Phóng to |
Bìa các tác phẩm đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 4 - Ảnh: NXB Trẻ |
9 tác phẩm đoạt giải Lễ trao giải cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 4 do NXB Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức sẽ diễn ra lúc 9g ngày 5-9-2010 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Chín tác phẩm - tác giả đoạt giải cuộc thi năm nay gồm: các tập truyện ngắn Tạm trú (Đỗ Duy), Visa (Hải Miên), Cô con gái ngỗ ngược (Võ Diệu Thanh), tập truyện vừa Thuê bao quý khách (Hương Thị), truyện dài Giấc mơ bên gốc vú sữa (Nguyễn Thị Mạnh Hà) và các tiểu thuyết Những giao diện ẩn (Trịnh Thị Mỹ Ngọc - bút danh: Thiên Di), Những chuyển điệu (Nguyễn Thiên Ngân), Biển (Trương Anh Quốc), Giảng đường yêu dấu (Mai Anh Tuấn). Chín tác phẩm đoạt giải đã được in sách và sẽ phát hành từ ngày 5-9. Các tác phẩm khác vào vòng chung khảo sẽ được chọn lọc để in, trước mắt là ba tác phẩm: Hố sâu, rắn, sẹo và tình yêu; Vì những trái dầu cũng có đôi; Những chiếc chìa khóa bị đánh mất. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 170 triệu đồng (thay vì 150 triệu đồng như công bố trước đó). |
Năm nay, ban tổ chức giữ kín kết quả giải thưởng đến tận lễ trao giải (5-9) để gây bất ngờ như lễ trao giải... Oscar. Ngay cả chín tác giả đoạt giải cũng chỉ biết mình được mời đến nhận giải nhưng không biết sẽ được trao giải nào. Ðiều đặc biệt, trừ ba tác giả thuộc thế hệ 7X, 6/9 tác giả đoạt giải năm nay đều thuộc thế hệ 8X, trẻ nhất là một gương mặt nữ sắp tròn 22 tuổi.
Ðó cũng là niềm vui lớn nhất của ban tổ chức ở giải lần này khi tuổi trung bình của các tác giả đoạt giải thấp nhất so với ba lần trước: 27,2 tuổi (lần 1 là 28,6; lần 2 là 30,7 và lần 3 là 32,8 tuổi). Không hẹn mà "đại diện" các vùng miền cũng tề tựu khá đông đủ tại giải lần này: từ vùng biển đến phố núi, từ Vĩnh Phúc đến Sài Gòn, từ Quảng Nam, Quảng Bình đến Khánh Hòa, Bình Thuận, Tây Ninh rồi An Giang, Cà Mau...
Những giọng điệu riêng
Phát động từ tháng 3-2009, cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 4 đã được khởi động trong sự hồi hộp của ban tổ chức khi đến giữa chặng đường, số bản thảo gửi đến tham dự vẫn còn khá ít ỏi.
Cứ ngỡ rằng giữa thời đại mọi thứ đều có thể xuất bản một cách dễ dàng, nhanh chóng, cuộc chơi "ém bản thảo" như cuộc thi viết này đã đến lúc cần thay đổi thể lệ. Nhưng không, con số 197 bản thảo tham dự (nhiều hơn lần 2 bốn tác phẩm và ít hơn lần 3 tám tác phẩm) cho thấy: vẫn còn rất nhiều cây bút âm thầm "dành tặng" những tác phẩm của mình cho một sân chơi văn chương luôn chờ đợi những tiếng nói mới này.
Chưa vội nói đến các tác phẩm gặt hái được giải thưởng ở cuộc thi, trong cả những tác phẩm không được chọn vào vòng chung khảo hoặc chỉ dừng ở vòng chung khảo một, đã có manh nha những cây bút khiến các giám khảo thích thú lẫn... tò mò về người viết vì những giọng điệu riêng ấn tượng - cái riêng ấy lại là cái không phải cây bút chuyên nghiệp nào cũng "sở hữu" được.
Như một số truyện ngắn của các tác giả đã được trích đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần: Tơ rơi, Con chim bồ câu, Sarika không hót nữa... Chỉ tiếc một chất giọng lóe sáng ở vài cung bậc chưa đủ làm nên một tiếng nói đầy đặn. Hoặc một sự đều tay trong bút lực, một cốt truyện tròn trịa lại chưa đủ làm nên một giọng văn đáng nhớ. Có những tác phẩm hay bị nằm lại cùng những tập bản thảo như vậy khiến ban tổ chức dự kiến sẽ làm một tuyển tập truyện ngắn hay từ những bản thảo chưa được in sách lần này.
Từ 23 tác phẩm vào vòng chung khảo một, ban chung khảo (gồm nhà văn Nguyên Ngọc, GS Lê Ngọc Trà, nhà văn Lê Văn Thảo, nhà văn Phan Thị Vàng Anh và nhà báo Thúy Nga) đã phải "tinh tuyển" lần nữa sau nhiều cuộc họp để chọn ra 12 tác phẩm vào chung khảo hai, trong đó có chín tác phẩm đoạt giải, vượt con số dự kiến một giải thưởng do có đến hai tác phẩm cùng đoạt giải ba. Số lượng giải thưởng "dôi" ra cũng phần nào cho thấy sự thành công bước đầu của giải lần này.
Ở đó, có "một thứ văn trẻ trung nóng hổi bốc khói, xốc xới, hồ hởi" (nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết lời giới thiệu cho tập truyện ngắn Tạm trú); "văn chương đẹp đẽ, lãng mạn có sức cuốn hút, mời gọi tuổi trẻ ở vị ngọt ngào" (nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói về tiểu thuyết Những chuyển điệu); có "lối văn hàm súc, thuần thục, tự nhiên mà khá lôi cuốn, hấp dẫn và ít nhiều có dư âm, có sức ám ảnh khá mạnh mẽ" (tiến sĩ Nguyễn Thành Thi giới thiệu tập Giảng đường yêu dấu), có giọng văn dung dị nhiều màu sắc mà trưởng ban giám khảo - nhà văn Lê Văn Thảo tin có thể "để lại dấu ấn mình vào nền văn học "miền Tây hoang dã" và cả nước" (Cô con gái ngỗ ngược). Ở đó, có tác phẩm mà nhà văn Nguyên Ngọc "vượt qua chút cảm giác ngờ ngợ lúc đầu, bỗng dần dần thấy bị cuốn hút, đến không dứt ra được" (Biển).
Còn có một "dấu ấn" khác mà các cuộc thi trước đây chưa đóng dấu rõ: viết về mất mát. Lời bình cũng là lời giới thiệu cho tập truyện Visa của giám khảo trẻ nhất trong ban chung khảo cuộc thi lần này - nhà văn Phan Thị Vàng Anh - là một hàm ngôn nói lên cái "được" khá độc đáo của một tác phẩm mà cũng là của giải thưởng lần này: "Có một cái khác lớn nhất của tuổi trẻ mỗi thời, chính là cái mất mát. Viết lại được cái sôi động, cái buồn vơ vẩn của tuổi 20 đã là hay, nhưng viết được cái mất mát khác biệt của tuổi 20 mỗi thời mới là khó". Và như Vàng Anh nói, tác giả đã làm được điều này. Không riết róng như Visa, cái mất mát đó còn bàng bạc trong nhiều tác phẩm khác.
Đặt niềm tin vào người trẻ
Theo nhà báo Thúy Nga - thành viên ban chung khảo, tác phẩm đoạt giải nào cũng có mặt mạnh mặt yếu, nhưng nhìn chung cái thú vị của cả cuộc thi là các tác giả mỗi người mỗi nét đã phác thảo nên gương mặt của cuộc sống hôm nay, cái hôm nay của bây giờ, với tất cả lo toan, bận rộn, chộn rộn... rất đặc thù của hiện tại.
Nhấn mạnh về sự thật của đời sống hiện tại trong các tác phẩm dự thi và trông cậy vào văn học trẻ như "người cầm nắm văn học tương lai của đất nước", nhà văn Lê Văn Thảo - trưởng ban chung khảo, nguyên chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - ghi nhận nhiều điểm theo ông là đáng quý về cuộc thi - "một góc văn học trẻ" năm nay: "Ðiều đáng quý nhất là đa số truyện là của các tác giả trẻ, tác giả trẻ viết về thế hệ mình, mạnh dạn khai phá những vấn đề mới.
Thứ đến, có thể nói là quan trọng nhất là tính giản dị, chân thật của tác phẩm; cuộc sống, tầm nhìn trần trụi, thô mộc được phản ánh sinh động, đa dạng, phong phú. Văn học những năm gần đây chuộng sự thật, tính tư liệu, thông tin, tự sự là không thể thiếu. Cuộc thi lần này phần nào thể hiện được điều đó. Ðó cũng chính là mặt mạnh của văn học trẻ hiện đại".
Nhìn lại số đầu sách mà NXB Trẻ sắp phát hành từ cuộc thi, ông Nguyễn Thế Truật - trưởng ban tổ chức, phó giám đốc NXB Trẻ - hào hứng: "Giá trị của một giải thưởng văn chương là tác phẩm. Giá trị của giải Văn học tuổi 20 bên cạnh tác phẩm còn là phát hiện những cây bút mới. Ba giải lần trước, kết quả đã góp vào đời sống văn học những tác giả thành danh sau giải.
Lần này, chúng tôi vẫn trọn niềm tin ấy, vào ba tác giả 7X và sáu tác giả 8X sẽ tự tin, góp tiếp những tác phẩm hay sau giải thưởng. Vấn đề giờ đây thuộc về cộng đồng đông đảo người đọc tìm sự đồng cảm, nhận ra những đồng điệu để đồng hành với các trang văn trên những tác phẩm đoạt giải. Bạn đọc chính là nguồn cảm hứng của người viết, dõi theo sự trưởng thành từng ngày của nhà văn. Còn chúng tôi chỉ góp một phần khiêm tốn là tạo cơ hội để nhà văn đến với người đọc, tạo cho người đọc có được nhiều tác phẩm đáng đọc".
Cũng đặt niềm tin cuối cùng vào người đọc, nhà văn Lê Văn Thảo thận trọng: "Ban giám khảo chúng tôi đã làm việc kỹ càng, khó khăn trong việc lựa chọn vì các tác phẩm suýt soát nhau, hơn kém không nhiều. Ðiều chúng tôi thật sự vui mừng là thấy qua các tác phẩm, bút lực các tác giả còn rất dồi dào, tin rằng các anh chị còn viết tốt hơn nữa trong thời gian tới. Kết quả chấm giải của ban giám khảo, dù có được sự đồng thuận cao, cũng chỉ là của một số người, sự thẩm định chính xác nhất vẫn là của thời gian và công chúng bạn đọc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận