22/03/2018 07:43 GMT+7

'Bà còn mệt không, để xét nghiệm xong tôi đưa bà đi ăn phở'

NGUYỄN NĂM THỊ HẢI
NGUYỄN NĂM THỊ HẢI

TTO - Kể lại câu chuyện dưới đây, bạn đọc Nguyễn Năm Thị Hải viết: "Nếu như không được tận mắt nhìn thấy, tận tại nghe được, có lẽ, tôi vẫn sẽ nghĩ rằng những chuyện như thế này là do hư cấu. Hóa ra, yêu thương chỉ cần đơn giản thế thôi"!

Bà còn mệt không, để xét nghiệm xong tôi đưa bà đi ăn phở - Ảnh 1.

Buổi sáng hôm ấy, tôi đến bệnh viện từ sớm, lấy số và chờ đến lượt khám. Đang thả hồn vào mấy bài hát từ thập niên 90 được lưu trong chiếc điện thoại để giết thời gian, thì nhìn thấy hai ông bà, chắc phải hơn 70 tuổi, dìu nhau tiến lại gần.

Tôi chủ động đứng dậy, để ông bà cùng ngồi xuống ghế.

Kể từ khi xuất hiện, ánh nhìn của tôi liền bị hai người lớn tuổi đó thu hút, đến nỗi cái tai nghe rơi xuống, treo lủng lẳng ở trước cổ từ lúc nào cũng chẳng biết. Dựa lưng vào tường, lắng nghe lời dỗ dành của ông dành cho bà, mà tôi không khỏi mỉm cười.

- "Bà còn mệt không? Cố gắng chịu thêm một lúc nữa nhé. Người ta lấy máu để xét nghiệm xong, tôi sẽ đưa bà đi ăn phở. Nếu như có kết quả sớm, tôi và bà sẽ bắt xe buýt ra Lăng Bác, sau đó ra Hồ Gươm chơi một lúc rồi về."

"Nhìn ông đỡ bà đi về phía phòng khám, tôi vẫn chưa thể tin được những gì mình vừa chứng kiến lại giống như một câu chuyện ngôn tình thời hiện đại như vậy. Nó thật quá. Thật từ lời nói đến hành động."

Nguyễn Năm Thị Hải

Bà không nói gì, chỉ nhìn ông rồi gật đầu.

- Con cháu đâu hết mà hai ông bà lại đưa nhau đi khám thế này ạ?

Bác gái ngồi bên cạnh, nhìn hai ông bà cười hỏi.

- Chúng nó đi làm hết cả, không xin nghỉ được. Chúng tôi vẫn còn khỏe, tự bắt xe buýt đi được.

Ông từ tốn giải thích.

- Thế ông bà ở đâu ạ?

- Nhà tôi ở Hà Đông. Bây giờ đi lại dễ dàng, chứ có như ngày xưa đâu. Khám xong, tôi còn đưa bà ấy đi chơi một vòng Hà Nội nữa, chứ bảo chúng nó đưa đi, lại chẳng đi được đâu.

- Thì đợi đến ngày nghỉ, ông bà bảo con cháu chở đi. Đây với Hà Đông, cũng có xa mấy đâu. Ai lại để hai ông bà già dắt nhau tới bệnh viện khám xét thế này? Còn giấy tờ, tiền thuốc men nữa chứ.

Tôi nghe giọng bác gái kia có vẻ bức xúc thay cho ông bà, nhưng thái độ của ông vẫn điềm nhiên lắm.

- Tôi vẫn còn minh mẫn, mắt còn tinh lắm. Tiền khám chữa, thuốc men, con cái cũng đưa cho đủ rồi. Để chúng nó đưa đi, thì cũng chỉ ngồi trên xe, chạy lòng vòng qua vài chỗ, chứ có được thảnh thơi mà ngắm nhìn đâu. Bà ấy vẫn nói rằng, chưa được biết Lăng Bác ở đâu, nên nhân dịp này, tôi đưa bà ấy đi xem cho biết. Nếu không được vào, thì đứng ngoài nhìn cũng được.

- Hai ông bà vẫn còn tình cảm quá. Nhà cháu biết đi xe máy hẳn hoi, vậy mà bảo đưa vợ đi khám, nhất định không chịu. Cuối cùng, đành phải gọi con gái đến đưa đi đấy ạ.

Tôi mím môi, nghe bác gái bày tỏ sự ngưỡng mộ với ông bà, rồi tiện thể, trách cứ luôn chồng mình.

- Vợ chồng là cái duyên nợ. Kiếp trước phải nặng ân, nặng tình lắm, thì kiếp này mới được sống cùng với nhau. Ngày xưa, nhà bà ấy giàu nhất xã tôi, lại còn xinh đẹp, thế mà bà ấy không chê, vẫn quyết định lấy tôi, chịu khổ cực, vất vả, cùng tôi nuôi dạy bốn đứa con nên người. Đến lúc được hưởng an nhàn, thì lại sinh ra đau ốm liên miên.

Bàn tay ông nắm chặt lấy tay bà, đôi mắt rưng rưng của ông, nhìn bà đầy xúc động.

Tiếng loa thông báo gọi số tiếp lục vang lên. Tôi nhìn tờ phiếu trên tay, nghĩ ngợi vài giây, rồi đổi nó cho ông. Hy vọng, sau khi khám xong, ông bà sẽ có kịp thời gian, để cùng nhau đi ăn, cùng ra Lăng Bác, cùng dạo một vòng Hồ Gươm trước khi về nhà.

Nếu như không được tận mắt nhìn thấy, tận tại nghe được, có lẽ, tôi vẫn sẽ nghĩ rằng những chuyện như thế này là do hư cấu mà có. Trong suốt cuộc nói chuyện, bàn tay ông vẫn nắm chặt tay bà, mọi lời nói của ông đều dịu dàng, mỗi cử chỉ ông dành cho bà đều ấm áp lạ thường.

Kể từ khi xuất hiện, bà vẫn giữ im lặng, chẳng hề nói một lời. Có lẽ là do bà đang đau, hoặc quá mệt, nên không muốn nói. Nhưng trong ánh mắt mà bà nhìn ông, tôi nhận thấy, có một sự trao gửi, dựa dẫm, bên cạnh thái độ e ấp, thẹn thùng của bà.

Giống như, ông đã thay bà, nói lên hết nhưng điều bà muốn nói. Hay đúng hơn, lời nói của ông, chính là suy nghĩ trong lòng bà.

Ngày hôm nay, sau những gì đã được chứng kiến, thứ mà tôi được nhận ra, không phải là triết lý, mà chính là bài học. Bài học cho chính bản thân mình:

- Không quan trọng người mình yêu là ai, quan trọng là người đó dành tình cảm cho mình cũng nhiều như mình đã dành cho họ.

- Không quan trọng là khỏe mạnh, hay đau ốm, quan trọng là có được người quan tâm, chia sẻ những lúc mình cần.

- Không quan trọng là sống được bao lâu, quan trọng là có được người yêu thương cùng mình sống tới cuối đời.

Hóa ra, yêu thương chỉ cần đơn giản thế thôi!

Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'

Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ức không phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.

Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: nhungkyucdep@tuoitre.com.vn hoặc dandt@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

TUỔI TRẺ ONLINE

'Anh đợi tôi chút, tôi gửi lại anh tiền thừa'

TTO - Chỉ một câu nói ấy thôi, nhưng theo bạn đọc Lương Đình Khoa cũng đủ để làm lòng mình thực sự dịu lại giữa phố, quên đi cái mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng. Và, đó là 'hồn quê" ở phố!

NGUYỄN NĂM THỊ HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên