Hội đồng Olympic châu Á trao cờ tổ chức Asiad 19 vào năm 2022 cho Trung Quốc - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
4 năm trước, chúng tôi từng tác nghiệp tại Asiad Incheon 2014 - kỳ đại hội hoàn hảo về mọi mặt. Nhưng cảm xúc của Jakarta - Palembang 2018 vẫn mãnh liệt hơn.
Thể thao Việt Nam tiến bộ?
Dễ hiểu, điều đó trước tiên đến từ những màn trình diễn tưng bừng của các VĐV Việt Nam, từ các chàng trai bóng đá nam cho đến từng tấm huy chương vàng của các môn thể thao khác. Tại Incheon 2014, Việt Nam chỉ có duy nhất một HCV nhờ wushu - không phải là môn thể thao Olympic. Còn ở giải lần này, con số được tăng lên 4, với 2 tấm huy chương vàng thuộc về những môn Olympic như chèo thuyền cùng điền kinh.
Đó rõ ràng là một sự tiến bộ. Thành tích của Bùi Thị Thu Thảo đánh dấu một cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên VN giành được huy chương vàng ở môn Olympic cơ bản như điền kinh.
Tất nhiên, những thất bại cũng đầy rẫy. Hầu hết các vận động viên ngôi sao như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Lê Tú Chinh (điền kinh)... đều không thi đấu đúng sức mình - để lại những câu hỏi lớn cho cách thức đầu tư của thể thao VN.
Bù lại, thể thao Việt Nam tại Asiad 2018 vẫn có những câu chuyện thành công gây kinh ngạc, điển hình như trường hợp của kình ngư 18 tuổi Nguyễn Huy Hoàng - người bất ngờ giành huy chương bạc nội dung 1.500m tự do nam.
Kỳ tích của Huy Hoàng cho thấy sự thú vị của thể thao, luôn có chỗ cho những bất ngờ dù ở cả các môn thể thao cơ bản. Ít nhất, Việt Nam cũng nhỉnh hơn hầu hết các quốc gia Đông Nam Á ở 2 môn thể thao cơ bản là điền kinh và bơi lội.
Ở điền kinh, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có được huy chương vàng, đồng thời cũng giành được nhiều huy chương nhất (1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 3 huy chương đồng, trong khi Thái Lan chỉ có 3 huy chương bạc và 1 huy chương đồng). Còn ở bơi lội, thành tích 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng của Việt Nam cũng chỉ kém Singapore (2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 3 huy chương đồng).
Lời khen cho chủ nhà Indonesia
Nhưng như vậy chưa đồng nghĩa với việc thể thao VN tiến bộ so với các nước trong khu vực. Số lượng huy chương của hầu hết các quốc gia tham dự Asiad 2018 đều tăng so với 4 năm trước vì một nguyên do: sự sa sút của "anh cả" Trung Quốc.
Liên tiếp những kỳ Asiad gần đây, Trung Quốc ngày càng thụt lùi về số huy chương. Ở Asiad Quảng Châu 2010, Trung Quốc giành 199 huy chương vàng, gần gấp 3 lần đoàn xếp sau là Hàn Quốc (79 huy chương vàng).
Đến Asiad 2014, số huy chương vàng của Trung Quốc chỉ còn 151, và trên đất Indonesia họ giảm chỉ còn 132.
Trung Quốc sa sút thì những quốc gia khác hưởng lợi. Chủ nhà Indonesia là ví dụ điển hình. Con số 31 huy chương vàng của Indonesia bị đem ra chế nhạo khá nhiều, một lần nữa là minh chứng cho việc chủ nhà vơ vét huy chương.
Nhưng thật ra, nếu bỏ đi số 14 huy chương vàng từ pencak silat, chủ nhà Indonesia thực sự vẫn tiến bộ rất nhiều. Họ giành 3 huy chương vàng leo núi, 2 huy chương vàng cầu lông, 2 huy chương vàng xe đạp, 1 huy chương vàng chèo thuyền, 1 huy chương vàng cử tạ, 1 huy chương vàng karate và 1 huy chương vàng quần vợt, cả thảy 11 huy chương vàng từ những môn thể thao Olympic (leo núi sẽ xuất hiện lần đầu ở Olympic năm 2020).
Indonesia thật ra không để lại nhiều điều tiếng về việc chủ nhà được trọng tài thiên vị ở Asiad 2018. Việc OCA chấp nhận cho pencak silat xuất hiện có thể xem như một món quà đền đáp việc Indonesia đứng ra tổ chức thay Asiad 2018 cho Việt Nam.
Và ngoài yếu tố chuyên môn, Asiad 2018 xứng đáng nhận được nhiều khen ngợi về công tác tổ chức.
Kẹt xe, ô nhiễm, thời gian chuẩn bị ngắn ngủi, là quốc gia nghèo nhất trong hơn 30 năm qua đăng cai Asiad, Indonesia giải quyết tất cả những khó khăn của mình để đăng cai một kỳ đại hội tốt chẳng kém Incheon 2014.
Gần như không có lời phàn nàn nào từ các đoàn thể thao về chuyện ăn ở, tiện nghi mà nước chủ nhà cung cấp. Đăng cai tốt dựa trên tinh thần tiết kiệm tối đa, trưởng ban tổ chức Erick Thohir cho thấy bàn tay tổ chức của một doanh nhân tài ba (ông cũng là chủ tịch CLB Inter Milan).
Cảm ơn Indonesia vì một kỳ đại hội không mang hình bóng "ao làng", cảm ơn những vận động viên đã mang đến các câu chuyện xúc động, và tạm biệt Jakarta - Palembang 2018, hẹn gặp lại ở Hàng Châu 2022.
Lễ bế mạc hoành tráng
Bất chấp việc hầu hết các vận động viên đã ra về, buổi lễ bế mạc diễn ra tối 2-9 tại sân vận động Gelora Bung Karno vẫn vô cùng hoành tráng.
Bên cạnh các nghệ sĩ nổi tiếng của Indonesia, tham gia biểu diễn còn có 2 nhóm nhạc Hàn Quốc. Chủ đề của buổi lễ bế mạc là lời cảm ơn toàn bộ các quốc gia châu Á vì đã chung tay tổ chức Asiad 2018 của chủ nhà Indonesia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận