tranh ban đầu, đã xác định được đối tượng gây ra sai phạm này, hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra.

Trong ba ngày ở Hà Giang, thông tin về "có sự bất thường" trong chấm thi ở Hà Giang từng được lãnh đạo tỉnh khẳng định và rò rỉ từ các kênh khác nhau. Nhưng việc đại diện cao nhất của Bộ GD-ĐT tại Hà Giang khi đó - người chủ trì việc kiểm tra chính thức khẳng định việc có sai phạm là thông tin rất có giá trị.

Đó là khởi đầu cho những bí mật gian lận thi được phanh phui.

Cuộc "họp báo" đặc biệt đó là ấn tượng khó phai trong hành trình tác nghiệp của những phóng viên ở Hà Giang lúc này bởi áp lực, sự bức bối khi thông tin bị ém, việc tác nghiệp bị ngăn trở. Và khi sự thật hé mở, lại vào nửa đêm, ngay trên đường phố khiến những cảm xúc ùa đến.

"Những ngày ở Hà Giang quá nhiều cảm xúc", đã có đồng nghiệp chia sẻ như thế. Cảm xúc nhẹ bẫng khi gian lận đã được ánh sáng soi rọi đến, đồng thời là cảm xúc bất bình, phẫn nộ trước gian lận trắng trợn và nỗi buồn không tránh khỏi khi đối diện với sự thật đen tối.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 13.
Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 14.

Khi biết thông tin ông Trinh sẽ trả lời báo chí, tôi liên lạc với trưởng ban Giáo dục - khoa học báo Tuổi Trẻ khi đó.

Chúng tôi trao đổi rất lâu và đi đến thống nhất sẽ không đăng bài trên Tuổi Trẻ Online vì trên thực tế, Tuổi trẻ Online đã phải ngừng hoạt động theo quyết định có hiệu lực ngay trong ngày 16-7.

12h đêm, Tuổi Trẻ nhật báo cũng đã nằm trong nhà in nên khó có thể cập nhật thông tin mà tôi dự báo sẽ rất "nóng".

Trưởng ban nhắn: "Thôi chị đi ngủ đi!".

Tôi đọc trong tin nhắn đó có sự bồn chồn, day dứt. Cũng như tâm trạng tôi. Tuy thế, tôi vẫn không ngừng báo trưởng ban diễn tiến sự việc.

Tôi ôm laptop chạy trong đêm với tâm trạng hỗn độn.

Phóng viên Tuổi Trẻ vẫn có mặt ở hiện trường và vẫn hối hả làm bản tin nhanh nhất có thể. Ý nghĩ thường trực lúc này là không thể dừng làm việc, dù khó khăn gì vẫn phải tác nghiệp như cách mà phóng viên Tuổi Trẻ từng làm.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 15.

Sau này phóng viên mới biết đồng nghiệp báo khác đã chụp lại cảnh mình ngồi trước máy tính gõ hối hả, mặt giàn giụa nước mắt.

Bản tin gửi cho lãnh đạo tòa soạn trực khi đó không phải để đăng lên mà chỉ để nói rằng "Tôi - phóng viên Tuổi Trẻ vẫn làm việc".

Nước mắt tôi cứ thế chảy theo từng dòng chữ.

Đêm đó ở Hà Giang trở thành một kỷ niệm làm nghề với những cảm xúc khó phai mờ.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 16.
Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 17.

Cầm tờ thông tin phát cho báo chí, trong cuộc họp báo chính thức công bố vụ việc gian lận tại Hà Giang vào ngày 17-7, một phóng viên trẻ khi ấy đã bật khóc vì sốc.

Rất nhiều phóng viên choáng váng với sự thật mà họ đeo đuổi nhiều ngày qua vì dù có phán đoán thế nào thì điều đó vẫn nằm ngoài hình dung.

Trong gần 5.500 thí sinh dự thi ở Hà Giang, 114 thí sinh với 330 bài thi xác nhận có sửa chữa điểm. Bài sửa ít nhất 1 điểm, nhiều 8 điểm. Có thí sinh được nâng tổng số điểm ở ba bài thi đến 26,8 và... 29,95 điểm!

Nhiều phóng viên sau đó đã cập nhật thông tin liên tục trên các trang báo điện tử.

Phóng viên Tuổi Trẻ ở hiện trường thì không thể.

Phải dằn lòng, cố lắng lại những cám xúc để bàn với các đồng nghiệp và lãnh đạo làm thế nào để nhật báo ra ngày hôm sau vẫn có thứ để đọc, không phụ lòng những bạn đọc, bạn bè vẫn yên mến, gắn bó với Tuổi Trẻ.

Nhiều ngày sau đó, với lộ trình khám phá gian lận thi cử năm 2018 ở Sơn La, Hòa Binh, nghi vấn gian lận ở Lạng Sơn và nhiều tỉnh khác, nhóm phóng viên tác nghiệp lĩnh vực Giáo dục thường xuyên phải kết thúc công việc lúc 21-22h đêm và thức đến 2h sáng hôm sau để chờ tòa soạn gửi bản chụp trang nhất tờ báo mới ra.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 18.

Nhiều thông tin độc quyền của Tuổi Trẻ về vụ gian lận thi cử khi đó nhóm phóng viên đã đăng trên facbook cá nhân trước khi làm kỹ lại cho nhật báo.

Trong bối cảnh các báo điện tử cạnh tranh từng phút, có nghĩa mỗi phút trôi đi, có thể thông tin mới sẽ trở nên lạc hậu, việc duy trì những bản tin độc quyền trên facebook với dòng P/s ở dưới phóng viên Tuổi Trẻ là một cách khẳng định sự tồn tại.

Và để ba tháng sau đó, Tuổi trẻ Online quay lại như lời hẹn.

Bản tin lúc rạng sáng và những ngày trong tâm bão - Ảnh 19.

VĨNH HÀ
Kiều Nhi
Bảo SuZu
21/6/2019
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0