07/08/2005 19:12 GMT+7

Nhà văn Bảo Ninh: Cái thật bao giờ cũng có sức quyến rũ

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Việc hai cuốn nhật ký chiến trường của các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc - những "cây bút" vô danh - trở thành sách văn học best - seller đã khiến nhiều người giật mình, trong đó có những nhà văn tên tuổi.

7Ul6flTT.jpgPhóng to
Nhà văn Bảo Ninh

Lần đầu tiên nhìn thấy cuốn nhật ký, tôi đã rất xúc động. Đó là một phần tuổi trẻ của tôi. Đó là những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời tôi. Cái đẹp của sự xả thân. Cái sự xả thân của chị Trâm, anh Thạc hồi ấy sao mà đơn giản thế.

Đừng vội gán cho chị Trâm những lý tưởng to tát như vì Đảng, vì dân, cũng đừng cường điệu chị lên, đừng bắt chị phải vác cái huy hiệu "anh hùng". Bởi theo tôi, chị rất đỗi bình thường. Trước cái chết, nếu "không run sợ" tức là đang nói dối!

Có lẽ chị Trâm chỉ nghĩ đơn giản là mình nổ súng đánh lạc hướng thì mấy người thương binh sẽ có chút thời gian chạy vào rừng...

Phản ứng của độc giả trẻ là hoàn toàn chân thật. Đừng nghĩ thanh niên VN không thèm quan tâm đến quá khứ mà chẳng qua vì "chúng" không thích những bài giảng sáo rỗng đấy thôi!

Thanh niên thời nay và thanh niên hồi xưa vẫn thế. Họ không hoàn toàn hư hỏng. Và, khi bắt gặp một câu chuyện rất thật, một câu chuyện viết cho chính mình, họ đã "lên cơn sốt". Cái thật bao giở cũng có sức quyến rũ hơn sự giả tạo!

* Thế chẳng hóa ra các tác phẩm viết về chiến tranh lừng lẫy một thời và cả những câu thơ nằm lòng hồi ấy vẫn chưa đủ sức "quyến rũ" hay sao?

- Những tác phẩm như Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng, Tiền tuyến gọi... có thể thông cảm được vì tác giả viết trong thời kỳ chiến tranh. Khi ấy, người ta cần huy động sức mạnh toàn dân và chính người ta cũng nghĩ như thế... Nhưng văn chương chỉ sống được khi nó là sự chân thật. Cái hay nhất của cuộc đời lại là những điều bình dị.

* Ngay Nỗi buồn chiến tranh của anh xem ra cũng không "ăn thua" gì. Kiên và Phương (nhân vật chính của tiểu thuyết - cũng vẫn "cứng" lắm...

- Đúng là nhân vật của tôi hơi "lai" thời đại hôm nay. Đúng là các tác phẩm lớn qua thời gian sẽ bị cũ đi. Không hẳn vì nó dở. Mà vì độc giả đã trưởng thành lên, đã bớt ấu trĩ đi. Người ta đã từng trải hơn còn anh cứ đi loanh quanh luẩn quẩn bên ngoài rìa cuộc sống thì làm sao có sách "gối đầu giường" được! Tôi thấy đây lại là điều đáng mừng...

Và cũng đáng lo khi người cầm bút chỉ quen một nếp tư duy - tức là khi viết về cuộc chiến chỉ quen nhìn theo một lối là nó rất đẹp, còn viết về thời bình thì ôi thôi, sao mà kinh thế.

Kỳ thực, thời chiến cũng có biết bao chuyện kinh khủng chứ!

* Tôi lại nghĩ rằng - ngoài sự dũng cảm ra, nhà văn mình đang mắc cái bệnh thích "cõng" quá nhiều ý tưởng, mà chẳng ý tưởng nào thực sự "chín" nên mới không "vọt" ra được...

- Cái hạn chế của nền văn học mình thì có nhiều lý do. Nhưng với nhà văn thì chủ yếu do sức nghĩ và sức làm việc có hạn. Lứa chúng tôi ít học, viết dựa vào kinh nghiệm. Cho nên, ít có tư tưởng gì lớn. Vốn ngoại ngữ lại hạn chế nên cũng ít có dịp tiếp xúc với tinh hoa thế giới. Năm 1991, khi tôi, anh Nguyễn Khắc Trường, anh Dương Hướng được giải thưởng cũng chính là năm kết thúc một thời kỳ của văn học VN.

* Chứ không phải "mở ra một thời kỳ" như nhà phê bình Nguyên Ngọc nói?

- Vâng. Đó là thời kỳ tổng kết - tổng kết về chiến tranh, tổng kết về một thời đại đã qua. Còn sau đó văn đàn im hơi lặng tiếng vì nhà văn chưa nhìn ra mẫu số chung của thời kỳ mới. Khó lắm!

* Vì thế mà bây giờ Bảo Ninh vẫn nhâm nhi: "Ôi năm tháng của tôi, thời đại của tôi, thế hệ của tôi. Suốt đêm nước mắt tôi ướt đầm gối bởi nhớ nhung, bởi tiếc thương và cay đắng ngậm ngùi... " và than rằng "cuộc đời tôi kỳ thực có khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lùi về dĩ vãng"... Người ta bảo anh "tịt" hẳn rồi - bao nhiêu tinh lực đã trút hết cả cho Nỗi buồn chiến tranh còn đâu...

- Nếu không có cái khoản viết báo Tết thì đúng là tôi còn "tịt" luôn cả truyện ngắn. Nhưng thôi, hiện tôi đang viết một cuốn sách mới. Cũng vẫn đề tài chiến tranh. Vì nó gần với tôi nhất. Nhưng lần này là cái nhìn ở góc khác. Nhân vật là người làm việc cho chế độ Sài Gòn. Lúc viết, tôi chỉ nghĩ đến bạn bè cùng thời của tôi - những người đã chết... Với lứa chúng tôi thì chỉ "nhai" lại mình thôi.

Không phải là cuộc sống mới, thời đại mới, không phải là những hy vọng về tương lai tốt đẹp đã cứu giúp tôi mà trái lại những tấn thảm kịch của quá khứ đã nâng tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho tôi. Chút lòng tin và lòng ham sống còn lại trong tôi không phải do những ảo tưởng mà là nhờ sức mạnh của hồi tưởng...

Có thể rồi chúng ta sẽ có cuốn tiểu thuyết vĩ đại của ngày hôm nay hoặc có thể không. Còn nhà văn lớn của chúng ta có thể đang là đứa trẻ đánh giày ngoài đường ấy...

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên