09/09/2012 03:14 GMT+7

Nhận dạng kẻ cướp

Truyện 1.194 chữ của BÍCH NGÂN
Truyện 1.194 chữ của BÍCH NGÂN

TT - Sau khi đợi con gái bước vào cổng trường, tôi cho xe chạy rề rề một đoạn rồi tấp vào lề đường, dừng lại trước xe bánh mì.

Trong lúc chờ người bán xắt thịt chả, tôi nhìn thấy trước mặt một quán cà phê ghế dựa nhựa chồm ra vỉa hè. Tôi định sẽ vào đó uống cà phê, nhai bánh mì, chờ đến tan giờ học thêm của con gái.

h8CWn232.jpgPhóng to
Minh họa: TRẦN NGỌC SINH

Lúc tôi cầm lấy ổ bánh mì cúi xuống treo vào móc xe thì thình lình một bên cổ tôi bị một bàn tay bấu chặt.

Khi hoàn hồn, ngoái lại phía sau, tôi chỉ kịp nhìn thấy một bàn tay hất hất vật vừa giật được trong lòng tay như ước chừng trọng lượng. Rồi thấy bàn tay đó cho sợi dây chuyền vào túi quần và rồ ga vọt đi.

Tôi cài lại cổ áo khoác và vẫn ngồi bất động trên yên xe. Cảm giác tiếc của cũng có nhưng không rõ. Rõ nhất là cái cảm giác ngỡ ngàng trước một tay cướp liều lĩnh, thuần thục.

Bà bán bánh mì cầm tiền thối lại tôi, nói: “Tui thấy rành rành bảng số xe của nó. Cô báo công an đi”.

Bước vào trụ sở công an, do hết giờ làm việc, tôi chỉ thấy mấy dãy ghế, mấy chiếc bàn làm việc và trên tường, dưới câu khẩu hiệu “Vì nhân dân phục vụ” là chiếc đồng hồ Gimiko đang đều đều gõ nhịp. Tôi vừa lên tiếng bằng cái hắng giọng thì từ phía sau một thanh niên mặc áo may ô bước ra: “Chị đến đây có việc gì?”. “Tôi đến để trình báo việc tôi vừa bị cướp”. Người thanh niên chỉ vào chiếc ghế dài đặt trước một chiếc bàn: “Chị ngồi đợi tôi một chút!”.

Vài phút sau, ngồi trước mặt tôi là một chiến sĩ công an mặc sắc phục chỉnh tề.

Theo yêu cầu của thiếu úy Hà, tôi phải viết bản tường trình theo tờ giấy mẫu. “Chị chỉ cần ghi đủ và chính xác” - thiếu úy nói và đưa tôi cây bút bi.

Đợi tôi ghi họ tên, số chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú vào bản tường trình, thiếu úy Hà nói: “Chị ghi rõ là vào lúc mấy giờ, tại đâu, sợi dây chuyền bằng vàng hay bạch kim, có mặt hay không có mặt, đối tượng cướp khoảng bao nhiêu tuổi, cao hay thấp, kiểu tóc, màu tóc, mặc áo gì, quần gì, đi xe gì, số xe như thế nào, có ai nhìn thấy không...”. Tôi nhìn đồng hồ, lẩm nhẩm cấn trừ mấy giây tôi ngồi như phỗng trên yên xe, mấy phút nghe những người nhìn thấy kẻ cướp nói, mấy phút tìm đến trụ sở công an, mấy phút chờ thiếu úy Hà mặc quần áo chỉnh tề... Sau đó tôi ghi: “Vào khoảng 18 giờ kém 15 phút, tôi dừng xe trước chỗ bán bánh mì thì thình lình...”. Thiếu úy Hà nhìn vào: “Chị phải ghi rõ chiếc xe bán bánh mì đó chỗ nhà số mấy”.

Thái độ nhã nhặn nhiệt tình của thiếu úy Hà khiến tôi làm theo chỉ dẫn. Vẫn để chiếc xe máy trước trụ sở công an, chờ đoàn xe rền rĩ rồng rắn đi qua, nắm chặt cây viết trong tay, tôi băng qua đường, đến chỗ mà mấy phút trước tôi bị cướp.

Tôi ghi vào lòng bàn tay số nhà có chiếc xe bán bánh mì dựng trước mặt. Chỉ có số xe của kẻ cướp thì những người nhìn thấy lại không nhớ trọn vẹn. Bà bán bánh mì đứng gần đuôi xe kẻ cướp, lúc nãy nói “thấy rành rành” giờ chỉ nhớ “dãy số dưới là 1346”.

“1346, 1346...”, thiếu úy Hà lặp lại những con số sau khi đọc bản tường trình.

Ba ngày sau, theo lời mời, tôi đến trụ sở công an.

Khác với lần đến trước, vì trong giờ làm việc nên người dân ngồi kín cả mấy hàng ghế.

Người gọi tôi đến chỗ bàn làm việc đeo quân hàm đại úy, tên Hưng. Liếc qua mớ giấy tờ trước mặt, đại úy nhìn cổ áo tôi: “Hôm bị giật dây chuyền chắc chị mặc áo không có cổ?”. Không đợi trả lời, đại úy Hưng quay lại, rút trong ngăn tủ ra một xấp ảnh rồi đặt xuống mặt bàn từng tấm một, nhìn tôi: “Chị có nhận dạng được đối tượng giật dây chuyền của chị không?”.

Lần đầu tiên nhìn hình nhận dạng, tôi đâm lúng túng. Những gương mặt khác nhau, đầu tóc khác nhau, tuổi tác chênh nhau. Ánh mắt của những đối tượng tình nghi như được khung lại và trú sau những cái mặt nạ.

“Chị có nhận được ra ai trong số này không?” - đại úy Hưng giục. Tôi nhìn lướt qua những gương mặt được xếp ngay ngắn trên mặt bàn một lần nữa, nói: “Tôi chỉ nhớ rõ cái cách mà bàn tay của tên cướp nắm lấy sợi dây chuyền”. Đại úy Hưng cao giọng: “Ở đây chúng tôi không yêu cầu chị nhận dạng bàn tay!”.

Lúc đại úy Hưng xếp lại hồ sơ vụ việc sợi dây chuyền bị cướp bỏ vào ngăn tủ rồi đứng dậy đi vào phía trong, tôi vẫn ngồi thừ trên ghế. Chiếc đồng hồ Gimiko vẫn nhịp nhàng gõ nhịp. Còn hơn ba mươi phút nữa mới tới giờ tan học của con gái. Nhìn ra đường, nắng như trút lửa. Tôi bước ra hàng ghế phía ngoài, ngồi xuống, mở túi xách lấy tờ báo đọc dở ra. Tôi muốn đọc cho hết trang báo nhưng không sao tập trung được.

Gấp lại tờ báo, nhìn mấy người còn lào thào trò chuyện chờ đến lượt mình được gọi tên, tôi bắt đầu áy náy. Chỉ là một vụ cướp giật cỏn con. Lẽ ra tôi không nên trình báo. Đã mất của lại thêm mất thời gian.

Lúc tôi dắt xe chưa ra khỏi trụ sở công an thì chợt nghe tiếng la: “Cướp, cướp...”. Tiếng truy hô như cùng một lúc với tiếng bánh xe thắng gấp nghiến vào mặt đường, tiếng va chạm, tiếng ngã đổ, tiếng kêu trời.

Khi tôi cho xe nổ máy thì đoạn đường trước mặt đã hỗn loạn người xe.

Lúc len qua đám đông, tôi không nhìn rõ nạn nhân của vụ tai nạn, chỉ thấy một chiếc xe gắn máy đổ kềnh kéo theo người đàn bà còn kẹt vào đó và nằm sóng sượt cách đó không xa là một đứa bé áo trắng đầm xanh, còn chiếc cặp có dán hình chú chuột Mickey bung ra nằm xập xãi trên mặt đường loang máu.

Tôi đi qua khỏi hiện trường vụ tai nạn chừng ba trăm mét thì nghe tiếng còi hụ của xe cứu thương.

Âm thanh rờn rợn của từng hồi còi cứu thương làm đường phố nhộn nhạo như sững lại trong vài giây, rồi tất cả tiếp tục vận hành dưới cái nắng như đổ lửa lên đầu.

Truyện 1.194 chữ của BÍCH NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên