Ánh đèn vàng ga Cà Ná báo hiệu tôi đã về đến quê nhà
Dù người về ấy là tôi - một kẻ tha hương từ ngày chưa kịp lớn, một kẻ đã cố rời xa những cũ kỹ mà tìm một nơi rực rỡ hơn, thay đổi hơn.
Đó là ánh đèn vàng hắt từ ga Cà Ná. Bức ảnh tôi chụp được nó khi tôi từ Sài Gòn về quê ăn tết ngang qua đó. Tôi sinh ra và lớn lên ở Ninh Thuận.
Ánh đèn ấy hiền hòa và bao dung làm tôi nhớ đến ngọn đèn người mẹ đặt bên cửa sổ cho gã con trai lưu lãng biết rằng cửa nhà vẫn còn mở của nhà văn Gamzatov.
Tín hiệu, để biết chúng ta còn đang đi đúng đường, để biết còn một nơi chốn trở về, còn những mong mỏi, chờ đợi, còn những giấc mơ để lần ngược.
Ngọn đèn ga Cà Ná như một cái ôm chầm của quê hương, cùng mùi gió biển, cùng nhánh bằng lăng lặng lẽ tím, cùng cành mai gầy đã quặn mình từ nắng gió tha thiết bung cánh vàng trên núi xa, cùng những chiếc ghe đang về bến sau những đêm rong ruổi.
Mùa xuân và nhịp tết đã bắt đầu, được đánh thức từ ánh đèn ấy, trong lòng người xa xứ.
Ánh đèn như lời chào mừng hiện tại, như sự tiễn biệt quá khứ, như sự vỗ về, nhắc nhở, tất cả đều tự nhiên và bình yên. Ánh đèn ấy báo hiệu cho tôi biết mình đã đặt chân lên đất quê hương.
Quốc lộ 1 tôi đi về hàng trăm lần, nhưng những chuyến xe về tết bao giờ cũng ý nhị, cũng đầy gợi nhớ, cũng đầy hình ảnh lưu trữ.
Trên quãng đường ấy, bao nhiêu là điều để thấy, để nhớ: rừng cao su Long Khánh rì rào ru xanh giấc ngắn của kẻ lữ hành khao khát, những cây diệp anh đào bung kín hoa hồng ở cuối Xuân Lộc nhắc kẻ đi đường cẩn thận hơn một chút để kịp nhìn cái đẹp bình yên, giếng nước mát trong ngôi nhà ven đường ở Hàm Thuận Nam có cô chủ nhỏ nghiêng đầu cười nhẹ khi khách hỏi xin một gàu nước mát lành...
Những cành mai gầy từ núi về bến sông Dinh quê tôi
Mỗi hình ảnh, mỗi chi tiết đều có thể dựng nên một câu chuyện, mở ra một hành trình mới.
Nhưng tất cả đều lùi lại khi chiếc xe đã lên trên cầu Đạo Long, cây cầu bắc qua dòng sông Dinh quê tôi ẩn nhẫn chảy. Trên bãi sông, cắm đầy các mai chà, loại mai da láng đặc trưng vùng Nam Trung Bộ.
Những cành mai đơm nụ kín, lơ thơ bung hoa vàng, những cành mai chỉ kiên quyết vươn lên ở những gộp đá khó đến nhất, sinh trưởng và ra hoa bằng tất cả ý chí cùng góp gom trời đất.
Những cành mai nở vàng ấy đã hi sinh vì cái đẹp chính mình. Nhưng điều tôi muốn nói đến là những cành mai trắng bị "ruồng rẫy".
Ở một góc bãi sông tập kết mai, nơi ấy, vất chỏng chơ, bị bẻ gãy làm củi là những cành mai lẻ loi ra hoa trắng.
Người dân không mua mai trắng, họ cho rằng xui rủi trú ngụ đâu đó trên cánh trắng mỏng manh kia so với sắc vàng.
Khi bị đốn về, người chặt mai chưa hay những nụ sẽ bung sẽ mang màu trinh nguyên ấy, khi bị phát hiện hoa trắng, mai hóa thành củi.
Một ngày giáp tết trong ký ức, chú bé con là tôi đã cong lưng cõng hai cành mai trắng đẹp quá sức nhìn của trẻ con về nhà, khoe như chiến tích.
Nhà tôi năm ấy không đủ tiền mua mai, dù ba tôi rất thích. Khi bị mọi người quở mắng, tôi thẫn thờ nhận ra một điều đẹp có thể bị phụ rẫy vì màu sắc riêng mình. Tôi vác hai cành mai ra cắm ngoài bờ ruộng, mai vẫn nở bất chấp.
Chiều cuối năm ấy, chẳng hiểu sao tôi ngồi dưới hai gốc mai, trên bờ ruộng lúa vừa gieo chưa lâu, khóc nức nở.
Thế rồi một bàn tay vỗ vai tôi, cũng bàn tay ấy đã dọn lại hai cành mai, gom vào một lộc bình nâu thật đẹp để trong nhà.
Đó là ba tôi, ông bảo "hoa nào cũng đẹp, để ba cắm", má tôi không nói gì chỉ nhìn cành mai, sự xui rủi nào có thể chạm vào tôi, khi đã có những ân cần như thế.
Nhìn vào những cành mai trắng cuối bãi, chạm ánh mắt ngỡ ngàng của một đóa mai trắng còn chưa thấy số phận mình, tôi lại lên xe nhanh về nhà.
Về nhanh thôi để chạm mặt ngày xưa, chạm lại những yêu thương trong cuộc sống, dù ba tôi đã đi xa, nhưng tôi còn vẹn nguyên một không gian ân cần.
Không gian của ánh đèn vàng và màu mai trắng!
Mời bạn đọc kể chuyện về quê ăn tết
Năm hết tết đến, người dân Việt xa quê ai cũng mong muốn được về bên gia đình, hưởng một cái tết đầm ấm.
Đến hẹn lại lên, hành trình về quê trong những ngày cuối năm luôn là một trải nghiệm đầy cảm xúc, với những câu chuyện đẹp về tình người và cũng không thiếu những bức xúc bởi những trắc trở trên đường. Đường về quê tết này có thuận lợi, suôn sẻ không? Dọc đường có gì vui, đẹp, độc, lạ?...
Kính mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Kỷ Hợi 2019, chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".
Đừng ngần ngại gửi về cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip theo địa chỉ email: vequeantet@tuoitre.com.vn từ nay đến 11-2-2019 (mùng 7 tháng giêng).
Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 2 triệu đồng. Ngoài ra, Tuổi Trẻ Online sẽ chọn 10 tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất để trao tặng "Lộc xuân 2019", mức 5 triệu đồng/tác phẩm.
Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang FUTA Bus lines là đơn vị đồng hành.
Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận