19/10/2017 10:53 GMT+7

Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chờ quyết định của Bộ Chính trị

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện

TTO - Việc kết thúc hoạt động của ba ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ sẽ được tiến hành như thế nào?

Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chờ quyết định của Bộ Chính trị - Ảnh 1.

Trụ sở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - nơi vừa xảy ra nhiều sai phạm liên quan việc bổ nhiệm cán bộ và vấn đề tài chính, tài sản - Ảnh: Chí Quốc

- Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Sơn Minh Thắng, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nói đây mới chỉ là chủ trương của Hội nghị trung ương 6, còn phải đợi quyết định của Bộ Chính trị. 

Khi có quyết định thì chúng tôi mới xây dựng đề án sắp xếp lại bộ máy tổ chức cán bộ, công chức, người lao động, kể cả phương tiện, đất đai, tài sản, để giao cho cơ quan có thẩm quyền. 

Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ có 65 biên chế và có hơn 10 cán bộ thuộc diện biệt phái sang ban công tác, nhưng hiện tại còn khoảng 62 biên chế (không tính cán bộ biệt phái).

Sai phạm cá nhân, không phải tập thể

* Ông đánh giá thế nào về hoạt động của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, có phải những vi phạm vừa qua là "giọt nước tràn ly" khiến trung ương chủ trương kết thúc hoạt động?

- Bộ Chính trị đánh giá cao sau 15 năm hoạt động, ba ban chỉ đạo đã làm cho ba vùng được vực dậy, từ kinh tế tới xóa đói giảm nghèo, riêng vấn đề an ninh ổn định hơn. 

Riêng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã làm được rất nhiều việc. Còn vấn đề vi phạm vừa qua mà Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận, tôi nghĩ đó chỉ là của những cá nhân quản lý điều hành trực tiếp tại cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhất là cá nhân ông Nguyễn Phong Quang - nguyên phó ban thường trực và một số người có liên quan trong thời gian 2011-2016. 

Các hình thức kỷ luật được đưa ra là thỏa đáng, đã kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm rồi. Đó là sai phạm cá nhân, không phải của tập thể Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Ban chỉ đạo Tây Nam bộ chờ quyết định của Bộ Chính trị - Ảnh 2.

Ông Sơn Minh Thắng, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - Ảnh: C.Quốc

* Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa triển khai các quyết định kỷ luật sáu cán bộ, trong đó có người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bước tiếp theo "hậu" vi phạm này sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

- Có 11 vấn đề mà Ủy ban Kiểm tra trung ương yêu cầu cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phải giải quyết, trong đó có vấn đề liên quan cả công tác cán bộ lẫn vấn đề tài sản, tài chính... 

Công tác kiểm điểm đã làm từ cơ sở, chi bộ, đảng ủy, thường trực ban, thậm chí một số cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý cũng đã kiểm điểm. 

Theo quy định của Đảng, việc kỷ luật cán bộ có hiệu lực kể từ ngày tổ chức triển khai quyết định kỷ luật.

Chúng tôi đã thu hồi và hủy quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm của ông Vũ Minh Hoàng (nguyên phó vụ trưởng Vụ Kinh tế), thu hồi khoản tiền dùng ngân sách để mua xăng sai quy định, thu hồi khoản tiền đi nước ngoài không đúng quy định... tổng cộng là 4,3 tỉ đồng. 

Vấn đề chi khống, quyết toán chỗ nhà khách Tây Nam Bộ (799 triệu đồng), việc bỏ tiền làm 30 tập phim theo báo cáo là nghiệm thu rồi, bộ phận tham mưu, giúp việc cho tôi đang rà soát lại. 

Cách thu hồi có hai hình thức là hoàn trả tiền mặt, thứ hai là hồ sơ thanh quyết toán hợp lệ theo quy định.

Mặt khác, chúng tôi có thành lập tổ giúp việc để giải quyết vấn đề hậu kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương với rất nhiều việc còn ở phía trước. Các thành viên trong tổ này đang xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trình lãnh đạo cơ quan thường trực để xem xét.

Xử lý quyết liệt, nghiêm túc

* Có dư luận cho rằng việc giải thể Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ dẫn đến việc xử lý vi phạm mà Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận được nhẹ hơn? Hơn 30 trường hợp bổ nhiệm sai quy định sẽ được xử lý ra sao?

- Tôi chưa nghe dư luận đó. Tinh thần của thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ là các vi phạm sẽ được giải quyết một cách quyết liệt, nghiêm túc, đúng tinh thần kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương. 

Trong quá trình thực hiện, theo lộ trình, tôi sẽ báo cáo Ủy ban Kiểm tra trung ương về những công việc cần phải làm, đúng tính chất công việc. 

Hơn 30 quyết định bổ nhiệm sai quy định sẽ được xử lý theo hướng yêu cầu bổ sung hồ sơ cho đúng quy định. Mặt khác sẽ tạo điều kiện để họ học tập, thi cử có đủ chứng chỉ, văn bằng.

* Dù chưa có quyết định chấm dứt hoạt động ba ban chỉ đạo của Bộ Chính trị, trên quan điểm cá nhân, ông thấy cần đề xuất gì về số cán bộ công chức hiện đang làm việc tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ?

- Hội nghị trung ương 6 có tổng hợp ý kiến thảo luận từ các tổ, trong đó tôi đã có ý kiến đề nghị nên kết thúc hoạt động của ba ban nêu trên trong năm 2017. Việc kéo dài thời gian, anh em vốn đã tâm tư thì rất khó có khí thế làm việc. 

Theo tôi biết, đại đa số cán bộ công chức ba ban chỉ đạo từ các địa phương trong vùng đến làm việc. 

Riêng ở Tây Nam Bộ, hầu hết cán bộ mong muốn làm việc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long vì điều kiện khó khăn, nên Ban Tổ chức trung ương cùng Bộ Nội vụ phải vào cuộc để sắp xếp cho họ ở các địa phương hoặc ở các bộ ngành liên quan đóng trên địa bàn phía Nam để thuận tiện hơn trong công tác và vẫn phục vụ cho sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long.

Mới thu hồi được 4,3/62 tỉ đồng tiền chi sai

* Hiện số tiền sai phạm 130 tỉ đồng đã được thu hồi ra sao, thưa ông?

- Sai phạm 130 tỉ đồng là để ngoài sổ sách, nhưng qua rà soát có những cái có chứng từ hợp lệ, cần bổ sung.

Đến nay đã xác định tổng số tiền phải thu hồi cho ngân sách nhà nước là 62 tỉ đồng do thất thoát, chi sai, chi không đúng đối tượng.

Hiện mới thu hồi 4,3 tỉ đồng, vì vậy thời gian tới sẽ tiếp tục thu hồi và phải báo cáo UBKTTU trước ngày 1-11. Chúng tôi vẫn đang tích cực triển khai thực hiện.

"Tôi không bị áp lực nào"

* Quá trình xử lý các vi phạm vừa qua đụng chạm tới nhiều cán bộ, đặc biệt là có cả nguyên lãnh đạo ban, cá nhân ông có bị sức ép nào không?

- Tôi không bị áp lực nào cả. Tại buổi triển khai quyết định kỷ luật sáu cán bộ của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ mới đây, tôi đã phát biểu việc kỷ luật này là sự đau xót không những của các đồng chí bị kỷ luật mà có cả cơ quan thường trực, vì đây là sai phạm rất nghiêm trọng liên quan đến cán bộ cấp cao của một cơ quan Đảng cấp vùng đã tạo ra dư luận xấu, nên những người đang làm việc phải tự soi rọi, tự sửa, rút kinh nghiệm bản thân mình.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phải xem đó là bài học kinh nghiệm sâu sắc, tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Các sai phạm vừa qua chính là do thiếu tập trung dân chủ trong đề bạt cán bộ và buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm tài chính rất nghiêm trọng.


HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên