Phóng to |
Rác vương vãi ở bãi biển Tân Thành - Ảnh: Ngọc Tài |
Du khách còn phàn nàn họ bị “cò” của các nhà hàng, quán ăn hải sản đeo bám rất mệt mỏi...
Ông Nguyễn Tấn Phong, phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang, cho biết sở đã nắm thực trạng này. Sở đã nhắc nhở và yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực bãi biển Tân Thành hằng ngày phải phân công người thu gom quét dọn rác tấp vào bờ biển. “Hiện tỉnh đang tiếp tục đầu tư và kêu gọi đầu tư vào bãi biển Tân Thành để thu hút khách du lịch nên tình trạng bát nháo sẽ sớm chấm dứt” - ông Phong nói.
* Dân trong vùng quy hoạch được sản xuất bình thường. Nhiều người dân trong vùng quy hoạch Khu công nghiệp Phú Thuận (huyện Bình Đại) và Khu công nghiệp Giao Hòa (huyện Châu Thành, Bến Tre) thắc mắc vì sao hai khu công nghiệp này chậm thực hiện. Trong thời gian chờ bồi thường, giải tỏa, người dân có được đầu tư sản xuất không?
Ông Cao Văn Trọng, phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết Khu công nghiệp Phú Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có quy hoạch tổng thể chứ chưa có quy hoạch chi tiết nên người dân trong vùng dự kiến quy hoạch Khu công nghiệp Phú Thuận vẫn được sản xuất, xây dựng, sửa chữa nhà bình thường.
Còn Khu công nghiệp Giao Hòa dù đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa có đầu tư nên tỉnh chưa ra quyết định thu hồi đất. Vì vậy người dân sống ở vùng dự án vẫn phát triển sản xuất bình thường.
* Chậm tái lập mặt đường. Nhiều người dân phản ảnh đơn vị thi công nâng cấp mở rộng đường Phùng Hưng, P.An Bình, TP Rạch Giá (Kiên Giang) không tái lập mặt đường khiến người dân ra vào nhà khó khăn (ảnh).
Phóng to |
Ảnh: t.thái |
Ngày 13-7, ông Nguyễn Văn Lập - chủ tịch UBND P.An Bình - cho biết đơn vị thi công đường Phùng Hưng là Công ty cổ phần xây dựng Đất Việt. Theo ông Lập, phường đã nắm được việc người dân phản ảnh và đã yêu cầu đơn vị thi công phải nhanh chóng tái lập mặt đường.
* Đường tan nát do xe chở than? Người dân phản ảnh con đường nối liền giữa hai xã Đại Hưng và Đại Lãnh (thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) hiện rất xấu. Nhiều nơi bị sụt lún, tạo thành hố sâu nguy hiểm cho việc đi lại của người dân. Khi trời nắng đường rất bụi, chỉ cần xe qua lại là mù mịt. Còn lúc trời mưa, các hố sâu ngập nước trở thành cái bẫy trên đường và đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại đây (ảnh).
Phóng to |
Ảnh: h.khá |
Theo người dân, hàng trăm chuyến xe ben chở than tải trọng hàng chục tấn qua lại trên đường mỗi ngày khiến con đường tan nát. Ngoài ra, các xe chở than không che chắn làm than rơi vãi gây bụi bẩn và ô nhiễm cho người dân sống hai bên đường. Các xe ben chở than này đều thuộc sáu đơn vị đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép cho vận chuyển khối lượng than còn tồn đọng tại mỏ than Sườn Giữa - An Điền (xã Đại Hưng).
Ông Phan Đức Tính, phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết tuyến đường từ Đại Hưng đến đoạn cầu chui Hà Nha xuống cấp không phải do xe chở than. Trước đây, do tuyến đường này xuống cấp nặng nên tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch nâng cấp nhưng sau đó thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ phải dừng dự án lại. Tuy nhiên, ông Tính thừa nhận thời gian qua do xe ben chở lượng than còn tồn đọng ở xã Đại Hưng ra nên tuyến đường này nhiều đoạn đã xuống cấp nay bị hư hỏng thêm. Hiện huyện đã chỉ đạo công an chốt chặn để xử lý các xe chở quá tải.
* Sân vận động tiền tỉ thành nơi... thả bò. Người dân phường 9, TP Tuy Hòa (Phú Yên) phản ảnh sân vận động ở phường này được đầu tư gần 1 tỉ đồng, nhưng sau khi hoàn công bị khóa cổng, bỏ hoang trở thành nơi lý tưởng để thả bò.
Ông Thiều Thanh Thường - trưởng khu phố Ninh Tịnh 2 (phường 9) - kể trước đây mỗi chiều thanh niên thường tập trung về sân chơi bóng chuyền, bóng đá. “Sau khi xây dựng xong (tháng 8-2011), sân vận động đóng cửa. Nghe đâu là chờ cỏ mọc để cắt cho đều rồi sẽ mở lại nhưng đã gần một năm rồi mà vẫn chưa thấy gì” - ông Thường băn khoăn.
Trả lời về việc sân vận động bỏ hoang, ông Ngô Minh Hiếu - phó chủ tịch UBND phường 9 - cho biết hiện phường đang chờ bên thi công bảo trì và khi nào cỏ xanh tốt sẽ đưa sân vận động vào sử dụng. “Còn việc người dân thả bò vào sân vận động tùy tiện, chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xử lý” - ông Hiếu nói.
* Xe tải sa lầy trong hẻm. Sáng 13-7, một chiếc xe tải đã bị sa lầy khi chạy vào hẻm 23 Nguyễn Hữu Tiến, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú (TP.HCM). Sự cố này khiến chiếc xe tải nằm chắn giữa hẻm cản trở việc đi lại của người dân trong hẻm. Một số ôtô phải nằm chờ trong hẻm vì không thể chạy qua. Theo người dân ở đây, xe tải sa lầy là do hẻm xuống cấp, lầy lội.
Phóng to |
Xe tải sa lầy nằm chắn giữa hẻm - Ảnh: Đức Phú |
Khoảng 12g cùng ngày, chiếc xe đã được kéo ra ngoài và việc lưu thông của người dân trong hẻm trở lại bình thường.
* Bãi rác ngay khu dân cư. Người dân tổ 8, ấp Tân Bảo, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) phản ảnh gần hai tuần nay một bãi rác lớn bỗng dưng xuất hiện tại trung tâm khu dân cư, gần bến xe Bảo Bình, cạnh đường đi khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Phóng to |
Bãi trung chuyển biến thành bãi rác - Ảnh: NGÔ THIÊN PHÚC |
Ông Nguyễn Văn Thành, người dân sống cạnh bãi rác, bức xúc: “Bãi rác trên trước đây chỉ dùng để trung chuyển nhưng thời gian gần đây xe rác không đến vận chuyển rác nữa mà còn đi gom rác nhiều nơi về đổ khiến điểm tập kết rác thành bãi rác lớn. Chúng tôi đã có kiến nghị lên UBND xã nhiều lần mà không thấy giải quyết”.
Ông Nguyễn Tấn Thọ, phó chủ nhiệm HTX dịch vụ thương mại nông nghiệp Bảo Bình - đơn vị phụ trách thu gom rác, cho biết do xe chở rác của HTX không thể đổ rác tại bãi rác tập trung của xã vì người dân gần bãi rác chặn lại nên phải về bãi rác nói trên đổ. Ông Thọ thừa nhận việc đổ rác tại khu dân cư như vậy là sai nhưng do không biết đổ rác ở đâu!
Ông Trần Văn Hải, phó chủ tịch UBND xã Bảo Bình, cho biết xã đang tìm phương án xử lý bãi rác trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận