14/06/2018 11:40 GMT+7

Ẩn số dòng tiền từ cho vay tiêu dùng rót vào nhà đất

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Đang có diễn biến “lạ” là tỉ lệ cho vay bất động sản giảm nhưng cho vay tiêu dùng lại tăng.

Ẩn số dòng tiền từ cho vay tiêu dùng rót vào nhà đất - Ảnh 1.

Đất nền sốt trong thời gian gần đây. Ảnh QUANG ĐỊNH

Liệu có tình trạng lách để đổ vốn vào bất động sản?

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết 5 tháng đầu năm tín dụng trên địa bàn TP tăng 6,42%. Trong đó, tỉ trọng cho vay bất động sản trong tổng dư nợ có xu hướng giảm, chỉ còn 10,7% so với mức 10,9% mấy tháng trước. Nhưng ngược lại, cho vay tiêu dùng có biểu hiện tăng lên.

Trước đây, cho vay sản xuất kinh doanh thường chiếm khoảng 77% trong tổng dư nợ, cho vay bất động sản khoảng 10,9%, còn khoảng 12% là cho vay tiêu dùng, chứng khoán. Nhưng tính đến thời điểm cuối tháng 5, tỉ lệ cho vay tiêu dùng, chứng khoán đã tăng lên 14%, còn cho vay sản xuất kinh doanh giảm xuống mức 76%.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM.

Trong khi đó theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng có hiện tượng tương tự. Cụ thể, tín dụng bất động sản và xây dựng chỉ tăng 12,2% trong năm 2017, tỉ trọng trong tổng tín dụng giảm từ 17,1% xuống còn 15,8%.

Ở chiều ngược lại, dư nợ cho vay mua, sửa chữa nhà ở (được ghi nhận là một phần của tín dụng tiêu dùng) tăng đến 76,5%. Tỉ trọng trong tổng tín dụng của nhóm này cũng tăng từ 6,09% lên 9,52%.

Từ thống kê này, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cảnh báo có tình trạng các ngân hàng "lách" cho vay kinh doanh bất động sản khi đưa các khoản cho vay mua, sửa chữa nhà vào cho vay tiêu dùng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều chuyên gia cho biết hiện nay những khoản cho vay mua nhà, đất, sửa chữa nhà mà người vay trả nợ bằng lương đều được các ngân hàng xếp vào cho vay tiêu dùng chứ không đưa vào bất động sản.

Do vậy khó thống kê chính xác đã có bao nhiêu vốn đổ vào bất động sản. Thời gian qua giá đất liên tục tăng, thị trường bất động sản rất sôi động khiến nhiều người có nhu cầu vay để đầu tư kiếm lời. Các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay lĩnh vực này vì lãi suất cho vay cao hơn các lĩnh vực khác.

Ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho biết thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước đã không còn dùng khái niệm cho vay tiêu dùng nữa mà chuyển sang dùng khái niệm cho vay phục vụ đời sống để nói về các khoản vay tiêu dùng của ngân hàng nhằm phân định rõ với các công ty tài chính.

Theo ông Phước, các khoản cho vay phục vụ đời sống tại các ngân hàng hiện nay không chỉ là cho vay mua xe, mua sắm trang thiết bị trong gia đình mà còn có những khoản vay mua, xây, sửa chữa nhà. 

"Trước đây trong giai đoạn từ 2008-2010 Ngân hàng Nhà nước quy định chặt tỉ lệ cho vay vào lĩnh vực tiêu dùng nhằm tránh việc ngân hàng quá tập trung vốn vào bất động sản, chứng khoán. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước không còn quy định giới hạn vốn vào lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống nhưng quan điểm của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là luôn phải quan tâm, lưu ý, thậm chí thận trọng với lĩnh vực này nhằm tránh hiện tượng bong bong bong rất khó kiểm soát", ông Phước lưu ý.

Tuy nhiên, ông Phước nhấn mạnh, việc thận trọng phải căn cứ trên nhiều yếu tố như nguồn cung, nhu cầu, tình hình thị trường…và phải linh hoạt, chứ thận trọng không có nghĩa là không cho vay.

Ngân hàng siết nguồn tiền

Ẩn số dòng tiền từ cho vay tiêu dùng rót vào nhà đất - Ảnh 3.

Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã lưu ý các ngân hàng phải thẩm định chặt chẽ. Ảnh QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết gần đây Ngân hàng Nhà nước TP đã lưu ý các NH phải thẩm định chặt chẽ, xem xét kỹ năng lực tài chính của chủ đầu tư…

Về phía các ngân hàng cũng bắt đầu siết lại nguồn vốn. Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho hay NH này khá thận trọng, chủ yếu cho vay với người có nhu cầu thật về nhà ở và hạn chế cho vay với các trường hợp đầu cơ.

Về định giá bất động sản, ông Phát cho biết không phải giá đất lên là NH định giá lên mà NH sẽ xem xét để tính giá bình quân trong cả thời kỳ. Những khu sốt đất NH hầu như không cho vay. Ngoài ra, NH cũng hạn chế đổ vốn vào phân khúc đất nền. Lãi suất cho vay bất động sản gần đây cũng được điều chỉnh tăng lên.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Vietcombank cho hay ở những thời điểm thị trường bất động sản sốt nóng, ngân hàng áp dụng cách thức định giá thận trọng, dựa vào những yếu tố, chẳng hạn mức tăng GDP. Có những khu vực NH chỉ chấp nhận tăng tối đa bằng 150% GDP. 

"Nói chung cách định giá làm sao để NH không cho vay "hớ" khi thị trường tăng đột biến và khi thị trường điều chỉnh mạnh thì NH cũng không bị ảnh hưởng", ông Thành nói.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà Nước, cho hay trong bối cảnh giá đất liên tục lên cơn sốt suốt thời gian dài, Ngân hàng nhà nước kiểm soát rất chặt tín dụng với các lĩnh vực rủi ro. Trong 5 tháng đầu năm, tín dụng với lĩnh vực bất động sản chỉ tăng 2,19%, cho vay với dự án BOT tăng 2,15%, riêng tín dụng với lĩnh vực chứng khoán giảm 3,12%.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên