11/11/2012 06:36 GMT+7

Tuổi già

 Truyện 1.190 chữ của HOÀNG CÔNG DANH
 Truyện 1.190 chữ của HOÀNG CÔNG DANH

TT - Mùa đông năm nay mưa không nhiều, vắng bão và ít gió. Thế mà ông cụ Đa cứ ngồi lo ngay ngáy, bữa ăn chỉ xơi chừng một bát cơm là ngưng. Bà cụ bưng chén lên định xới thêm cơm cho ông, nhưng ông đã kịp gác đôi đũa ngang trên chén ngăn lại.

uuFULFcW.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

- No rồi bà. Gần chết ăn chi cho nhiều.

- Già rồi lo chi chết ông - bà cụ nhai nốt miếng cơm rồi nói như an ủi.

- Tui chẳng lo chết. Chỉ sợ là sợ chết trước bà thôi.

- Lỡ tui chết trước thiệt. Ông sống một mình chắc cũng buồn lắm?

- Tui chỉ mong được chết sau bà. Để còn lo cái hậu sự cho bà thật đàng hoàng.

- Ui dào. Thế ông với tui chết một lần, khỏi cù nài nghe.

Cụ Đa móm mém cười, run run nhấc đôi đũa.

- Ừ, bà nói nghe trơn ruột. Thế thì cho tui thêm lưng bát nữa.

*

Ông bà cụ Đa năm nay đã gần tám chục tuổi. Ông bà đều nhai trầu đỏ nên răng vẫn còn kha khá. Ông hay nói đùa với cụ bà: “Răng tui với răng bà cộng lại vừa đủ một hàm”.

Bác Sanh, con trai duy nhất của ông bà, thì đã ở trên phố cách làng ba chục cây số. Vợ bác Sanh tên Hoa. Công việc bán buôn bận rộn suốt nên mỗi năm hai vợ chồng bác Sanh cũng chỉ đáo về làng dăm ba lần. Mỗi lần bác Sanh về lại “cấp” cho bà cụ Đa một ít tiền. Khoản trách nhiệm phí này do bác gái chủ chi và đưa cho bác Sanh, dặn: ông bà già rồi, tiêu tiền không mấy, chừng đó là được rồi. Bác Sanh hầu như chả bao giờ có tiền dư dật trong túi, bác gái nắm tài khoản hết, thành ra có muốn dúi thêm cho bà cụ Đa cũng chịu.

Bác Sanh có hai con gái, một đã ra trường đi dạy, một đang học cấp ba. Hai cô cháu gái ít khi về thăm ông bà nội. Cô chị bảo về quê chán lắm, nhà ông bà nội thấp le te, cái chỗ nằm cũng chẳng nên thân. Cô út thì nói em ớn nhất là thấy bà nội nhai trầu, cứ nhổ bèn bẹt ra sàn nhà. Nhìn mà ghê.

Ông bà cụ Đa thì luôn mong ngóng con cháu về chơi. Mỗi lần cây bưởi sau vườn ra trái, bà cụ đều lấy dây chuối buộc đánh dấu năm trái ngon nhất để dành cho cháu. Thế mà hết mùa bưởi, cả cây bẻ trụi trái chúng nó vẫn chưa về.

Cụ Đa có tính lo xa. Cách đây năm năm ông đã đi xuống cồn Mai, bãi đất nghĩa trang ở làng, chọn một miếng đất đủ cho hai phần mộ. Ông cắm tre xung quanh. Cái đó người quê gọi là đất “thành phần”. Có người bảo con ông ở trên tỉnh, chết nó đưa đi hỏa thiêu thành tro than rồi gửi chôn trên nghĩa trang thành phố cho sạch sẽ, chôn dưới đất làng nước nó ngâm chẳng lạnh lẽo à. Ông cười, nói sống ở đây thì chết ở đây, có bà con xóm làng, bỏ đi đâu chỉ thêm quạnh quẽ.

Ông cụ tính chờ bác Sanh về, đặt ý với anh ấy là xây cho ông bà cái tường táp lô quanh đất thành phần. Ở giữa xây cái hộp quách, để khi ông bà chết thì chỉ việc thả cái hòm xuống là xong.

*

Mưa đậm, gió lạnh tràn về bất ngờ khiến bà cụ lên cơn suyễn, ho lộc hộc cả ngày, cứ như sắp đi. Ông cụ Đa sang hàng xóm gọi nhờ điện thoại lên cho bác Sanh. Giọng run run líu lưỡi, nói rập cập chữ được chữ mất vì hàm răng cái còn cái rụng. Bác Hoa bắt điện. Nghe xong không phản ứng gì. Cũng chả báo với chồng. Nghĩ, bà cụ còn khỏe thế chết đâu được. Chẳng qua trời lạnh quá tuổi già ho hen cũng chuyện thường.

Đúng là bà cụ chưa về với tiên tổ được, nhưng sau trận ốm cụ quỵ hẳn, suốt ngày nằm trên giường. Coi bộ cũng chả sống thêm bao lâu nữa. Cũng may là bà ốm nặng nhưng ông còn khá khỏe, chăm lo cho bà được. Ông đút cháo cho bà, vệ sinh cho bà hằng ngày.

Nhiều người thấy thế cảm thương ông. Nhưng cụ Đa vẫn nhướng mắt lên cười, tỏ vẻ lạc quan. Ông nói sống chết có số. Tui với bà ấy sống tới chừng này tuổi là số lớn lắm rồi. Chẳng tiếc nuối chi nữa. Có điều, rất mong anh Sanh anh ấy về xây ngoẻn cái lăng cho xong. Để vài bữa bà ấy đi thì cũng có chỗ ấm áp mà nằm dưới đất.

Ông cụ Đa lại sang gọi nhờ điện thoại lên phố cho bác Sanh. Ông rống hết sức nói trong điện thoại: “Chúng tôi chết đến nơi rồi, anh chị coi về chôn cho với”. Bác gái nghe xong nói với bác trai: “Ông cứ oang oảng thế thì chết đâu được”. Thế nhưng hôm sau hai vợ chồng bác Sanh cũng về làng.

Cụ Đa lại nói chuyện xây lăng. Bác Sanh quay sang vợ, hỏi ý mẹ mày thế nào. Bác gái bảo hẵng đã bố ơi. Xây thì dễ, nhưng làm thế thiên hạ lại bảo vợ chồng con ác, muốn ông bà chết quách cho xong hay sao mà đi xây lăng. Nói xong, bác gái kéo bác trai ra ngoài: “Thầy bói bảo năm nay mà động đến đất đai mồ mả là việc bán buôn sẽ khó khăn”.

Gần tết thì bà cụ Đa mất. Tám chục tuổi tròn. Bà nhắm mắt đi khỏe re sau bữa tối. Đám tang cụ bà, ông cụ Đa buồn thiu nhưng vẫn bảo: “May là tôi còn sống để lo được hậu sự này cho bà. Chỉ tiếc chưa xây được cái lăng”.

Đám xong xuôi, hai vợ chồng bác Sanh muốn đón ông cụ Đa lên phố ở. Nhưng ông không chịu, nói tui ở lại đây với bà con xóm làng, hương khói cho tổ tiên, chiều còn xuống mộ chơi với bà nữa chứ. Bác Hoa nói cụ gàn, sướng không ưng, cứ ưng cực.

Năm ngày sau khi cụ bà mất, ông cụ Đa cũng đi theo luôn. Đi rất nhẹ nhàng. Người ta bảo cụ đang khỏe thế mà mất, thật lạ. Có người lý giải do nhịp sinh học. Hai ông bà sống với nhau cả đời, hai cơ thể như cùng một nhịp, khi cái này ngưng thì cái kia cũng ngưng theo. Ông bà như thế là trọn tình trọn nghĩa với nhau. Thôi thế cũng là phúc.

Chỉ có vợ bác Sanh rống lên: “Trùng tang. Đại họa. Ông bà rủ nhau đi kiểu này thì còn khổ lây tới con cháu nữa đây”.

 Truyện 1.190 chữ của HOÀNG CÔNG DANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên