18/06/2013 00:35 GMT+7

Chuyện cổ tích ở cù lao xanh

KHÁNH LY (TP.HCM)
KHÁNH LY (TP.HCM)

TT - Tôi đến cù lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) - một xã đảo bốn bề nước bao bọc, cách đất liền hàng chục cây số, dân sống đông đúc, khách du lịch nườm nượp - và đã rất ấn tượng với màu xanh bi ve của nước biển, bãi cát trắng khoe mình dưới nắng.

Nhìn du khách đông đúc kéo nhau đến cù lao Chàm trên các tàu, canô với lỉnh kỉnh đồ đạc để lặn biển, ăn uống..., tôi cứ lo: liệu những lượt khách nội, ngoại kia sẽ “nilông hóa” hòn đảo trong bao lâu? Rồi lối ứng xử của người dân với biển, môi trường ở vùng xa tầm quản lý của các cơ quan về môi trường sẽ thế nào đây?... Nhưng nhìn quanh thì không thấy bóng dáng túi nilông (vốn thường thấy ở các bãi biển du lịch) đâu cả. Hóa ra suy nghĩ đó của tôi đã là mối quan tâm của chính quyền và người dân nơi đây cả chục năm về trước, để bây giờ nơi đây được nhiều người gọi là “hòn ngọc xanh”.

Câu chuyện bắt đầu từ ngày số du khách đổ ra xã đảo có thiên nhiên lý tưởng này ngày một nhiều, kèm theo đó là vô số rác. Người dân cù lao bị cuốn theo phục vụ nhu cầu khách du lịch, chưa nghĩ tới việc săn sóc “đứa con cưng” là biển. Rác, nilông nổi lềnh bềnh đe đọa ưu thế cạnh tranh của một hòn đảo sinh thái xanh, sạch. “Tụi tui cũng mắc cỡ với khách dữ lắm, mỗi lần thấy họ chỉ vô mấy đống rác nổi lềnh bềnh như diễu hành dọc bờ biển là tui quê dữ lắm” - bà Trần Thị Nga, người dân xóm Bãi Làng, kể lại.

“May mà ông Sự (hỏi ra mới biết là ông Nguyễn Sự, bí thư Thành ủy Hội An) thức tỉnh tụi tui kịp thời. Ổng làm ráo riết lắm, bắt tiểu thương ký cam kết không dùng túi nilông bán đồ, vận động bà con dùng giỏ xách đi chợ, phát túi đi chợ thân thiện môi trường cho bà con” - ông Nguyễn Văn Ân, ở xóm Bãi Làng, nói. Ông Ân chỉ tay ra mấy con thuyền neo dọc bến tàu: “Đó, mấy thuyền gỗ đẹp đó là thuyền gom rác ngoài biển vào đất liền xử lý đó nghen. Kể từ khi có nó, xã đảo Tân Hiệp sạch hẳn, không khí cũng trong lành hơn, thiệt là ưng cái bụng”.

"Để có một cù lao Chàm như một viên ngọc, thu hút đông khách như bây giờ là câu chuyện cổ tích. Và chính những người dân cù lao Chàm chân chất đã xắn tay, chịu nghĩ khác, làm khác để tự viết nên câu chuyện cổ tích đó"

Theo bà con ở đây, từ giữa năm 2009, chiến dịch “Nói không với túi nilông” ở cù lao Chàm bắt đầu thực hiện. “Mưa dầm thấm đất”, vận động của chính quyền đến từng hộ dân, giỏ đi chợ được phát đến từng nhà đã giúp bà con xã đảo bỏ thói quen dùng túi nilông vốn bao năm đã ăn sâu vào nếp nghĩ.

“Hồi đầu thấy bất tiện lắm, dùng ba cái túi nilông thì gọn nhất rồi, nhưng nghĩ lại dùng giỏ xách như ri cũng là vì mình, vì đảo nên cùng cố gắng” - bà Nga hồ hởi khoe. Ý thức người dân dần cải thiện. Họ nghĩ ra thêm những cách để bảo vệ hòn đảo quê hương: khách du lịch vừa xuống tàu, họ liền xin tất cả túi nilông khách mang theo đem về, đổi lại cho khách túi giấy, báo, túi tự phân hủy. Khách du lịch chưa quen ngớ người, sau hiểu bà con thì ai cũng thấy thích thú.

Bây giờ những hàng bán rau củ, thịt trong chợ vắng bóng hẳn túi nilông. Đi dọc những con đường ở Bãi Làng, khu vực phát triển du lịch nhất ở cù lao Chàm, dễ dàng thấy các biển hiệu vì môi trường căng khắp nơi, trước chợ, gốc cây, gờ đá: “Vì cù lao Chàm, vì biển xanh, đảo xanh”, “Xách giỏ đi chợ - phong cách của người nội trợ”, “Tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường”... Đảo xanh hơn vì những hành động xanh do chính người dân chắt chiu. Gặp vợ chồng anh Nghĩa, chị Mai ở Bãi Làng ngồi gấp báo cũ thành những túi đựng xinh xắn để bán mận (đào) cho khách du lịch, anh Nghĩa khoe: “Ba năm trước vợ chồng tui cũng dùng bao nilông nhiều, mỗi ngày tốn cả trăm bịch gói đồ, giờ thì hoàn toàn không”.

Một câu chuyện tế nhị hơn: một thời bà con ở đây chỉ biết “giải quyết nỗi buồn” lộ thiên, “biển sẵn đấy, đi vậy cho mát, xây nhà xí tốn kém”. Nhiều người dân ở đây còn nhớ cách nay cả chục năm, chính quyền vận động quyết liệt, đích thân ông Nguyễn Sự đi vận động từng nhà, hỏi cặn kẽ trăn trở của người dân về quyết định xây nhà vệ sinh toàn đảo. Xây xong nhà vệ sinh, nhiều nhà lại dùng nơi đó để chứa củi do không có thói quen dùng nhà vệ sinh. Địa phương tiếp tục vận động, vận động mãi thì thành nếp, bà con bây giờ ai cũng nghĩ đảo là của mình, phải sạch thì khách mới đến.

hU6VsRwi.jpgPhóng to
KHÁNH LY (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên