21/03/2018 07:57 GMT+7

Ấu dâm, gái bán hoa vào sáng tác của người trẻ

Ý NHUNG
Ý NHUNG

TTO - Không chỉ viết về tình yêu, tình bạn..., nhiều nhạc sĩ trẻ tái hiện vấn đề nóng của xã hội vào các sáng tác gần đây ở chương trình Sing My Song.

Những ca khúc mang đề tài xã hội của nhạc sĩ trẻ trong chương trình Sing My Song: Ông kẹ, Hương sắc trời, Ngôi nhà vắng tênh

Nếu trước đây, người nghe tìm đến âm nhạc như một thú vui, một nguồn giải trí, người viết lấy âm nhạc để viết ra những tiếng lòng của mình thì giờ đây, âm nhạc cũng là một "vũ khí" để phản ánh xã hội.

Nhiều ca khúc trong chương trình Sing My Song (Bài hát yêu thích) mang đề tài này đã thu hút được nhiều sự quan tâm của bạn trẻ.

Ấu dâm, gái bán hoa vào sáng tác của người trẻ - Ảnh 2.

Hoàng Thống trên sân khấu Sing My Song

Trong đó, phải kể đến câu chuyện về cô gái bán hoa và cuộc đời trôi nổi trong ca khúc Sắc hương trời của thí sinh Lê Minh Phương, ca khúc Ông kẹ nói về nạn ấu dâm của thí sinh Trương Phước Lộc, bài hát Ngôi nhà vắng tênh của thí sinh Hoàng Thống kể về bạo lực gia đình…

Thành Vĩnh (sinh viên ĐH KHXHNV TPHCM) chia sẻ: "Âm nhạc từ lâu đã không đơn thuần để giải trí, nó còn mang trọng trách phản ánh cuộc sống. Văn học, hội họa có thể nói về những vấn đề này và âm nhạc cũng không ngoại lệ".

Những ca khúc mang đề tài về xã hội dường như là luồng gió mới cho nền âm nhạc Việt. Những chủ đề này không hề xa lạ, bởi trước đây, những nhạc sĩ gạo cội cũng từng viết. Thế nhưng, qua cách nhìn của bạn trẻ, những đề tài này lại mang một âm hưởng mới.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về ca khúc Ngôi nhà vắng tênh, thí sinh Hoàng Thống cho hay: "Tôi và các tác giả khác đang thử thách chính mình với những chủ đề mới lạ hơn. Khi viết, tôi đặt mình vào những đứa trẻ không có được tình yêu thương từ bố mẹ, thường không thể nói với bố mẹ những điều chúng phải gánh chịu. Tôi muốn thay mặt các em nói ra những tâm sự này.

Trong những ca khúc này, cái nhìn của người trẻ không chỉ là chuyện mộng mơ, tình yêu, mà đó còn là cái nhìn thương cảm cho những số phận trôi nổi, sự bức bối và phẫn nộ trước những tệ nạn của xã hội. Đó vừa là cách mà các nhạc sĩ thể hiện quan điểm, đồng thời cũng là tiếng nói chung của giới trẻ trước thực trạng cuộc sống.

Ấu dâm, gái bán hoa vào sáng tác của người trẻ - Ảnh 3.

Thí sinh Lê Minh Phương trình bày bài Hương sắc trời

"Chỉ vừa nghe, người nghe đã biết ngay thông điệp mà tác giả muốn nhắc đến là gì. Là một người học nhạc, mình thấy đây là một cách thể hiện vấn đề rất tinh tế mà các nhạc sĩ trẻ đặt ra", Tấn Đạt (Cao Đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPCHM) cho hay.

Rất đông bạn trẻ chia sẻ rằng, họ cảm thấy nổi da gà và đồng cảm ngay khi họ nghe những bài hát này. Cả một bức tranh đen tối dường như hiện hữu ngay trước mặt. Và từ mỗi bài hát, người nghe lại nhận ra những thông điệp mà họ vẫn thường phớt lờ. Đó là sự quan tâm dành cho những đứa trẻ, cách để gìn giữ hạnh phúc gia đình…

Nhạc sĩ trẻ Hoàng Thống cũng nêu rõ: "Tôi muốn truyền tải những thông điệp thật nhân văn đến mọi người. Hi vọng khi nghe bài hát, khán giả sẽ trân trọng mái ấm của mình hơn và thấu hiểu hơn cho những đứa bé đang sợ hãi gia đình của mình".

Với giai điệu trẻ trung, ca từ ẩn chứa nội dung sâu sắc, những bài hát về đề tài xã hội chính là tiếng nói của những bạn trẻ, những người yêu nhạc góp phần lan tỏa thông điệp cho cuộc sống.

Bài hát hay nhất Sing my song: Ông bà anh có đối thủ Hương à Bài hát hay nhất Sing my song: Ông bà anh có đối thủ Hương à

TTO - Sau hai tập lên sóng chưa có tác phẩm nào quá đình đám, tập 3 của Bài hát hay nhất - Sing my song vừa giới thiệu 'Hương à', được đánh giá là vượt qua khỏi cuộc chơi Sing my song.

Ý NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên