07/01/2019 11:41 GMT+7

Bác sĩ Hoàng Công Lương xin vắng mặt trong phiên xử ngày 8-1

VŨ TUẤN - MẠNH HÙNG
VŨ TUẤN - MẠNH HÙNG

TTO - Chị Đinh Thị Huyền Thư, vợ bị cáo Hoàng Công Lương, đã có đơn gửi Tòa án nhân dân TP Hòa Bình đề nghị cho chồng được vắng mặt trong phiên xét xử ngày mai 8-1.

Bác sĩ Hoàng Công Lương xin vắng mặt trong phiên xử ngày 8-1 - Ảnh 1.

Bác sĩ Hoàng Công Lương (áo xanh, ở giữa) trong phiên xét xử sơ thẩm tháng 5-2018 - Ảnh: NAM TRẦN

Lý do chị Thư nêu trong đơn là bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình) đang nằm điều trị tại Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp, BVĐK Hòa Bình từ ngày 23-12-2018.

Theo trình bày trong đơn, ngày 23-12, bác sĩ Hoàng Công Lương được đưa vào cấp cứu tại BVĐK Hòa Bình do hoảng loạn, sốc tâm lý.

Ngày 24-12, cán bộ Tòa án nhân dân (TAND) TP Hòa Bình đến bệnh viện giao giấy triệu tập bị cáo và quyết định đưa vụ án ra xét xử, chị Huyền Thư đã thay mặt chồng ký nhận giấy tờ do cán bộ tòa án giao.

Đến ngày 25-12, bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục được chuyển lên điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai.

Tại đây, bác sĩ Hoàng Công Lương được chẩn đoán "rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm". Theo đó, bệnh nhân phải uống thuốc theo đơn 1 tháng và được hẹn tái khám theo quy định.

Đến ngày 30-12, bác sĩ Lương tiếp tục phải nhập viện cấp cứu lần hai tại Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp - BVĐK Hòa Bình.

Đến ngày chị Đinh Thị Huyền Thư ký đơn gửi tòa án (5-1), sức khỏe bác sĩ Hoàng Công Lương chưa tiến triển và vẫn tiếp tục phải điều trị nội trú.

"Vì vậy, tôi làm đơn này, kính mong quý tòa xem xét hoàn cảnh và điều kiện sức khỏe của chồng tôi không thể bảo đảm có mặt tại phiên tòa vào ngày 8-1 theo triệu tập" - chị Huyền Thư viết trong đơn.

Cùng lá đơn, vợ bác sĩ Lương có gửi kèm giấy xác nhận của BVĐK Hòa Bình xác nhận bác sĩ Hoàng Công Lương đang là bệnh nhân tại bệnh viện.

Theo thông báo của TAND TP Hòa Bình, ngày 8-1, cơ quan này sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 7 bị cáo trong vụ tai biến khi chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình làm 9 người chết tháng 5-2017.

Trong 7 bị cáo, Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) và Hoàng Công Lương (bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị xét xử hành vi "vô ý làm chết người".

4 bị cáo khác của BVĐK tỉnh Hòa Bình gồm Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư - thiết bị y tế), Trần Văn Thắng (nguyên trưởng Phòng vật tư - thiết bị y tế), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc BVĐK kiêm trưởng Khoa Hồi sức tích cực) và Trương Quý Dương (nguyên giám đốc BVĐK) bị xét xử hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Cùng xem xét về hành vi thiếu trách nhiệm còn có bị cáo Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Công ty Thiên Sơn).

Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 15 ngày. Tuy nhiên, HĐXX sẽ tùy thuộc vào diễn biến phiên tòa có thể kết thúc, tuyên án sớm hoặc muộn hơn so với dự kiến.

Tháng 6-2018, tại phiên tòa sơ thẩm vụ án này, TAND TP Hòa Bình đã quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra, làm rõ những chứng cứ buộc tội, chứng cứ vô tội đối với bị cáo Hoàng Công Lương; làm rõ việc thay đổi lời khai của bị cáo Hoàng Công Lương, của những người làm chứng và những người liên quan tại phiên tòa.

HĐXX cũng yêu cầu điều tra, làm rõ vai trò của bị cáo Hoàng Công Lương trong việc ký xác nhận y lệnh chạy thận nhân tạo đối với các bệnh nhân.

Đặc biệt, HĐXX đã kiến nghị khởi tố điều tra đối với các ông Hoàng Đình Khiếu, Trần Văn Thắng để làm rõ về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm của ông Trương Quý Dương, nguyên giám đốc BVĐK và ông Đỗ Anh Tuấn, giám đốc Công ty Thiên Sơn, trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng liên doanh, mua bán máy móc, sửa chữa thiết bị y tế.

Cùng với đó điều tra, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh, Phạm Thị Huyền và các điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hằng, Đỗ Thị Điệp, Nguyễn Thị Hồng liên quan đến việc ra y lệnh chạy thận và bàn giao hệ thống lọc nước RO số 2 sau khi bảo dưỡng, sửa chữa.

Điều tra, làm rõ đối với các ông Hoàng Đình Khiếu, Hoàng Công Tình, Đinh Tiến Công trong việc ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ của bị cáo Hoàng Công Lương vào biên bản họp khoa Hồi sức tích cực cuối năm 2015 và 2016.

HĐXX cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế đối với việc ban hành công văn số 4342 gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh và công văn số 2322 gửi Công ty TNHH luật Nguyễn Chiến có nội dung mâu thuẫn về quy trình xét nghiệm mẫu nước RO.

Đồng thời xem xét chủ trương xã hội hóa của Bộ Y tế trong việc cho phép các cơ sở y tế công lập được liên doanh, liên kết góp vốn để mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ có đúng quy định hay không. Cũng như trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chậm ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn quy trình chạy thận nhân tạo, trong đó có quy trình kỹ thuật và kiểm soát chất lượng nước RO.

HĐXX cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình trong việc cấp phép quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, trong đó có hoạt động chạy thận nhân tạo.

Trong quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã ra khởi tố bị can đối với các ông Trần Văn Thắng, Hoàng Đình Khiếu, Trương Quý Dương và Đỗ Anh Tuấn.

Cơ quan CSĐT cũng thay đổi tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương từ "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" sang tội "vô ý làm chết người".


VŨ TUẤN - MẠNH HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên