Phóng to |
Đại tướng Phùng Quang Thanh - ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Quốc phòng - trò chuyện, dặn dò đại úy Vũ Văn Hiệp (phải) trong dịp sang thăm và làm việc tại New Zealand tháng 3-2013 - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Lời kêu gọi giá trị
Câu chuyện của đại úy - nhà báo Vũ Văn Hiệp, công tác tại báo Biên Phòng, học viên của ĐH Chỉ huy - tham mưu New Zealand, đã góp ý ngay khi phát hiện tấm bản đồ thế giới được treo tại một phòng thảo luận của trường ghi quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) có chữ “China”, để cuối cùng tấm bản đồ sai sót nghiêm trọng trên đã bị nhà trường gỡ bỏ, là một hành động đáng được biểu dương, khen ngợi. Đây là một hành động đúng đắn, thể hiện trách nhiệm công dân VN đối với chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Trong trường hợp đại úy Hiệp không lên tiếng về bản đồ sai lệch này thì chắc hẳn nó không bị gỡ xuống, và mỗi ngày sẽ có rất nhiều học viên trong trường đến từ nhiều quốc gia khác nhau đang theo học tại đây xem tấm bản đồ này và trong đầu họ lúc nào cũng nghĩ Hoàng Sa của Trung Quốc, trong khi đây lại sai sự thật. Sự phản ứng kịp thời của đại úy Hiệp cũng đã giúp thầy giáo và học viên trong trường học của anh có một góc nhìn khác về Hoàng Sa, và hiểu thêm Hoàng Sa thật sự là một phần đất máu mủ, ruột thịt của dân tộc VN.
Những bản đồ ghi sai lệch về chủ quyền quốc gia như vậy hẳn không chỉ có ở ngôi trường nơi đại úy Hiệp theo học mà chắc hẳn nó còn được treo ở nhiều nơi. Làm sao để gỡ được hết xuống? Tất nhiên phải dựa vào những công dân VN có lòng tự tôn dân tộc, có trách nhiệm với biển đảo Tổ quốc. Nếu thấy mà ngó lơ thì đó là điều hết sức tai hại cho chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đương nhiên, không chỉ những tấm bản đồ, mỗi công dân VN còn phải biết phản bác lại cả những câu nói của bất kỳ ai khi họ hiểu sai lệch về chủ quyền biển đảo VN ở quần đảo Hoàng Sa mà bản thân nghe được, đọc được, thấy được. Mỗi công dân còn phải am hiểu thật sâu về chủ quyền biển đảo, về quần đảo Hoàng Sa của VN, rồi từ đó tích cực tuyên truyền để sự hiểu sai, hiểu nhầm của bạn bè quốc tế được định hướng đúng đắn. Có thế thì những tấm bản đồ, những tấm hộ chiếu ghi Hoàng Sa là của China kia mới không có giá trị, không là sự thật trong mắt mọi người.
Tôi nghĩ câu nói của đại úy Hiệp khi tâm sự trên Tuổi Trẻ dưới đây sẽ là lời kêu gọi cũng như làm thức tỉnh trách nhiệm của mỗi chúng ta trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc: “Một số bản đồ nước ngoài xuất bản có sai sót trong chú thích chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của VN. Đây là lỗi của nhà sản xuất, nhưng việc sử dụng rộng rãi các loại bản đồ trên sẽ rất bất lợi đối với nước ta trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo này. Người VN ở mọi nơi trên thế giới cần cảnh giác và kịp thời phát hiện những sai sót trên để đề nghị hủy bỏ”.
Ở đâu cũng cần cảnh giác
Tôi thấy việc làm của đại úy Hiệp hết sức có ý nghĩa. Nhà báo Vũ Văn Hiệp nói đúng, người VN ở bất cứ đâu cũng cần cảnh giác để kịp thời phát hiện những loại bản đồ chứa những thông tin sai sự thật về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Cảm ơn Tuổi Trẻ đã đăng bài này đúng dịp Quốc khánh 2-9.
Đề nghị khen thưởng
Tại sao người làm việc này lại không được khen thưởng? Tôi nghĩ các cơ quan chức năng như Ủy ban Biên giới - Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng cần có hình thức động viên anh sĩ quan Vũ Văn Hiệp vì hành động mang tinh thần yêu nước của anh ấy.
Lan tỏa lời kêu gọi
* Lời kêu gọi của anh Hiệp rất đúng. Rõ ràng là như vậy, vì nếu mỗi người dân chúng ta có ý thức chính trị, quan tâm đến quốc gia, quốc giới thì sức mạnh của triệu triệu con người sẽ trở thành vô địch, để có thể giữ vững từng tấc đất cha ông để lại.
* Báo Tuổi Trẻ có nhiều bạn đọc ở nước ngoài, tại sao không lập một diễn đàn với chủ đề là những người VN ở hải ngoại cần có thái độ và tinh thần như bạn Vũ Văn Hiệp? Chúng tôi mong chờ điều này để có thể đóng góp tiếng nói của mình đối với việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận