Phóng to |
Nhà văn Thy Ngọc - Ảnh: VNN |
Lớp học của anh bồ câu trắng hiện đang được Đài Truyền hình Việt Nam chuyển thể thành 8 tập phim hoạt hình. Ông kể:
- Năm 1942, tôi mới 17 tuổi, đang học Thành Chung thì được NXB Cộng Lực, Hà Nội, in cuốn truyện đầu tay Vỡ Đê. Sau đó tôi đến NXB lĩnh nhuận bút, tuy chúng tôi còn trẻ lắm nhưng ông Lê Diệu chủ NXB vẫn giới thiệu: Đây là bác Ngọc, còn đây là bác Trí (Nam Cao). Nam Cao hôm ấy đến lĩnh nhuận bút cuốn Người Thợ Rèn, biết tôi có quen ông Lê Văn Trương nên anh nhờ tôi dẫn đến nhà ông ấy để cám ơn. Vì nhờ có ông Trương viết lời tựa cho cuốn Đôi lứa xứng đôi mà tác phẩm này bán rất chạy. Trên đường đi, Nam Cao nói có đọc tác phẩm của tôi và khuyên: “Anh nên viết về những người nghèo”. Lời của một nhà văn tên tuổi như Nam Cao không chỉ là sự khích lệ lớn, mà còn định hướng cho việc cầm bút của tôi.
* Và từ đó ông theo đuổi nghiệp văn?
- Năm 1944 NXB Tam Kỳ in cuốn truyện thiếu nhi thứ hai của tôi là Hai lần thoát xác, nhân vật là con bọ dừa. Thú thực với anh, mình là học sinh, viết rồi được in thì nó gây cho mình men say, khiến mình yêu nghề chứ cũng không nghĩ mình sẽ là nhà văn đâu. Nhưng sau này khi đã về công tác tại NXB Kim Đồng, tôi thấy viết cho thiếu nhi là nghề phù hợp với mình.
* Suốt đời viết cho thiếu nhi, ông thấy đâu là điều khó nhất?
- Viết cho thiếu nhi trước hết phải có tính giáo dục, song lại phải giản dị mà vẫn hấp dẫn. Ngay cả đến giờ, càng viết tôi càng thấy khó. Bởi hấp dẫn không phải là cầu kỳ, mới lạ, mà là cách viết câu chuyện như thế nào. Nhưng trên hết, mình phải hết lòng với các em thì mới viết được.
Tôi có may mắn là được sống và làm việc cùng các nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, những bậc thầy hết lòng khi viết truyện thiếu nhi. Rồi các họa sĩ Mạnh Quỳnh, Tạ Thúc Bình, những người vẽ, dù chỉ là phác thảo thôi cũng công phu, kỹ lưỡng…
* Ông đã minh họa, vẽ bìa của khoảng 300 tập sách. Ông học vẽ từ khi nào vậy?
Thời Pháp, trước năm 1940 có một trường ở Paris đào tạo theo lối gửi bài chấm rồi mình trả tiền. Cứ vẽ bài xong thì mình gửi bài qua đường bưu điện sang bên đấy. Họ xem, chấm bài bằng cách viết thư lại cho mình, đề cập tỉ mỉ lỗi của mình, khuyên nên chữa như thế nào với bài mẫu gửi kèm theo. Rất quy củ nghiêm túc. Nói nôm na như bây giờ là đào tạo từ xa. Cứ thế vài ba năm là mình đã nắm khá căn bản kiến thức hội họa. Nếu ai yêu thích thì đều có thể học như thế.
* Thy chắc là tên một mối tình của ông?
- Vâng. Một mà lại là duy nhất. Đấy là tên của vợ tôi đấy. Tôi mê thơ nhưng không giỏi về thơ tình, bởi tôi chỉ cần làm có một bài là lấy được vợ rồi. Có vợ rồi thì còn làm thơ tình với ai nữa. Mà nếu thơ không thật, không còn ở tấm lòng mình thì không còn là thơ hay nữa.
* Xin cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận