23/01/2005 13:21 GMT+7

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Viết văn quý ở lòng nhân

Nhà phê bình văn họcNguyễn Hòa
Nhà phê bình văn họcNguyễn Hòa

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa được trao giải B văn xuôi (không có giải A) giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2004 cho tập ký chân dung Rừng xưa xanh lá. Ông có cuộc trò chuyện ngay sau khi giải thưởng được công bố.

L9D1Wq3O.jpgPhóng to
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn - Ảnh: Nhân Dân
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa được trao giải B văn xuôi (không có giải A) giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2004 cho tập ký chân dung Rừng xưa xanh lá. Ông có cuộc trò chuyện ngay sau khi giải thưởng được công bố.

* Ông đón nhận tin này như thế nào?

- Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Dù trước đó đã được nghe phong thanh nhưng khi được tin chính thức, tôi vẫn không khỏi bất ngờ vì không nghĩ giải thưởng của Hội - sự thừa nhận vào dạng "chính thống" nhất ấy lại có lúc đến lượt mình.

* Giải thưởng (dù chỉ là giải B) có thể sẽ khiến cho tập sách có dịp mở rộng công chúng hơn. Ông có vui khi tới đây độc giả sẽ tìm đọc sách của ông không phải vì tò mò mà vì "sự thừa nhận chính thống" ấy?

- Điều làm tôi vui nhất, như đã nói, chính là sự thừa nhận chính thống kia, một sự thừa nhận cởi mở có lẽ không chỉ của Hội Nhà văn VN mà có thể còn ở các cấp cao hơn. Còn với bạn đọc, tôi nghĩ lâu nay, "thương hiệu" Bùi Ngọc Tấn có lẽ cũng đã đủ có một chỗ đứng nhất định trên "thương trường".

* Vài năm gần đây, xuất hiện khá nhiều tập sách ký chân dung văn nghệ sĩ. Nhưng không ít trong số này đã gây nghi ngờ về độ chân thực. Một lời bảo đảm từ ông về RXXL?

- Xin được nhắc lại những dòng tôi đã viết trong "Lời mở đầu", tập sách Viết về bè bạn (mà trong đó, có phần tái bản của RXXL, 6-2003): "Tôi viết về họ (các văn nghệ sĩ cùng thời Bùi Ngọc Tấn) như những người mang nghiệp chướng trong mình. Tôi viết về sự nhếch nhác trần ai của họ, của những người làm nghề mà các tập chân dung văn nghệ sĩ khác chưa nói tới hoặc chỉ nói qua. Viết về cái chông gai và cả hiểm nguy của người nghệ sĩ, đặc biệt là với nghề văn để các bạn trẻ suy nghĩ kỹ trước khi bước vào nghề, dấn thân vào cuộc phiêu lưu với nghệ thuật ngôn từ. Tôi muốn có bóng dáng thời đại chúng tôi đã sống trong những trang sách của tôi cũng như tôi hiểu được rằng viết chân dung, viết hồi ký là phải trung thực nếu không muốn mình là "kẻ bịp bợm".

"Giải Hội Nhà văn VN năm nay có cơ cấu hơi lạ:không có giải A (đã đành!), nhưng cũng không có nốt giải C mà thay vào đó là 10 tặng thưởng, ngoài 6 giải B.

Tuy nhiên, nhìn trên toàn cục, ngoài một số sai lệch so với dự đoán của nhiều người cũng như yêu cầu thể loại thì giải thưởng năm 2004 - với quyết định không trao giải A cho tất cả các thể loại - đã phản ánh đúng tình hình văn học VN trong năm 2004.

Một đánh giá khiến người ta lấy làm mừng vì giải thưởng Hội càng ngày càng bớt "hoành tráng", "lạc quan" hơn, dám tiến gần và thừa nhận thực tế hơn nhưng cũng lại khiến những người yêu văn học nước nhà phải chạnh buồn cho một nền văn học suốt mấy năm nay khó tìm thấy đỉnh cao và đột phá!".

* Thực ra, điều khiến tôi (và hẳn là nhiều bạn viết, bạn đọc) tin vào những câu chuyện "cười ra nước mắt" với những "người thật, việc thật" như Đình Kính bán văn, Dương Tường bán máu... trong RXXL không phải chỉ vì bản thân tác giả cũng là một "người cùng khổ" và còn "biển dập, sóng dồi" hơn thế, mà cái chính là ở giọng văn Bùi Ngọc Tấn: đau đáu thổn thức, trĩu nặng tâm can nhưng vẫn tươi sáng giản dị, hồn hậu ân tình, không hằn học, không "bất đắc chí"...

- Không phải ngẫu nhiên mà trong một cuộc nói chuyện gần đây tại Viện Goethe, tôi đã lấy nhan đề bài nói của mình là "Tôi dọn mình để đối thoại với vô cùng". Viết là để mình được có dịp đối thoại với cái vĩnh cửu, là cố làm cho ra được vài trang sách chống chọi lại được với thời gian, là cố gắng không để mình bị "đo ván" dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Văn nghệ, theo tôi, quý trước hết vẫn là ở cái lòng nhân, là tình yêu thương con người. Tôi viết văn không phải để "cạnh khóe" ai, không phải viết cho "bõ tức". Với tôi mỗi lần viết là để mình được tốt hơn lên.

* Có một lo ngại rằng, chừng nào văn học VN còn nặng cảm hứng "ôn nghèo kể khổ" về thời đã qua thì chừng ấy cuộc sống hôm nay còn khó được nhận diện và "có chỗ" ông thấy sao?

- Tôi nghĩ bất kỳ dòng văn học nào mà nói được chân thành và trung thực về thân phận con người và nhất là về những điều chưa từng được nói đến hay chưa được nói đúng thì không có gì là "đã qua" cả, nếu không muốn nói là đều đáng quý và tuyệt vời.

* Nếu ông được làm lại một điều gì với RXXL? Có cuốn sách nào ông đang viết không?

- Nếu RXXL được có dịp tái bản (cách đây lâu lâu, Công ty văn hóa phương Nam cũng đã có lời đề nghị với tôi), tôi mong tôi sẽ co lại được ngắn hơn ở những đoạn tôi đã trót dông dài. Còn hiện tại, tôi đã viết được hơn 200 trang trong tổng số khoảng 800 trang cho cuốn tiểu thuyết có tên Không có chân trời, viết về những ngươi đánh cá biển - nơi tôi đã từng sống và làm việc suốt hơn 20 năm.

Nhà phê bình văn họcNguyễn Hòa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên