Phóng to |
Bài Hồ Trường (trong HMDK) in trên Nam Phong tạp chí |
Từ bấy đến nay, rất nhiều người đề cập đến bài Hồ trường như một tác phẩm của Nguyễn Bá Trác, có rất nhiều người vì yêu thơ rượu mà thích thú cái phong vị hào sảng trong bài thơ này.
Thế nhưng, kể cả các nhà nghiên cứu, ai cũng lầm rằng bài thơ trên do Nguyễn Bá Trác sáng tác. Cho đến năm 1998 trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật có đăng một bài của Đông Trình dẫn lời Nguyễn Văn Xuân cho biết bài Hồ Trường do Nguyễn Bá Trác dịch lại từ một ca khúc của Trung Quốc.
Tuy nhiên, về mặt văn bản học, do vì xuất xứ phức tạp của bài thơ (thực ra là lời ca) Hồ Trường, nên các bản đang lưu hành tại VN xưa nay có nhiều điểm khác biệt nhau.
Nay nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân sưu lục được nguồn gốc xuất xứ của nguyên tác lời ca tiếng Trung Quốc (mà Nguyễn Bá Trác đã dịch thoát thành bài Hồ Trường), và dịch sát nghĩa lại để bạn đọc có dịp đối chiếu giữa nguyên tác, bản dịch nghĩa và lời thơ.
Xét về mặt tư liệu, đây là một đóng góp lớn cho việc minh định đâu là xuất xứ của Hồ Trường. Đồng thời, qua bài viết của tác giả Phạm Hoàng Quân, bạn đọc thấy hé mở một phần hành trạng của Nguyễn Bá Trác qua một trước tác khác là tập “Hạn mạn du ký”.
Cho đến nay, có ít nhất 5 bản in lời ca Hồ Trường (1) mà các bản có nhiều chỗ không giống nhau. Để góp một phần tài liệu cho sự tham khảo, đối chiếu được rộng rãi chúng tôi trích lục các văn bản bằng chữ Hán, chữ Việt đã in trên Nam Phong tạp chí - nơi xuất xứ của lời ca này - cách nay đã 86 năm đối với Nam phương ca khúc và 84 năm đối với Hồ Trường.
Trong bài viết này chúng tôi quy ước như sau: Gọi Hồ Trường đối với lời ca tiếng Việt đã lưu hành từ trước tới nay. Nam phương ca khúc là tên tạm đặt cho lời ca mà Nguyễn Bá Trác đã nghe được, chép lại và dịch thành lời ca Hồ Trường.
I. Nguồn gốc lời ca Hồ Trường
Nam phương ca khúc (NPCk) được đăng lần đầu tiên theo thiên ký sự Hạn mạn du ký (HMDK) của Nguyễn Bá Trác trên Nam Phong tạp chí phần chữ Hán số 30, trang 214 năm 1919.
HMDK trước tiên được viết bằng chữ Hán, đăng tải từ số 22 đến số 35 năm 1919, 1920; sau đó thiên ký sự này được chính tác giả dịch sang chữ Việt và đăng tải ở phần chữ Việt của Nam Phong từ số 38 đến số 43 năm 1920, 1921.
Hạn mạn du ký là thiên ký sự gồm 14 chương kể lại cuộc đông du của tác giả trong khoảng 6 năm (1909 - 1914) từ Sài Gòn sang Xiêm La - Hương Cảng - Nhật - Trung Hoa - rồi về VN.
Nam phương ca khúc nằm ở chương 10: “Tại Thượng Hải gặp người đồng hương”. Vào khoảng năm 1912, khi lưu lạc ở Thượng Hải, tác giả gặp một người đồng hương cùng chí hướng, người này có giọng hát hay (giọng Quảng Đông). Một đêm nọ, hai người đi uống rượu, “rượu ngà ngà, Nguyên quân đứng dậy mà hát” (lời Nam phương ca khúc), ở bàn bên cạnh, một võ quan họ Lưu, người Trực Lệ, nghe điệu hát, sang hỏi là điệu gì, được trả lời: “Ấy là một điệu đặc biệt ở phương nam” (2), họ Lưu nói “nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái, nam phương mà có điệu hát đến thế ru?”. Sau đó họ Lưu xin người hát chép ra giấy lời ca ấy để giữ xem.
Về mặt văn bản mà xét, thì bài ca ấy không rõ tựa đề, không biết tác giả, Nguyễn Bá Trác chép lại toàn vẹn Nam phương ca khúc. Và khi Hạn mạn du ký được sang chữ Việt thì lời ca này đã được dịch rất thoát, tuy nhiên nó vẫn là “lời ca” minh hoạ cho văn cảnh ấy chứ không phải “bài thơ hồ trường” như nhiều người từng gọi.
Cũng vì vậy, trong bài viết này, người viết xin gọi theo cách cũ là “Lời ca hồ trường” (3). Hồ trường so với Nam phương ca khúc có nhiều điểm khác biệt. Người dịch đã linh động nương theo âm điệu tiếng Việt và có chỗ thêm tứ có chỗ bớt lời, khéo giữ được cái thần thái hào sảng của nguyên tác.
Hồi ấy Hồ Trường được dịch thẳng từ lời ca chữ Hán sang lời ca chữ Việt mà không có bản dịch nghĩa, nay thấy cần có nguồn tài liệu để dựa vào mà đính chính một số điểm khác biệt của Hồ Trường, nên tôi chụp lại nguyên tác hán văn Nam phương ca khúc từ Nam Phong tạp chí, đồng thời phiên âm dịch nghĩa để bạn đọc tham khảo.
II. Nam phương ca khúc
Phiên âm:
Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thườngTiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hươngHồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thươngLập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thời hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dươngPhủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ (4) hề, , thí lai đối chước hữu dư thương.Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lanDư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dươngDư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túyThiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chíNam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử
Dịch nghĩa:
Kẻ trượng phu sống mà không vạch gan, bẻ cột lo giềng mối cho đờiRong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu?Quay đầu trông về nam, miệt mù vậy hỉ! Trời mây nối màu xanh ngắtLập công chẳng được, học không xong, trai trẻ có bao lâu, ngồi ngó trăm năm, thân đuổi cuộc sớm chiều.Vỗ tay hát khùng, hỏi đời kia, đất trời mờ mịt vậy, một người tri kỷ tìm ở đâu, thử đến giúp ta rót chén rượu nàyTa quăng chén rượu đầy trộn nước biển đông, nước biển đông nổi cuộn vạn lớp sóngTa quăng chén rượu đầy vào mưa núi tây, mưa núi tây một trận sao lênh lángTa quăng chén rượu đầy đuổi theo gió bắc, gió bắc tung cát lăn đá bay nơi khácTa quăng chén rượu đầy vào mây mù trời nam, trong mây mù có người há miệng điềm nhiên say trànTrời đất dọc ngang đều mất hết, sao ta không say, chí ta thời ta làmTừ xưa nam nhi đuổi theo tang bồng, cớ gì sùi sụt sầu cố hương.
Qua bản phiên âm và dịch nghĩa NPCK, chúng tôi thấy cần dừng lại lưu ý một đôi chỗ. Số là trong HMDK đăng tải trên Nam Phong - ở cả phần chữ Hán và chữ Việt - không có phần chú thích các từ khó hiểu thuộc về điển tích đã dùng trong NPCK và Hồ Trường, nay xin nói thêm về các điển ấy.
Ở câu đầu tiên có cụm từ “xé gan bẻ cột”. Trong NPCK ta thấy viết là Bẻ cột - chiết hạm. (Có nhiều người lầm viết là bẻ cật). Theo các từ điển thông dụng Trung Quốc thì điển tích “bẻ cột” xuất phát từ sách Hán Thư – truyện Chu vân: Thời Hán thành Đế, Hòe Lý Lệnh (một chức quan trong hàng Tam Công) là Chu Vấn tâu với vua xin giết An Xương Hầu Trương Vũ, vua nổi giận sai chém Chu vân. Khi bị bắt lôi đi, Chu Vân uất ức bám tay vào vặn cột điện, cột cung điện bị gãy, nhơn lúc lộn xộn ấy, Tân Khánh Kỵ giải cứu Chu Vân. Sau đó Thành đế biết Chu Vân xin giết Trương Vũ là vì lòng trung, bèn tha tội.
Khi sửa cung điện, Thành đế lệnh phải giữ nguyên dạng phần cột bị gãy, lấy hình ảnh đó mà biểu dương lời nói ngay thẳng của Chu Vân. Đời sau thường dùng từ “chiết hạm – bẻ cột” để chỉ hành vi dũng cảm trong việc dùng lời lẽ để can gián vua. Thôi Đồ trong bài thơ Ký cữu (gởi cậu) có câu “trí quân kỳ chiết hạm” (hết lòng vì vua mà bẻ gãy cột).
Chữ “Thương” ở cuối câu thứ năm (được lặp lại nhiều lần trong lời ca) có thể đọc là “trường” hay “tràng” mà Nguyễn Bá Trác đổi thành “Hồ trường”, từ một chữ “thương” biến thành hai chữ “hồ trường” rồi thành hẳn tên bài ca, kể cũng kỳ thú!
Thương có ba nghĩa:
1. Là cái chén uống rượu giống như cái tước, làm bằng sừng, “thương” là chén rót đầy rượu, khi chưa rót rượu vào thì gọi là “chí”;
2. Mời rượu người khác một cách kính trọng gọi là “thương”. Sách Lã Thị Xuân Thu – thiên Đạt Úc có câu “Quản tử thương Hoàn Công” (Quản Từ kính cẩn mời rượu Tề Hoàn Công).
3. Tự uống rượu một mình gọi là “thương”, Phạm Thành Đại trong bài “Túc tư khẩu thỉ văn nhạn” có câu “bá tửu bất năng thương” (nâng ly khó uống một mình).
Khi dịch nghĩa NPCK, chúng tôi dùng nghĩa “thương là chén rượu đầy”. Còn từ “hồ trường” trong lời ca Hồ trường là sự sáng tạo của dịch giả Nguyễn Bá Trác, chúng tôi không dám lạm bàn.
Chữ “phần tử” mà chúng ta thấy ở cuối bài NPCK là một từ chỉ quê hương (mà dịch giả Hồ trường đổi thành “cỏ cây”). Phần và tử là tên hai loại cây. Cây phần là một loại Du trắng nên còn gọi là “Phần du”.
Trong Hán thư - Giao tự chí, quyển thượng có ghi lại rằng: “Trong buổi lễ tế Giao, Hán Cao tổ có khấn mình là người ấp Phong, làng Phần du (làng có trồng cây phần du làm đặc trưng, sau thành tên làng), người đời sau lấy chữ Phần du để chí cố hương. Cây Tử tức là cây Thị, gỗ dùng để đóng đàn, khắc bản in…
Quê cha đất tổ gọi là “tử lý” hay “tang tử”. Kinh thi có câu “duy tang dữ tử, tất cung kính chi” (cây do cha mẹ trồng, ắt phải cung kính vậy); Phạm Thành Đại có câu “thân tu tử lý cung” (cung kính quê nhà mà lo tu sửa thân); truyện Kiều có câu “có khi gốc tử đã vừa người ôm”. “Phần tử” là từ được ghép bởi “Phần du” và “Tử lý” (hoặc “Tang tử”). Nguyễn Du viết: “Đoái thương muôn dặm tử phần; hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” (Kiều).
Các chú thích vừa nêu có thể là dài dòng nhưng qua đó, phần nào bạn đọc có thể thấy những điểm khác biệt giữa NPCK và Hồ Trường, đồng thời có thể xác định bản Hồ trường nào đã theo đúng bản gốc.
III. Lời ca Hồ trường
Nguyên bản trích từ Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920. Trang 400 – 401 (giữ nguyên các lỗi sai so với chính tả ngày nay)
1. Trượng phu không hay sé gan bẻ cột phù cương thường;2. Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương3. Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương 4. Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương.5. Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.6. Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?7. Rót về đông phương, nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn;8. Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan9. Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;10. Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng11. Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay12. Nam nhi sự ngiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Qua lời ca Hồ trường này, chúng ta thấy các bản in lại có nhiều chỗ khác biệt. Các điểm sai lệch quan trọng có thể kể:
Ở câu 1: có vài bản in là bẻ cật (có lẽ do liện hệ gan - cật nên thành xé gan bẻ cật thay vì bẻ cột). Ở câu 2: nhầm thành tha phương (nguyên bản là “tha hương”).
Ở câu 4: hầu hết các bản in lại đều là “thân thế” (nguyên bản là “thân thể”), tuy nhiên, ở đây có lẽ bản gốc Nam Phong sai vì trong NPCK chữ Hán dùng chữ “thân thế”.
Ở câu 5 có vài bản in “vỗ gươm mà hát” (thay vì “vỗ tay”) và tiếp đó là “nghiêng bầu mà hỏi” (thay vì “nghiêng đầu”). Ở câu 9 hầu hết các bản đều in “ngọn bắc phong vi vút” (thay vì “vì vụt”)…
Như đã nói, bài viết này chỉ dựa vào bản Hạn mạn du ký in lần đầu trên Nam Phong, người viết chưa được đọc bản in thành sách sau đó, cũng có khả năng tác giả HMDK có điều chỉnh đôi chỗ về ý hoặc về lỗi kỹ thuật, đồng thời bản dịch NPCK của chúng tôi nếu có lầm lẫn, xin bạn đọc điều chỉnh giúp cho.
Chú thích:
(1) Các bản được biết gồm: 1. Trong tập Hạn mạn du ký - Đông Kinh ấn quán - Hà Nội 1921 (tác giả in lại). 2. Phạm Thế Ngũ - Việt Nam văn học sử giản ước tân biên - Quốc học tùng thư - Sài Gòn - 1965 (bài ca Hồ trường in ở trang 327 - tập 3). 3. Lãng Nhân - Chơi chữ - Nam Chi tùng thư - Sài Gòn - 1960 (in lời ca Hồ Trường theo một giai thoại, trang 94). 4. Đông Trình - (bài báo) - Tuổi Trẻ chủ nhật ngày 7-6-1998. 5. Vương Trùng Dương - Nguyễn Bá Trác và bài thơ Hồ Trường - võng trạm www.xuquang.com - in lại bản của cháu ngoại tác giả công bố.
(2) Phương nam ở đây chỉ miền Lãnh Nam - Trung Quốc
(3) Người sau gọi Hồ Trường là trích lấy chữ trong lời ca mà gọi chứ không phải tựa đề do tác giả Hạn Mạn du ký đặt ra.
(4) Chữ KỶ này ở nguyên bản hán văn in nhầm là chữ DĨ
(5) Các chú thích ở phần dịch nghĩa Nam phương ca khúc được tổng hợp từ các sách Từ Hải, Từ Nguyên, Cổ Hán ngữ từ điển, Hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận